Kết thúc có hậu vụ 20 năm đi kiện công an TP.HCM

Sự kiện: Tin pháp luật

Hôm nay (3-11) TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm lần thứ năm, bác kháng cáo của ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại- BMC (trước đây là Công ty Vikamex- Bộ Thương mại).

HĐXX quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm vụ ông Đặng Đạo và Võ Văn Vinh kiện Công an TP.HCM và công ty BMC, đòi bồi thường thiệt hại vì bị “giam xe oan”.

Theo đó, tòa ghi nhận sự thỏa thuận của công an TP.HCM đồng ý bồi thường cho ông Đạo và ông Vinh mỗi người 250 triệu đồng. Lý do là công an tự nhận thấy có phần lỗi trong việc giam giữ xe của nguyên đơn.

Tòa cũng tuyên buộc Công ty BMC phải bồi thường cho mỗi nguyên đơn hơn 128 triệu đồng. Lý do là công ty BMC giữ xe của nguyên đơn khi không có quyết định của Công an TP.HCM dẫn đến hư hỏng, thiệt hại. Đồng thời, tòa bác yêu cầu phản tố của công ty BMC đòi hai ông phải bồi thường cho công ty. Tổng cộng hai ông mỗi người được bồi thường 378 triệu đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ năm ngày 17-4, TAND TP.HCM cũng tuyên án như trên. Đây là vụ kiện dân sự hi hữu vì nó kéo dài 20 năm nay với 10 bản án được ban hành và hàng chục lần mở phiên tòa rồi lại hoãn.

Kết thúc có hậu vụ 20 năm đi kiện công an TP.HCM - 1

Ông Nguyễn Văn Vinh trình bày với phóng viên (ảnh: T.T) 

Như Pháp Luật TP.HCM  đã đưa tin, vụ việc bắt đầu từ tháng 2-1992. Thời điểm đó, ông Đạo đại diện cho 10 chủ xe tải ký hợp đồng vận chuyển gỗ từ Campuchia về TP.HCM cho Công ty Vikamex. Trong một chuyến đi, một số xe tải đổ gỗ xuống tỉnh Sông Bé (cũ) theo lệnh riêng của vài cán bộ trong Vikamex. Ông Đạo báo lại sự việc cho công ty. Vikamex cho rằng ông Đạo chiếm đoạt tài sản XHCN nên yêu cầu Công an TP.HCM tạm giữ xe của ông Đạo, ông Vinh (nhưng không hề lập biên bản).

Sau 19 tháng tạm giữ xe và điều tra không có kết quả, Công an TP.HCM đã đình chỉ vụ án, trả xe lại cho các khổ chủ. Nhận hai chiếc xe trong tình trạng bị hư hỏng nặng, hai ông cho rằng Vikamex và cơ quan chức năng giữ xe trái phép gây thiệt hại nên kiện ra TAND quận 1 (TP.HCM) đòi bồi thường.

Năm 1995, TAND quận 1 xử sơ thẩm lần đầu, tuyên buộc Vikamex bồi thường cho hai chủ xe 196 triệu đồng. Xử phúc thẩm lần đầu, TAND TP tăng mức bồi thường lên gần 340 triệu đồng.

Bản án phúc thẩm này bị kháng nghị giám đốc thẩm và bị hủy vì vụ việc không thuộc thẩm quyền của cấp huyện, TAND quận 1 thụ lý là sai.

Sau đó TAND TP vào cuộc, xử sơ thẩm lần hai, buộc Vikamex bồi thường hơn 140 triệu đồng. Năm 1998, xử phúc thẩm lần hai, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại hủy án vì theo tòa, phải xác định Công an TP.HCM là bị đơn chứ không phải Công ty Vikamex.

Xử sơ thẩm lần ba, TAND TP xác định Công an TP và Vikamex là đồng bị đơn nên buộc liên đới bồi thường gần 500 triệu đồng. Phán quyết này tiếp tục bị hủy vì chưa tính đến việc trượt giá trong bồi thường.

Cuối năm 2005, TAND TP ra quyết định chuyển vụ án ra TP Quy Nhơn (Bình Định) - nơi cư trú của hai nguyên đơn vì cho rằng đây là vụ “đòi bồi thường do bị oan trong tố tụng”. Sau khi có khiếu nại, TAND TP mới chịu giữ hồ sơ lại giải quyết.

Năm 2007, tòa này xử sơ thẩm lần thứ tư, buộc Công an TP bồi thường cho hai chủ xe hơn 26 triệu đồng để sửa hai chiếc xe bị hư, còn các thiệt hại khác thì tòa “miễn”.

Phúc thẩm lần thứ tư (8-2008), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại hủy án vì cấp sơ thẩm không tính đến khoản mất thu nhập của nguyên đơn trong thời gian xe bị “giam oan”.

Tháng 5-2013, TAND TP.HCM bắt đầu trình tự xử sơ thẩm lần thứ năm, nhưng các phiên tòa này lần lượt phải phải hoãn vì nhiều lý do khác nhau…

 

Kết thúc có hậu vụ 20 năm đi kiện công an TP.HCM - 2

Ông Vinh và hai luật sư tại tòa 

Từ khi phía bị đơn là công an TP.HCM có thiện chí hòa giải theo hướng đồng ý bồi thường cho hai nguyên đơn mọi việc mới dễ dàng hơn.

Ông Vinh, một trong hai nguyên đơn, cho biết 20 năm qua ông đã bỏ biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc để theo đuổi vụ kiện. Mỗi lần tòa có giấy triệu tập là ông lại khăn gói từ Quy Nhơn (Bình Định) đón xe đò vào TP.HCM để hầu tòa, rồi lại lủi thủi ra về. Trong khi ông Đạo năm nay đã hơn 70 tuổi, sức khỏe không đảm bảo nên phó thác hết cho ông Vinh.

“Mỗi khi tòa hoãn xử, một mình bắt xe về lại Quy Nhơn cảm giác còn ê chề, ngán ngẩm hơn rất nhiều. Hết ngày này tháng khác, đi tới đi lui để yêu cầu những người làm sai bồi thường cho mình. Nhiều người đã khuyên tôi bỏ vụ kiện này, nhưng tôi nhất quyết theo tới cùng vì sự công bằng…”, ông Vinh nói. 

Hi vọng đây sẽ là bản án cuối cùng của vụ kiện “dài hơi” này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng (Pháp Luật TPHCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN