Kết cục bi đát của kẻ đào tẩu khiến cả nước Mỹ chấn động
Cho tới nay, cuộc đào tẩu tại nơi canh giữ nghiêm ngặt nhất nước Mỹ này vẫn luôn được nhắc lại như là bài học đắt giá đối với chính quyền Mỹ trong công tác quản lý trại giam.
LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất. |
Chân dung David Sweat - kẻ đào tẩu nguy hiểm khiến cả nước Mỹ chấn động
Quá khứ bạo lực
David Sweat, 36 tuổi là kẻ sát nhân mà chính quyền New York liệt vào danh sách cực kỳ nguy hiểm.
Ngày 4/7/2002, ông Kevin Tarsia - phó cảnh sát trưởng hạt Broome, trong khi đi tuần tra đã bắt quả tang Sweat và anh họ của hắn là Jeffrey Nabinger đang vận chuyển súng ăn cắp.
Hai tên đã bắn ông Tarsia 15 phát đến khi ông ngã gục. Không dừng lại ở đó, chúng còn lái xe chèn qua người ông. Xong xuôi, chúng vơ vét đồ trong xe của ông Tarsia, lấy quần áo và ăn cắp khẩu súng của viên cảnh sát này.
Với hành vi giết người man rợ này, Sweat sau đó bị kết án chung thân.
Trước đó, Sweat cũng từng bị kết án vì tội trộm cắp vào năm 1997 và thụ án hơn 2 năm tù.
Vụ vượt ngục như phim Hollywood
Sau khi bị kết án, Sweat bị giam giữ tại trại cải tạo Clinton - một trong những nhà tù được cho là có an ninh tốt nhất nước Mỹ.
Tại đây, nhờ chấp hành kỷ luật tốt mà tên này được ở trong khu vực đặc cách, được đi lại thoải mái hơn các tù nhân ở khu khác, có quyền tự nấu ăn và không phải mặc quần áo tù nhân.
Tuy nhiên, đằng sau thái độ ngoan ngoãn cải tạo là một âm mưu đào tẩu táo tợn. Đêm nào David Sweat cũng lén chui qua lỗ nhỏ tự tạo trên bức tường buồng giam xuống một hệ thống đường hầm chằng chịt bên dưới nhà tù để nghiên cứu rồi trở về như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sweat thực hiện trót lọt việc này trong nhiều tháng bởi hắn nắm rõ lịch thay ca và nghỉ ngơi của các nhân viên cai ngục. Quá trình thăm dò của Sweat kéo dài tới gần 1 năm. Sau khi tính toán hàng trăm phương án, kế hoạch đào tẩu của tên sát nhân cuối cùng cũng hình thành.
Lỗ thủng mà Sweat cắt trên ống cống bên dưới Trại cải tạo Clinton
Theo những gì Sweat khai với cơ quan điều tra, hắn ấp ủ âm mưu vượt ngục từ rất lâu nhưng chỉ thực sự nghiêm túc bắt tay thực hiện kế hoạch khi được chuyển đến cạnh phòng giam của tên đồng phạm là Richard Matt.
Sweat đã mất rất nhiều thời gian và công sức dùng một lưỡi cưa sắt âm thầm cắt thủng bức tường buồng giam của cả hắn và đồng phạm Matt.
Khi một bạn tù thắc mắc về những tiếng ồn phát ra trong đêm từ buồng giam của Sweat, hắn chỉ trả lời rằng đang kéo dãn vải để vẽ hoặc làm khung. Sweat rất có năng khiếu hội họa. Hắn được cho là từng tặng tranh cho cán bộ trại giam để đổi lấy một số đặc quyền.
Đến tháng 2/2015, Sweat tiếp cận đến không gian phía sau buồng giam. Hàng đêm, hắn phải chờ đến 23h30 rồi mới chui qua lỗ trên tường, lợi dụng các đường ống nước để trèo xuống hệ thống đường hầm. Sweat dành phần lớn thời gian mày mò tại đây và chỉ trở về khi đồng hồ chỉ 5h30. Sweat lặp lại đều đặn chuỗi hành động trên cho đến khi tìm được một ống cống mà hắn quả quyết rằng đó chính là đường thoát thân. Tuy nhiên, con đường này dẫn tới một ngõ cụt.
Nhưng không vì thế mà Sweat từ bỏ ý định. Tên sát nhân lại phát hiện ra một khu vực khác với nhiều đường ống thông xuyên qua đường hầm chạy phía dưới bức tường bao quanh nhà tù. Sweat cho hay hắn có thể thấy những đường ống này nối tới một đường hầm khác, cách đó chừng 6 mét, phía ngoài trại giam.
Với búa tạ và vài dụng cụ cầm tay ăn trộm được, Sweat bắt đầu bào mòn lớp bê tông trên tường của đường hầm. Để tránh bụi bẩn bám vào người, Sweat mang theo một bộ quần áo khác để thay mỗi khi hành động. Việc đào xới diễn ra vô cùng chậm chạp bởi bức tường quá cứng.
Ngày 4/5, trại Clinton tắt hệ thống sưởi. Các đường ống dẫn hơi nước vì thế nguội dần. Sweat quyết định thay vì tiếp tục đục phá hắn sẽ cắt thẳng vào đường ống lớn đi xuyên qua bức tường bê tông trong hầm.
Sử dụng lưỡi cưa có tay cầm bó bằng giẻ rách, Sweat dành hơn 4 tuần để khoét hai lỗ vào và ra ở hai đầu đường ống, đủ lớn cho một người chui qua. Sweat và Matt chỉ dám thực hiện kế hoạch vào đêm 6/6 sau khi đã thử nghiệm hàng chục lần trước đó.
Tuy nhiên, những mưu đồ của Sweat sẽ không dễ dàng thành công nếu không có sự tiếp tay của Joyce E. Mitchell, quản giáo tại trại Clinton. Quản giáo này chính là người đã tuồn lưỡi cưa, đục cùng các công cụ khác vào tù để hỗ trợ Matt và Sweat tẩu thoát
Sau khi lên khỏi miệng cống dọc con phố chính ở Dannemora, chúng thậm chí còn dán một mẩu giấy vàng vào một đường ống vẽ hình mặt người với dòng chữ mỉa mai: “Chúc một ngày tốt lành”.
Lúc 5 giờ 30 ngày 6/6/2015, khi điểm danh tù nhân, cai ngục mới tá hỏa khi phát hiện ra cả Matt và Sweat đã biến mất. Chúng dùng quần áo để tạo thành hình nộm vờ như vẫn đang nằm trên giường.
Lưới trời khó lọt
Hàng trăm cảnh sát đã tìm kiếm hai tên tù vượt ngục cả bằng ô tô và trực thăng. Thống đốc Cuomo gọi vụ vượt ngục là “khó có thể tưởng tượng”.
Giới chức Mỹ thông báo về vụ việc cho cả cảnh sát ở Canada và Mexico. Còn tại Mỹ, họ đã dán hình hai tên tù vượt ngục ở khắp nơi và khuyến cáo người dân Dannemora cảnh giác. 800 người đã tham gia vào cuộc truy lùng. Họ đi kiểm tra từng ngôi nhà, lùng sục khu vực rừng gần nhà tù. Chó săn cũng được huy động tìm kiếm.
Vài ngày sau, một trung sĩ cảnh sát phát hiện ra Sweat trên con đường nhỏ cách biên giới Canada khoảng 1,6 km. Viên cảnh sát đuổi theo Sweat tới một cánh đồng vắng và giơ súng bắn bị thương kẻ vượt ngục.
Ngay sau đó, tác giả của vụ vượt ngục chấn động nước Mỹ này đã bị đưa vào phòng biệt giam với chế độ theo dõi đặc biệt.
-----------------------------------------------
Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 11/10/2017.
Với một chiếc que sắt và sợi dây thừng, “nghệ sỹ đào tẩu” đã nhanh chóng thoát khỏi nhà tù khét tiếng Wormwood Scrubs.