Khắc khoải hoàn lương của tội nhân giết người

Đến khi nhận bản án tù vô thời hạn lại càng khiến kẻ sát nhân mất ngủ hàng tháng trời bởi những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu: Biết đến bao giờ mới được ra tù? Lúc đó có còn đủ thời gian để làm lại cuộc đời hay không?…

Trong tâm trí Hoàng Văn Sơn, SN 1986 (ở tổ 15 phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP. Hải Phòng) lúc nào cũng bị ám ảnh hình ảnh nạn nhân đau đớn ôm vết thương bỏ chạy. 

Kết cục buồn của đứa bé mồ côi

Mẹ mất từ khi mới được 3 tuổi nên cho đến tận bây giờ, dường như Hoàng Văn Sơn không thể nhớ nổi chút cảm nhận nào từ tình cảm yêu thương của mẹ dành cho mình. Bố Sơn cũng chỉ ở vậy nuôi con được vài ba năm sau là lấy vợ hai. Trong khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn lại vướng phải cảnh vợ nọ con kia nên bố Sơn chẳng thể có đủ thời gian dành tình yêu thương, chăm sóc nhiều cho con riêng được.

Rồi lại cảnh mẹ kế con chồng thường xuyên bất hòa nên Sơn lớn lên trong sự thiếu thốn cả về tình cảm và vật chất. Sơn giống như cây con mọc trên đất cằn cỗi nên ngay từ bé đã hình thành tính cách lầm lì, ít nói. Đến khi lớn lên một chút, mỗi lần có chuyện gì không hài lòng với bố đẻ hoặc mẹ kế, Sơn lại xách quần áo ra ngoài thuê nhà trọ ở riêng...

Cuộc sống khó khăn đã đẩy Sơn phải đi kiếm tiền từ sớm mà không được học hành đầy đủ. 14, 15 tuổi Sơn đã phải đi phụ cắt tóc để vừa kiếm tiền, vừa học nghề cho đến khi thành thợ cắt tóc. Khi không làm nghề nữa, Sơn chuyển sang đi học lái xe, rồi xin vào lái taxi. Được một thời gian thấy chán, Sơn lại chuyển lái thuê xe tải...

Nếu như là người chín chắn, biết suy nghĩ một chút thì có lẽ tương lai của Sơn sẽ không đến nỗi khi công việc lái xe tải thuê cho gia đình người quen với thu nhập khá ổn định. Thế nhưng, với bản tính lì lợm, nóng nảy, khi nghe người em gái kể chuyện mấy hôm trước bị mất xe đạp và nghi cho thanh niên ở gần nhà lấy cắp, khiến Sơn đùng đùng đòi đi gặp để làm cho ra nhẽ. Tối 10/6/2012, hay tin “thủ phạm” lấy xe của em gái mình là Nguyễn Văn Thanh (SN 1987, đang cùng 2 người bạn là Phạm Duy Mạnh, SN 1983 và Nguyễn Văn Hoàng, SN 1988, đều ở quận Kiến An), ngồi uống nước tại khu vực trước Đài liệt sỹ Kiến An, thuộc tổ Gò Công 2, phường Phù Liễn, Sơn đã cùng chú ruột mình là Hoàng Văn Trung, SN 1972, đi đến hỏi tội, nếu không chịu nhận sẽ phải dạy cho bài học.

Vừa thấy Thanh, Sơn đã hùng hổ lao đến chửi bới, khẳng định anh này chính là người đã lấy cắp chiếc xe đạp của em gái mình và bắt mang trả. Bức xúc vì bị cho là thủ phạm lấy trộm xe nhưng Thanh vẫn chưa kịp nói gì thì đã bị chú ruột của Sơn là Hoàng Văn Trung bất ngờ từ phía sau dùng tay tát vào gáy. Thấy Thanh bị đánh, Mạnh đứng dậy đi đến định can ngăn thì Sơn cũng xông vào một tay túm cổ, một tay rút con dao bấm thủ sẵn trong người đâm một nhát chí mạng vào sườn trái khiến Mạnh sợ hãi ôm vết thương bỏ chạy. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên Mạnh đã tử vong sau đó. Sau khi ra tay sát hại anh Mạnh, Sơn đã bỏ trốn nhưng được gia đình vận động và đưa đến cơ quan công an đầu thú.

Nỗi ân hận muộn màng

Gặp lại Hoàng Mạnh Sơn trong Trại tạm giam Công an thành phố, với vẻ mặt hốc hác, phờ phạc và già đi nhiều so với trước đó hơn một năm từ khi bị bắt, Sơn cho biết mình suy nghĩ rất nhiều từ sau phiên tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án chung thân. Bản thân Sơn từ khi gây ra cái chết cho anh Phạm Duy Mạnh lúc nào cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh nạn nhân đau đớn ôm vết thương bỏ chạy. Đến khi nhận bản án tù vô thời hạn lại khiến Sơn mất ngủ hàng tháng trời bởi những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu: Biết đến bao giờ mới được ra tù? Lúc đó có còn đủ thời gian để làm lại cuộc đời hay không?

Khắc khoải hoàn lương của tội nhân giết người - 1

Hoàng Văn Sơn tại trại giam

“Ngay sau khi biết nhát dao của mình trút xuống đã cướp đi sinh mạng của anh Thanh em đã rất sợ hãi. Mặc dù đang chạy trốn nhưng trong suy nghĩ chỉ mong lúc đó người thân ở bên cạnh để đưa mình đến cơ quan công an đầu thú” - Sơn tâm sự. Anh ta cho biết thêm, cả cho đến sau này vẫn nhắn gia đình nếu có điều kiện thì bồi thường cho gia đình nạn nhân để bù đắp lại những mất mát do mình gây ra. Thế nhưng cuộc sống gia đình Sơn cũng quá khó khăn. Tất cả đều trông vào số tiền kiếm được từ công việc bán than dạo của bố và quán nước chè của mẹ kế. Gia đình cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ mới bồi thường được phần nào... “Nếu như gia đình có điều kiện bồi thường đầy đủ cho nạn nhân thì mức án của em chắc được xem xét giảm nhẹ và sẽ có nhiều thời gian làm lại cuộc đời hơn” - Sơn buồn bã nói.

Hơn một năm trong tù là chuỗi ngày dài đằng đẵng cho Sơn tự vấn lương tâm. Đã bao lần Sơn không thể cầm nổi nước mắt khi thấy sau mỗi lần bố đến thăm con lại già và yếu đi trông thấy. Sơn lo lắng không biết đến lúc nào mới được ra tù để có cơ hội chăm sóc, báo hiếu cho bố. Và giá như không gây ra tội lỗi thì giờ này Sơn cũng đang chuẩn bị làm đám cưới với người bạn gái đã từng có những tháng ngày yêu nhau nồng thắm...

Sơn cho biết, bạn gái của mình quê ở Uông Bí, Quảng Ninh, lúc quen nhau đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Cuối tuần nào Sơn cũng từ Hải Phòng bắt xe ô tô lên thăm người yêu. Sơn dự tính, chờ cho người yêu học xong sẽ xin phép 2 bên gia đình làm đám cưới. Thế nhưng từ khi vướng vào tù tội, đã nhiều lần người yêu vào thăm nhưng Sơn đều tránh mặt. Bởi Sơn biết mình không còn cơ hội mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Sơn chủ động nói với người yêu hãy quên mình đi để tìm hạnh phúc mới.

Phải trả giá cho tội lỗi mình gây ra là điều không tránh khỏi. Một bản án không hẹn ngày về dành cho kẻ sát nhân như Sơn là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng điều đó không có nghĩa tương lai đã hoàn toàn khép lại với Sơn. Cơ hội làm lại cuộc đời vẫn còn nếu Sơn thực sự hối lỗi, biết tu dưỡng lao động, cải tạo tốt thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về với gia đình và xã hội. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Đời Sống & Pháp Luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN