“Không có căn cứ kháng nghị vụ án vườn mít”

Sự kiện: Kỳ án vườn mít

Văn bản trả lời của VKSND Tối cao vẫn không thuyết phục được đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng và các luật sư.

Ngày 1/11, VKSND Tối cao có Văn bản số 3895 gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc thụ lý giải quyết khiếu nại vụ án Lê Bá Mai. Văn bản do Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong ký.

“Không có căn cứ kháng nghị vụ án vườn mít” - 1

Vụ án Lê Bá Mai

Không nhận được đơn kêu oan của Lê Bá Mai

Văn bản nêu: Việc buộc tội Lê Bá Mai giết người và hiếp dâm trẻ em là trên cơ sở tranh tụng và kiểm tra chứng cứ, điều tra công khai, minh bạch, đúng pháp luật tại phiên tòa. Từ đó, ngày 30/8/2013, Lê Bá Mai đã bị tuyên án chung thân về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Không có căn cứ để xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo VKSND Tối cao, quá trình thụ lý đơn sau khi xét xử phúc thẩm, viện đã nhiều lần tiếp ông Lê Bá Triệu (cha của Mai) và một số luật sư. Lập tổ công tác liên ngành trực tiếp gặp bà Nguyễn Thị Hảo để xác minh (người mà ĐBQH Bùi Mạnh Hùng cho là “nhân chứng mới” biết vụ án - PV). Phân công các tổ nghiệp vụ, chuyên trách nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách độc lập, thận trọng, có báo cáo bằng văn bản. Giao các cơ quan đơn vị trả lời đơn thư cho các cá nhân có đơn đề nghị xem xét lại vụ án. Tuy nhiên, đến nay VKSND Tối cao không nhận được đơn kêu oan nào của Mai từ sau phiên xử phúc thẩm lần ba.

Văn bản nêu: Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra (CQĐT) đã làm việc với bà Nguyễn Thị Hảo. Bà không được xác định là nhân chứng vì bà không phải là người trực tiếp biết về vụ án, không giải thích được một cách có căn cứ những tình tiết vụ án, lời trình bày có nhiều mâu thuẫn và không có chứng cứ khác để kiểm chứng. Như vậy, bà chỉ gián tiếp biết về vụ án sau khi sự việc đã diễn ra năm ngày. Nhiều tháng sau, bà vô tình biết được anh Điểu N. xuất hiện gần hiện trường vào tối trước khi phát hiện xác nạn nhân. Nghi ngờ này không có cơ sở vì nạn nhân đã bị giết trước đó (trước khi Điểu N. đi vào vườn mít). Những ghi âm mà bà Hảo cho rằng bà ghi được đều thu thập được sau đó nhiều tháng. Tuy vậy, những tình tiết này chỉ mình bà biết, không ai làm chứng, những người liên quan đều phủ nhận, còn máy ghi âm thì không còn…

“Con tôi khẳng định đã gửi đơn kêu oan”

Chiều 5/11, ông Triệu đã liên hệ với Pháp Luật TP.HCM và cho biết sau phiên xử phúc thẩm lần ba, ông vào trại giam gặp Mai. Mai khẳng định đã làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan tố tụng từ ngày 5-9/2013. Ông Triệu cũng cho biết đầu năm 2014, gia đình ông đã ra Hà Nội gửi đơn kêu oan cho con. Nhiều ĐBQH và luật sư cũng gửi đơn kêu oan cho Mai và kiến nghị xem xét lại vụ án. “Tôi chưa hề nhận được văn bản trả lời nào của VKSND Tối cao, cũng chưa từng được họ cho gặp gỡ để trực tiếp trình bày” - ông Triệu khẳng định.

Theo ông Triệu, nếu muốn biết Mai có gửi đơn kêu oan hay không thì chỉ cần tìm hiểu ở trại tạm giam tỉnh Bình Phước (nơi Mai hiện đang bị giam giữ) là rõ.

Luật sư Trịnh Thanh, luật sư Nguyễn Việt Hà và luật sư Huỳnh Thế Tân (những người bào chữa và trợ giúp pháp lý miễn phí cho Lê Bá Mai) cũng khẳng định chưa từng nhận được văn bản trả lời cũng như không được mời làm việc trực tiếp với VKSND Tối cao liên quan vụ án gì cả…

Trả lời Pháp Luật TP.HCM chiều 5/11, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng cho biết ông có nghe nói nhưng chưa nhận được văn bản trả lời của VKSND Tối cao. Trước đó, ông đã yêu cầu được trả lời bằng văn bản chi tiết các vấn đề liên quan trong vụ án như mâu thuẫn về lời khai, về vật chứng, hiện trường vụ án, những vi phạm tố tụng… “Với những thông tin mà tôi biết, tôi nghĩ nên kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để xem xét cẩn trọng hơn. Nếu không, tôi không thể yên tâm khi kết án chung thân một con người mà chứng cứ còn đầy mâu thuẫn, thiếu sức thuyết phục, trong khi bị cáo liên tục kêu oan” - ĐB Hùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Loan (Pháp luật TP.HCM)
Kỳ án vườn mít Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN