Hy hữu vụ án 3 lần mở tòa vẫn không thể xử

Toà án nhân dân (TAND) huyện Củ Chi (TP.HCM) ba lần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhưng sau đó hoãn xử để trả hồ sơ cho Viện kiểm sát Nhân dân huyện điều tra bổ sung, làm rõ bản chất vụ án.

Như Tiền Phong đã thông tin, trong cuộc trao đổi với phóng viên mới đây, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết bà đang nghiên cứu hồ sơ vụ án tai nạn giao thông liên quan 1 phụ nữ đang nuôi con nhỏ có “nhiều tình tiết đáng ngờ” với nhận định: “Tôi nghi ngờ cô này không thân, không quen, không tiền, không bạc mới chịu ở tù”.

Hy hữu vụ án 3 lần mở tòa vẫn không thể xử - 1

Bị cáo Thạch Thị Bé Trúc đang đi vào phòng xử án tại phiên toà lần 3 ngày 27/12/2016. Ảnh TL

Yêu cầu điều tra bổ sung

Đây là vụ án khá hy hữu, Toà án nhân dân (TAND) huyện Củ Chi (TPHCM) ba lần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhưng sau đó hoãn xử để trả hồ sơ cho Viện kiểm sát Nhân dân huyện (KSND) điều tra bổ sung, làm rõ bản chất vụ án.

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Củ Chi tại phiên tòa lần thứ 3 diễn ra ngày 27/12/2016, thì tối ngày 27/3/2015, Thạch Thị Bé Trúc (SN 1999) điều khiển xe máy lưu thông trên đường nông thôn số 9, hướng từ tỉnh lộ 8 về đường Trần Văn Chấm, phía sau chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc (SN 1993, tại Trà Vinh). Khi đến ngã tư Trần Văn Chấm – đường nông thôn 9 thuộc ấp Hậu (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), Trúc cho xe băng qua đường Trần Văn Chấm, va chạm với xe ô tô do Huỳnh Nhật Hoài điều khiển đang lưu thông trên đường Trần Văn Chấm, hướng từ tỉnh lộ 2 đi Quốc lộ 22. Vụ tai nạn đã làm chị Nguyễn Thị Ngọc tử vong tại bệnh viện.

“Tôi chưa dám nói đây là vụ án oan nhưng điều khiến tôi bức xúc là cô này có con 2 tuổi. Mẹ bị bắt giam, hai đứa con sống trong cảnh vắng mẹ. Các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét cho cô gái tại ngoại. Tại sao mình có thể giảm án, tha tù cho rất nhiều người nhân dịp Quốc khánh, tết đến xuân về lại không để cho những đứa con thiếu vắng hơi ấm của mẹ được gần mẹ”.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu,

nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội

Hiện trường vụ tai nạn là đường Trần Văn Chấm, được trải nhựa rộng 6 mét, giữa làn đường không có sơn phân tuyến, các phương tiện được lưu thông hai chiều. Trời tối nhưng hai bên đường có đèn chiếu sáng công cộng, nơi xảy ra tai nạn không có biển báo, chướng ngại vật…

Viện KSND huyện Củ Chi kết luận nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do Trúc điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường đường ưu tiên cho xe đang lưu thông trên đường chính. Trúc phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn, vi phạm Luật giao thông đường bộ và đề nghị tòa án tuyên phạt Trúc với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Còn người điều khiển xe ô tô chỉ có “lỗi phụ” là điều khiển xe không làm chủ tay lái.

Cũng như hai lần trước, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vì Viện KSND huyện chưa trưng cầu giám định tốc độ ô tô, chưa lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của tòa. Ngoài ra, hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ người lái xe ô tô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài không bởi lời khai của Trúc tại tòa khẳng định người lái ô tô lúc va chạm là một người đàn ông tên Tùng. Ô tô chạy qua ngã tư với tốc độ rất cao và không mở đèn xe… Những tình tiết này không được ghi trong hồ sơ vụ án. Mẹ của nạn nhân Ngọc còn khai người đàn ông tên Tùng đã đến bệnh viện thăm hỏi, thừa nhận chính ông này là người cầm lái, đồng thời là chủ chiếc ô tô gây tai nạn.

Có nhất thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam?

Tháng 8/2015, Thạch Thị Bé Trúc bị khởi tố về tội “Vi phạm về quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và cho tại ngoại điều tra, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, đến ngày 27/3/2016, sau khi Viện KSND huyện chuyển hồ sơ sang TAND huyện Củ Chi để xét xử thì Trúc đã bất ngờ bị bắt tạm giam theo quyết định của thẩm phán thụ lý vụ án. Điều đáng nói, đứa con thứ hai của Trúc còn nhỏ, tại thời điểm mẹ bị bắt tạm giam, cháu chưa đủ 36 tháng tuổi.

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Thân Trung Đại (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết đã nhận bào chữa miễn phí cho Trúc vì cả ba phiên tòa vừa qua, bị cáo không có luật sư bảo vệ quyền lợi.

Luật sư Đại nói qua nghiên cứu hồ sơ ban đầu, ông thống nhất với quan điểm của TAND huyện về yêu cầu cần làm rõ một số nội dung cơ quan điều tra và Viện KSND huyện chưa làm rõ. Cụ thể: Tốc độ ô tô tại thời điểm gây tai nạn để đối chiếu tốc độ cho phép trên đoạn đường, nếu cần thiết thì trưng cầu giám định vết cày mặt đường, độ mòn lốp xe... đồng thời đối chất làm rõ ai điều khiển ô tô, người đó có đủ điều kiện hay không?

Tuy nhiên, “việc trả hồ sơ của Tòa án và giải quyết các cơ quan kéo dài là chưa đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Cần xác định rõ lý do nào Công an, Viện KSND huyện không chấp nhận yêu cầu của Tòa”, luật sư Đại nói.

Luật sư Đại cho rằng cần xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn (tạm giam)  đối với chị Trúc, cho chị Trúc tại ngoại và chỉ cần cấm đi khỏi nơi cư trú. “ Theo quy định, cấm đi khỏi nơi cư trú có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng”- Luật sư Đại nói. Theo ông Đại, chị Trúc hoàn toàn đáp ứng được điều kiện này, nhất là khi chị Trúc đang nuôi con nhỏ.

Chiều 3/1, Tiền Phong đã liên hệ với Công an và Viện KSND huyện Củ Chi để làm rõ một số tình tiết của vụ án nhưng lãnh đạo hai cơ quan này từ chối trả lời với lý do vụ việc đã được báo cáo cho Phòng Tham mưu Công an TPHCM và Viện KSND thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thịnh - Tân Châu (Tiền phong)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN