Kẻ sát hại con riêng của chồng và cuộc truy lùng xuyên qua 2 thế kỷ (P 3): Người đàn bà "chạy trốn" tội ác
Sự biến mất của người mẹ kế đã khiến hướng điều tra vụ án có sự thay đổi. Nghi phạm sát hại bé trai 5 tuổi dần lộ diện...
Cháu H được xác định tử vong khoảng 72 giờ trước khi phát hiện. Như thế, theo tính toán là nạn nhân bị sát hại ngay vào ngày cháu mất tích, tức ngày 19/5/1988.
Công an làm rõ, cháu H bị đánh vào đầu, sau gáy và tử vong. Sau khi gây án, hung thủ đã đưa thi thể nạn nhân ra cánh đồng Bãi Rạng (Hiệp Thuận, Phúc Thọ) để chôn phi tang. Cái chết đầy bất ngờ và tức tưởi của cậu bé mới 5 tuổi khiến cả xã Hiệp Thuận xôn xao, đau đớn.
Lúc này, các điều tra viên bắt đầu lật lại lời khai của Sâm khi cháu H mới mất tích. Sâm cho biết, chị ta đi ra đồng một mình. Tuy nhiên, một nhân chứng kể lại vào ngày 19/5 có thấy Sâm mang theo đôi quang gánh đi trước còn cháu H chạy theo sau.
Một nguồn tin khác lại cho hay, họ thấy Sâm "quẩy" đôi quang đi lên đê, qua bên cánh đồng Bãi Rạng với dáng vẻ "lặc lè", dường như gánh thứ gì đó khá nặng. Điều trùng khớp là, nơi Sâm hướng tới cũng là địa điểm mà sau này thi thể cháu H được tìm thấy.
(Ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết)
Khi công an tìm đến nhà, Sâm cùng con gái mới hơn 8 tháng tuổi đã biến mất. Bản thân anh N chồng chị ta cũng không rõ vợ và con gái đi đâu mà đột ngột tới vậy. Mọi dấu vết của người phụ nữ này dường như bị xóa sạch ngay lập tức.
Khám xét, công an tìm thấy đôi quang gánh mà Sâm dùng vào ngày 19/5 khi cháu H mất tích, phía mép quang vẫn còn vài vết màu nâu nghi máu bám lại.
Với những thông tin đã thu thập được, kèm với việc Sâm bỗng dưng bỏ nhà ra đi hết sức bất ngờ, cơ quan điều tra bước đầu nhận định chị ta có liên quan đến cái chết của cháu H. Thời điểm này, câu chuyện về việc Sâm không hài lòng với gia đình chồng, với cháu H cũng được xác minh là có căn cứ.
Vào ngày 22/5, tức là lúc cháu H được phát hiện đã chết, Sâm bắt đầu lo lắng. Khi tất cả mọi người trong nhà đều tập trung về cánh đồng Bãi Rạng để nhận diện và lo hậu sự cho H, Sâm đã âm thầm bế theo cô con gái mới 8 tháng tuổi bỏ đi.
Một người cho hay, họ thấy Sâm đầu đội nón, tay bế con đi lên đê, hướng về xã quê chị ta. Nhận định, Sâm sẽ trốn về nơi này, Công an huyện Phúc Thọ nhanh chóng cho người tiếp cận.
Tại đây, người nhà Sâm kể sáng 22/5 chị ta bế con ghé qua nhà. Trong suốt quãng thời gian ngắn ngủi lưu lại, Sâm không kể chuyện gì. Dường như sốt ruột điều gì đó, Sâm cũng chỉ nghỉ chân chốc lát rồi lại bế con lên đường.
Một nguồn tin khác cung cấp cho công an thì khẳng định phát hiện một người phụ nữ đội nón, bế con đi men theo đê ra phía đường quốc lộ. Một cuộc rà soát dọc tuyến quốc lộ này được công an tiến hành. Tuy vậy, dù đã tìm rất kỹ theo hướng về các huyện Hoài Đức, Đan Phương, thậm chí nội đô Hà Nội thì bóng dáng Sâm cũng chẳng thấy đâu.
Vào những năm cuối 80 của thế kỷ 20, điều kiện về thông tin liên lạc, về phương tiện di chuyển rất khó khăn. Chính vì thế, các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Phúc Thọ phải mất nhiều công sức, thời gian khi xác minh bất cứ nghi vấn nào. Sâm cứ thế biến, không dấu vết, không manh mối.
Suốt nhiều năm, dù lệnh truy nã Sâm về hành vi "Giết người" đã được phát ra, thế nhưng chẳng có lấy một nguồn tin báo nào về đối tượng. Nhóm những cán bộ, chiến sỹ tham gia ban chuyên án từ năm 1988 có nhiều người đã chuyển đơn vị, có người về hưu…
(ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết)
Sâm có thể ở đâu? Là câu hỏi mà nhiều thế hệ những người điều tra vụ án ở Công an Phúc Thọ và Công an Hà Tây cũ (sau này là Hà Nội) luôn canh cánh bên mình. Mỗi năm, các anh đều tiến hành rà soát, tiếp cận gia đình Sâm để động viên, kêu gọi họ nếu có liên lạc được thì khuyên đối tượng ra đầu thú. Vậy nhưng, cả chục năm trời, Sâm bặt tín, không một cánh thư, một cuộc điện thoại…
Đến năm 2000, tức là bước sang đầu thế kỷ 21, công tác truy nã của công an được đẩy mạnh. Thời điểm đó, các anh nắm được vào những năm 80, 90 rất nhiều người từ phía Bắc vào khu vực Tây Nguyên để làm kinh tế mới. Trong đó hầu hết tập trung ở tỉnh Lâm Đồng. Thậm chí ở huyện này còn có cả một làng "Phúc Thọ", tập hợp nhiều hộ dân là người Phúc Thọ di cư vào.
Trong số những người đi làm ăn chân chính thì cũng không ít đối tượng lợi dụng điều đó để trốn tránh quá khứ tội lỗi của mình, trốn truy nã…
Chỉ trong thời gian ngắn, với sự tập trung cao độ, Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với công an sở tại đã bắt giữ hàng chục đối tượng phạm pháp, bị truy nã và lẩn trốn ở Lâm Đồng. Thế nhưng, kẻ mà các anh "canh cánh" muốn tìm ra suốt hơn 10 năm trời thì vẫn "mất dấu".
(Còn nữa)
Nguồn: [Link nguồn]