Không bồi thường oan vì… "ai biểu khai gian"!
Đó là lập luận lạ lùng của VKSND tỉnh Đồng Nai về việc tại sao không xin lỗi, bồi thường cho một công dân mà trước đó viện đã truy tố oan.
Người bị từ chối xin lỗi, bồi thường oan là anh Nguyễn Tấn Đại, ngụ huyện Tân Phú, Đồng Nai. Anh Đại bị khởi tố và bắt tạm giam về tội hiếp dâm trẻ em từ năm 2005, khi anh mới 17 tuổi. Trải qua bốn phiên tòa, năm 2008 anh Đại được cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không phạm tội, kết thúc hơn 1.000 ngày (gần ba năm) bị giam oan.
Suốt bảy năm qua, anh Đại liên tục yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường oan. Mãi đến cuối tháng 8 rồi, VKS tỉnh mới có quyết định không bồi thường oan vì cho rằng anh Đại có hành vi cố ý khai báo gian dối.
Hai lần được tuyên trắng án
Theo cáo trạng truy tố, khoảng 12h một ngày đầu tháng 7.2005, Nguyễn Tấn Đại đi qua nhà hàng xóm thấy cháu N.H.A (tám tuổi) đang nằm trên võng trước cửa nhà. Đại đã bế cháu A đến rẫy nhãn gần đó để thực hiện hành vi giao cấu. Cháu bé không dám nói cho ai biết.
Khoảng 10 ngày sau, cháu A đã nói cho anh của mình biết chuyện bị Đại làm bậy. Một tuần sau, mẹ cháu A biết chuyện và thấy con gái kêu đau rát ở vùng kín nên đã tố cáo Đại. Sau đó, Đại bị bắt giam và truy tố về tội hiếp dâm trẻ em.
Cuối năm 2006, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, tuyên phạt Đại chín năm tù. Đại kháng cáo. Sau khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, VKSND tỉnh Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Tháng 5.2008, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên Đại không phạm tội. VKSND tỉnh Đồng Nai kháng nghị bản án này, đại diện người bị hại cũng có kháng cáo. Xử phúc thẩm lần 2, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai, bác kháng cáo của gia đình người bị hại, tuyên y án sơ thẩm, tuyên bố Đại không phạm tội.
Anh Nguyễn Tấn Đại cùng đứa con gái bé bỏng của mình. Ảnh: Vũ Hội
Đổ lỗi khai gian để không bồi thường
Sau khi được tuyên trắng án, anh Đại đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai yêu cầu được xin lỗi, bồi thường oan. Năm 2009, TAND tỉnh Đồng Nai có văn bản chỉ rõ trách nhiệm bồi thường oan trong trường hợp này thuộc về VKSND tỉnh Đồng Nai. Văn bản của tòa nêu rõ: “Nếu VKSND tỉnh Đồng Nai và ông Đại không thỏa thuận được mức bồi thường thì ông Đại có quyền khởi kiện ra tòa án theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra” (Nghị quyết 388, sau này là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).
Những tưởng trách nhiệm bồi thường như thế là đã rõ ràng. Nhưng không, sau đó VKSND tỉnh Đồng Nai có báo cáo giải quyết đơn yêu cầu của anh Đại với nội dung đang chờ hướng dẫn chỉ đạo của các phòng nghiệp vụ của VKSND Tối cao. Hai năm sau, VKSND tỉnh Đồng Nai có văn bản trả lời anh Đại như sau: “Trong quá trình điều tra vụ án, tại bản tự khai và các lời khai nhận của Nguyễn Tấn Đại đã khai thực hiện hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, tại bản khai về sau, Đại không thừa nhận đã thực hiện hành vi hiếp dâm. Điều này chứng tỏ Nguyễn Tấn Đại đã có hành vi khai báo gian dối”. Từ đó viện này kết luận Đại “không thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng”!
Không đồng ý với cách trả lời của VKSND tỉnh Đồng Nai, anh Đại tiếp tục khiếu nại và yêu cầu bồi thường oan với số tiền 700 triệu đồng.
Suốt nhiều năm mong đợi, cuối tháng 8.2015, VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định “bác đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Nguyễn Tấn Đại” do Phó Viện trưởng Trần Huy Hùng ký. Theo đó, viện này cho rằng: “Từ lời khai nhận tội ban đầu của Đại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Phú đã tiến hành khởi tố bị can. Sau khi vụ án được chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý theo thẩm quyền thì Đại không thừa nhận thực hiện hành vi hiếp dâm. Như vậy, Đại đã có hành vi cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm, gây cản trở hoạt động điều tra chứng minh người phạm tội, dẫn đến vụ án xảy ra nhưng chưa xử lý được người phạm tội. Như vậy, Đại không được bồi thường”.
“Tôi đâu có khùng mà tự nhiên nhận tội”
Trong căn nhà nhỏ do cán bộ và nhân dân xã Phú Lộc đóng góp xây dựng và trao tặng, Đại kể từ khi anh bị bắt giam, cả gia đình ai cũng bị sốc, tinh thần bấn loạn. “Nửa tháng sau ngày tôi bị bắt giam, cha tôi đột ngột qua đời. Mẹ tôi sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng gõ cửa kêu oan nhiều nơi cho tôi nhưng tất cả đều rơi vào vô vọng. Vì đau lòng và suy nghĩ quá nhiều nên mẹ tôi đã biến chứng về thần kinh khiến lúc nhớ, lúc quên… Vậy mà giờ họ lại đổ lỗi tại tôi khai báo gian dối và nhận tội trong giai đoạn điều tra để né trách nhiệm bồi thường”.
“Khi nhận được quyết định không bồi thường oan của VKS, tôi như chết đứng. Còn mẹ tôi thì khóc ròng vì uất nghẹn. Cơ quan tố tụng đã đẩy gia đình tôi vào cảnh bần cùng, tan vỡ nhưng lại không chịu trách nhiệm. Hiện nay hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn. Sau khi được tự do, tôi lấy vợ và có được một đứa con gái nhưng vì nhà quá nghèo nên vợ tôi bỏ đi, để lại đứa con gái cho tôi nuôi dưỡng. Hằng ngày tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền ăn cho gia đình và tiền thuốc cho mẹ...” - anh Đại nghẹn lòng.
Trả lời câu hỏi tại sao hồi đó nhận tội để bây giờ VKS vin vào đó đổ lỗi khai báo gian dối, Đại nói: “Tôi đâu có khùng! Sở dĩ tôi phải khai nhận tội là do bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung rồi bắt ký. Trong đơn khiếu nại gửi VKS, tôi cũng ghi lý do như thế nhưng họ vẫn không chịu”.
Chứng cứ ngoại phạm quá thuyết phục Tại bản án phúc thẩm (lần 2) tuyên Nguyễn Tấn Đại không phạm tội hiếp dâm trẻ em, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: Lời nhận tội của bị cáo Đại mâu thuẫn với lời khai của các nhân chứng trong vụ án. Kết luận điều tra và cáo trạng đều không xác định được chính xác ngày bị cáo phạm tội. Tòa cho rằng có sự mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về địa điểm xảy ra sự việc phạm tội, về cách thức thực hiện hành vi hiếp dâm; có sự mâu thuẫn giữa kết luận giám định pháp y với thực tế “không bị gì” của cháu bé. Anh Đại giờ một mình gánh vác nuôi mẹ già và con thơ. Ảnh: Vũ Hội Cạnh đó, tòa chỉ ra trong bản cung nhận tội của bị cáo không có mặt người giám hộ hoặc người bào chữa, điều này vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì thời điểm này bị cáo chưa thành niên. Theo bản tường trình của Công an xã Phú Lộc thì sau khi lấy lời khai của nghi phạm xong mới mời mẹ bị cáo đến nghe đọc lại biên bản và cho lăn tay. Điều tra viên cho biết bị cáo nhận tội có mặt người giám hộ nhưng mẹ bị cáo là người không biết chữ. Do đó biên bản ghi lời khai nhận tội của bị cáo đã vi phạm tố tụng nên không được coi là chứng cứ để kết tội bị cáo. Mặt khác, thời điểm này giữa gia đình bị cáo và gia đình bị hại đang có mâu thuẫn nên lời khai của người thân bị hại không phải là căn cứ khách quan. Chưa kể lời khai của họ mâu thuẫn với chính lời khai của người bị hại (cháu bé). Đặc biệt theo tòa, bị cáo và các nhân chứng đã chứng minh thời điểm xảy ra sự việc phạm tội (theo lời khai của bị hại), bị cáo đang câu cá cùng đám bạn. Đây là bằng chứng ngoại phạm hết sức thuyết phục khiến lời buộc tội của VKS trở nên vô căn cứ. Ngoài ra khi Đại bị bắt giam, gia đình Đại đã nhiều lần làm đơn phản ánh Đại bị công an xã đánh đập hết sức dã man khi lấy lời khai khiến Đại ói ra nhiều máu. Tuy nhiên, Công an xã Phú Lộc cho rằng “không có đánh đập bất cứ hình thức nào đối với em Đại”. Văn phòng luật sư Người Nghèo nhận trợ giúp pháp lý cho anh Đại Sau khi biết thông tin về trường hợp của anh Nguyễn Tấn Đại, luật sư Trịnh Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, TP.HCM) đã nhận lời trợ giúp pháp lý miễn phí cho anh Đại. “Trước mắt, chúng tôi sẽ giúp anh Đại làm đơn khiếu nại quyết định “bác đơn khiếu nại” của VKSND tỉnh Đồng Nai. Sau đó, chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ anh làm thủ tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” - luật sư Trịnh Thanh cho biết. |