Khởi tố chú ruột Hoàng Công Lương

Tòa án thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không xử lý ông Hoàng Công Tình (chú ruột bị cáo Lương)- phó khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình nên kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định.

Khởi tố chú ruột Hoàng Công Lương - 1

Bị cáo Hoàng Công Lương (bìa trái) và ông Hoàng Công Tình

Chiều 30/1, TAND TP Hòa Bình tuyên án sơ thẩm vụ “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan sự cố y khoa ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Bác sĩ Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”. 

Không phải chịu trách nhiệm về nước

Tòa án nhận định, BV Hòa Bình ký với Cty Thiên Sơn hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho chạy thận nhưng Cty Thiên Sơn thuê lại bị cáo Bùi Mạnh Quốc - GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh thi công. Ngày 28/5/2017, ông Quốc vô tình làm nhiễm axit vào hệ thống RO số 2. Hôm sau, phía BV Hòa Bình tiến hành lọc máu, chạy thận khiến 9 người tử vong.

Cá thể hóa hành vi, tòa án xác định bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận BV Hòa Bình không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước dùng cho chạy thận. Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, bị cáo chưa được ai bàn giao, chưa được người có thẩm quyền thông báo việc hệ thống RO số 2 đã có thể sử dụng. Bác sĩ Lương chỉ nghe một điều dưỡng - người không có trách nhiệm thông báo sửa chữa xong đã tin tưởng ra y lệnh chạy thận, dẫn đến chết người.

HĐXX cho rằng với kiến thức và trách nhiệm của mình, bị cáo Hoàng Công Lương “buộc phải biết nguồn nước chưa đảm bảo có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng bị cáo đã cẩu thả, làm việc theo thói quen dẫn tới hậu quả vụ án”. Vì vậy, tòa tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”.

Tiếp đến, bị cáo Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO số 2, biết hệ thống chưa đảm bảo an toàn nhưng không ngăn cản nhân viên y tế chạy thận cho bệnh nhân. Hành vi của Quốc là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, làm chết 9 trong 18 bệnh nhân chạy thận ngày 29/5/2017. Do đó, HĐXX tuyên phạt Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù cùng về tội “Vô ý làm chết người”.

Khởi tố Hoàng Công Tình

Cũng theo tòa án, bị cáo Trần Văn Sơn - nhân viên Phòng Vật tư BV Hòa Bình trong ngày 28/5/2017 chỉ kiểm tra đối chiếu các vật tư thay thế theo báo giá của Bùi Mạnh Quốc sau đó đã về nhà, không giám sát, kiểm tra việc sửa chữa. Như vậy, bị cáo không hoàn thành trách nhiệm, không nhận thức được sự nguy hiểm khi sử dụng nước không đảm bảo để chạy thận nên phải nhận 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó GĐ BV Hòa Bình; Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng Vật tư BV đã buông lỏng quản lý, không phân công cụ thể công việc cho cấp dưới, không bàn giao máy móc cho cá nhân cụ thể phụ trách… Vì vậy, tòa phạt ông Dương 30 tháng tù; bị cáo Khiếu 36 tháng tù; Trần Văn Thắng 36 tháng tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cuối cùng, bị cáo Đỗ Anh Tuấn- GĐ Cty CP Dược phẩm Thiên Sơn, là người đại diện cho Cty Thiên Sơn ký các hợp đồng với BV Hòa Bình trong đó có hợp đồng sửa chữa hệ thống RO số 2. Tuy vậy, bị cáo để mặc bệnh viện sử dụng máy móc; cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc tự ý sửa chữa và bàn giao thiết bị cho bệnh viện. Do đó, Đỗ Anh Tuấn phải nhận 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đáng chú ý, tòa án thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không xử lý ông Hoàng Công Tình (chú ruột bị cáo Lương)- phó khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình nên kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định. Về dân sự, tòa tuyên BV Hòa Bình và Cty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân theo tỷ lệ BV Hòa Bình chịu trách nhiệm chính, bồi thường 70%, Cty Thiên Sơn chịu 30% nghĩa vụ.

HĐXX kiến nghị Bộ Y tế rà soát, cập nhật bổ sung xây dựng các quy trình kỹ thuật trong bệnh viện đặc biệt là kỹ thuật chuyển giao cho tuyến dưới; có biện pháp kiểm tra việc liên doanh liên kết; đề cao kỷ cương trách nhiệm của các cơ quan quản lý và nhân viên y tế. Với Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, tòa án kiến nghị đơn vị này tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý trang thiết bị y tế, đảm bảo các kỹ thuật mới và an toàn trong khám chữa bệnh cho nhân dân; xây dựng sự phối hợp, phân công rõ ràng . 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Ân ([Tên nguồn])
Sốc phản vệ tập thể, nhiều người tử vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN