Kẻ tử tù mong được đền tội sớm

Gã mong được đền tội sớm để thoát khỏi ám ảnh nhưng vẻ mặt vẫn tỏ ra luyến tiếc.

Mỗi khi chiều xuống, những âm thanh ồn ã bên ngoài thưa dần báo hiệu một ngày lao động qua đi, nỗi nhớ nhà khiến Hùng thấy chân tay bứt rứt.

Giờ này mọi khi gã cũng chuẩn bị về nhà, nằm dài trên ghế xem tivi sau một ngày đứng đường đón khách, chờ vợ con bưng mâm lên.

Ám ảnh nặng nề

Hạnh phúc giản đơn và ấm cúng ấy bình dị với mọi gia đình lao động đã bị Hùng tự tay vứt bỏ hơn một năm nay. Kể từ ngày bị bắt, gã biết chắc vợ con sẽ phải gồng mình với miệng lưỡi thiên hạ, gã mang án tử hình lơ lửng trên đầu, chẳng biết “đi” lúc nào. Gã thương mình thì ít vì dẫu sao cũng trải đời nhiều rồi, chỉ hận một nỗi để vợ con phải lao đao và nhất là thằng cháu con chị gái, vì gã mà cả đời tù tội, chẳng biết ngày trở về. Kẻ ngày nào cũng sám hối ấy là Phạm Thu Nguyệt, tức Hùng, SN 1963, ở phường Đức Giang, quận Long Biên, tử tù ở Trại giam Công an tỉnh Hà Nam. Nguyệt là hung thủ của một vụ giết người giấu xác, xảy ra giữa tháng 4/2011. Cách đây hơn một năm, gã chạy xe ôm, chuyên đón khách ở khu vực chợ Long Biên, tình cờ được chị Tiên, một phụ nữ Trung Quốc, thuê chở. Gã thạo tiếng Trung trong khi vị khách người Trung Quốc này lại không biết tiếng Việt nên ngoài tiền công chở khách, gã còn được trả thêm một khoản tiền nữa gọi là phí giao dịch. Từ đó về sau, mỗi khi sang Việt Nam làm việc với đối tác, chị Tiên lại tìm đến Nguyệt, tin tưởng y đến nỗi nhiều lần nhờ thanh toán hộ tiền hàng rồi gửi sang. “Cô ấy nhờ tôi nhiều lần lắm, lần nào cũng vài trăm triệu đồng tiền hàng, tôi đều giúp rất nhiệt tình nhưng rồi không hiểu sao...”, Nguyệt bỏ lửng câu nói. Sự giúp đỡ của anh xe ôm cuối cùng cũng không vô tư được nữa khi mà đầu óc hàng ngày còn lấn cấn chuyện kiếm tiền nuôi con trong khi thi thoảng lại được ôm một đống tiền mà không được sử dụng. Lòng tham đã khiến Nguyệt quên tất cả.

Kẻ tử tù mong được đền tội sớm - 1

Phạm Thu Nguyệt được dẫn giải ra nơi đã gây án.

Để chiếm đoạt tiền của chị Tiên, Nguyệt bàn với đứa cháu gọi gã bằng cậu, lập kế hoạch giết người. Sau khi “điều” được chị Tiên từ Trung Quốc sang Việt Nam, Nguyệt lấy lý do mẹ ốm, rủ người phụ nữ này về Hà Nam thăm mẹ rồi tìm cách đưa ra cánh đồng vắng ở huyện Duy Tiên (Hà Nam), cùng đứa cháu hạ sát. Giết người xong, cậu cháu Nguyệt dùng cọc tre, gạch, bê-tông dìm xác nạn nhân xuống con mương dẫn nước vào ruộng. Sau hai lần ra kiểm tra, gã đinh ninh việc làm của mình chỉ có trời biết, nhưng chưa kịp hưởng thụ món tiền cướp được thì bị bắt. Gã trâng tráo không nhận tội nhưng khi nhìn thấy vợ con, thấy bố mẹ suy sụp vì mình thì mọi sự lên gân của gã hoàn toàn bị đánh gục. Biết chắc tội mình khó thoát khỏi tử hình, gã nhận hết tội về mình, cố vớt vát cứu thằng cháu nhưng không thể. Nghe tòa tuyên cháu mức án chung thân, đôi chân gã rã rời vì biết từ đây, dù thời gian sống là rất ngắn ngủi nhưng lòng gã không bao giờ thanh thản được.

Cái giá của sự tráo trở

Nguyệt bảo tội của mình như thế không oan, chỉ tiếc là vì tham, mờ mắt vì tiền mà đánh mất mình, để tiếng dơ cho cả gia đình, dòng họ. Bao năm lăn lộn mưu sinh, được mọi người nhìn nhận là chăm chỉ, vậy mà giờ đây tất cả chỉ còn nỗi đau, sự nhục nhã cho người ở lại. Nguyệt thương hai con chưa có công ăn việc làm thì vướng vào chuyện của bố; hận vì để bố mẹ già cuối đời mang vết nhơ khó rửa và đau nhất là thằng cháu trai độc tôn của vợ chồng chị gái, vì nghe gã dụ dỗ mà hết đời trong trại giam. Nước mắt chảy dài trên gương mặt choắt, nhăn nheo, gã khóc...

Nguyệt sinh ra trong một gia đình lao động, ngoài tính chăm chỉ thừa hưởng từ bố mẹ, gã còn hơn người ở sự gan lỳ hiếm có. Chính vì cái tính lỳ ấy mà 10 năm trời sau ngày ra quân, trong khi những người đi lính cùng ngày với gã lần lượt về quê thì gã biến mất như không tồn tại trên cõi đời. Không tin tức, không thư từ nhắn gửi trong 10 năm liền, đùng cái gã trở về dắt theo vợ con và một bọc tiền giắt lưng. Cha mẹ, anh em mừng rỡ rồi ngạc nhiên vì Nguyệt quyết tâm đổi đời bằng việc tậu nhà ở thủ đô cho con cái không bị lạc hậu.

Từng lưu lạc nhiều năm bên Trung Quốc, lăn lộn với đủ nghề nhưng Hà Nội không phải nơi để gã trổ tài. Làm ăn sa sút, gã phải làm nghề xe ôm trong khi người vợ cũng phải bươn chải trong chợ kiếm từng đồng. Đã có lúc gã mệt mỏi, muốn về quê nhưng bị tính sĩ diện cản đường.

Nguyệt bảo ngày xuất ngũ, hành trang chỉ có vài bộ quần áo mỏng trong ba lô đi tìm kế sinh nhai, gã không thấy nao núng nhưng ngày bị bắt, bị dẫn tới nơi đã giấu xác chị Tiên, bước chân gã ngập ngừng vì sợ. Đã bao đêm gã cứ đặt lưng xuống là lại mơ thấy hình ảnh người phụ nữ xấu số ấy, với đôi mắt vô hồn không ra trách móc hay căm phẫn. Gã sợ lắm, bảo những ngày chờ thi hành án thật khủng khiếp, nhất là những khi màn đêm chầm chậm buông xuống. Đêm thật dài với những mộng mị nối tiếp mà cũng thật ngắn bởi gã mới chỉ mơ màng ngủ thì gà đã gáy sáng. Rồi gã mong cái chết đến sớm, được đền tội sớm để khỏi bị ám ảnh nhưng vẻ mặt vẫn tỏ ra luyến tiếc. Cũng phải thôi bởi chẳng ai muốn chết khi vẫn còn sức để sống nhưng với gã có lẽ vừa mong được sống lại vừa muốn chết để thanh thản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN