Khi “bay lắc” ẩn trong bar, karaoke, vũ trường...
Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, năm 2022, lực lượng chức năng khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện đã phát hiện cả trăm người dương tính với chất ma túy (tập trung chủ yếu là giới trẻ, lứa tuổi từ 16 đến 35). Để đấu tranh với tội phạm này, Cục đã đưa ra nhiều giải pháp, đồng thời xác lập các chuyên án đấu tranh.
Xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh “trá hình”
Năm 2022, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy lợi dụng hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhất là sau thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát, cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, các biện pháp hạn chế tập trung đông người dân được dỡ bỏ và cho phép các dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke, massage... được phép hoạt động trở lại. Các đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy sau thời gian dài bị cấm có xu hướng tập trung đến đây để vui chơi và sử dụng ma túy. Các chủ cơ sở do thời gian dài đóng cửa, khó khăn về kinh tế nên cũng có xu hướng dễ thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các hành vi sử dụng ma túy, “bóng cười” của khách hàng. Tại nhiều cơ sở kinh doanh, khi kiểm tra đã phát hiện cả trăm người dương tính với chất ma túy, tập trung chủ yếu là giới trẻ, lứa tuổi từ 16 đến 35.
Cá biệt, có những cơ sở trong thời gian ngắn đã liên tục phát hiện số lượng lớn đối tượng tụ tập đến để sử dụng trái phép chất ma túy, xử lý hình sự hàng chục đối tượng liên quan đến ma túy. Trong khi đó, một bộ phận trong giới trẻ cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp, bóng cười” là không nguy hiểm, không gây nghiện, là sành điệu, đẳng cấp và thường là điểm đến cuối cùng của các cuộc vui chơi. Nhiều đối tượng (kể cả chủ, quản lý, nhân viên các cơ sở kinh doanh) nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là về các hành vi tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Khi phát hiện, bắt giữ vẫn suy nghĩ chỉ bị xử lý hành chính.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho hay, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh “trá hình”, “lách luật” dưới dạng bar, pub, lounge, câu lạc bộ, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh... nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường với sức chứa lên đến hàng trăm người (đơn cử có cơ sở chuyển từ đăng ký vũ trường sang dạng quán bar, như: vũ trường Hoàng Gia ở Hải Phòng chuyển sang thành đăng ký bar DOM; vũ trường Phương Đông ở Đà Nẵng chuyển thành bar Phương Đông; vũ trường Grammy ở khách sạn Daewoo, Hà Nội chuyển thành mô hình câu lạc bộ...). Việc cấp phép hoạt động cho loại hình kinh doanh này tương đối đơn giản, không phải chấp hành các quy định đảm bảo về ANTT theo Nghị định 96/2016/CP và các quy định về mở vũ trường theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP.
Theo kết quả thống kê, hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy diễn ra trong lĩnh vực này chủ yếu ở loại hình karaoke và trong các cơ sở lưu trú. Hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó lại với sự phát hiện, đấu tranh của các cơ quan chức năng, như: Sử dụng nhân viên và hệ thống camera dày đặc để giám sát, cảnh giới; sử dụng mạng xã hội để trao đổi, liên lạc và xóa ngay theo ngày, yêu cầu trình CCCD/CMND trước khi đến để kiểm tra; khách đến phải liên lạc trước, đối với khách lạ, do người khác giới thiệu thì phải gửi ảnh, khi nhận đúng mặt và thường xuyên cử nhân viên vào để kiểm tra xem khách sử dụng ma túy hay không; thường xuyên đóng cửa, thậm chí treo biển dừng hoạt động; tạo nhiều lớp cửa ở khu vực bay, lắc, thậm chí thiết kế cả lối thoát hiểm cho khách khi có động...
Ngoài ra, thời gian gần đây đang có xu hướng thuê các căn hộ cao cấp, sau đó sửa chữa lại biến thành các phòng kinh doanh. Các đối tượng liên lạc, thỏa thuận với nhau qua điện thoại, mạng xã hội và chuyển tiền qua tài khoản mà không cần phải biết nhau hay trực tiếp gặp nhau. Đối tượng cho thuê thường sử dụng tên giả, sim rác là tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng giả... để trao đổi, giao dịch nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Trước vấn đề này, Phòng Phòng ngừa đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Phòng 4), Cục CSĐT tội phạm về ma túy trong năm 2022 đã xác lập và chủ trì đấu tranh thành công 3 chuyên án và gửi thông báo đề nghị Giám đốc Công an địa phương chỉ đạo đấu tranh với các ổ nhóm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy đặc biệt phức tạp tại các cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, khu nhà nghỉ sinh thái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Kết quả đấu tranh 3 chuyên án ma túy của Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã khởi tố 111 đối tượng về các hành vi liên quan đến ma túy (tất cả các chuyên án đều bắt giữ, khởi tố và chứng minh được vai trò chủ mưu, cầm đầu điều hành của chủ và quản lý cơ sở), xử lý hành chính 288 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, rút 4 giấy phép đủ điều kiện về ANTT, đề nghị 2 Công an địa phương xem xét trách nhiệm trong việc rà soát sót, lọt và để điểm, tụ điểm phức tạp kéo dài.
Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra một cơ sở kinh doanh có điều kiện, phát hiện hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy.
Kiểm soát “bóng cười” và các loại ma túy mới
Trong năm 2023, Phòng 4 tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu, rà soát, tập hợp các khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý đối với các hành vi chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, để từ đó tổng hợp, đề xuất lãnh đạo Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng kiến nghị TANDTC có hướng dẫn cụ thể đối với chương “Tội phạm về ma túy”; phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội rà soát, đánh giá các loại hình kinh doanh nhạy cảm có điều kiện, yếu tố tiềm ẩn phức tạp về ma túy, “bóng cười” để đề xuất bổ sung vào danh mục các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP để quản lý, đặc biệt là loại hình như quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống sử dụng nhạc mạnh, có quy mô và tính chất hoạt động như vũ trường...
Chỉ đạo hệ lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho thủ trưởng Công an các cấp để tham mưu các cấp ủy, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền (tác hại ma túy, pháp luật, vận động tố giác tội phạm...) để chủ, quản lý, nhân viên các cơ sở kinh doanh, đối tượng nguy cơ cao; người nước ngoài, du khách ngay từ khi mới đến Việt Nam biết được các hành vi bị cấm liên quan đến ma túy, “bóng cười” và hậu quả pháp lý nếu vi phạm; chỉ đạo các sở, ban, nghành chức năng phối hợp với chặt chẽ với lực lượng Công an siết chặt công tác quản lý nhà nước, nhất là trong thẩm định, cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động, tăng cường phối hợp kiểm tra đối với các loại hình kinh doanh dễ phát sinh và thường xuyên diễn ra hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy, “bóng cười”.
Nguồn: [Link nguồn]
Rủ nhau ăn nhậu tại căn hộ cho thuê, nhóm thanh niên nảy sinh ý định mua ma túy về “bay lắc”. Rạng sáng, khi cả nhóm đang "phê" thì bất ngờ bị lực lượng công an kiểm...