Hủy bản án xử trắng án 2 bị cáo hiếp dâm
Tòa cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, vụ án còn một số chứng cứ chưa được làm rõ nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Sáng 25.5, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa phúc thẩm xử vụ án Trần Quốc Khánh và Từ Minh Thuận hiếp dâm trẻ em. Tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng.
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành đã tuyên hai bị cáo Khánh và Thuận không phạm tội. Bản án này sau đó bị VKS kháng nghị vì cho rằng hai bị cáo có tội.
Vụ án hiếp dâm này khá lạ, thể hiện ở chỗ nạn nhân được cho là bị hiếp nhưng phải sau một tháng thì gia đình mới có đơn tố cáo.
Sơ thẩm: Không kết tội được nên tuyên vô tội
Ở phiên tòa sơ thẩm, cả hai bị cáo (chưa thành niên) đều kêu oan. Các bị cáo cho rằng khi lấy lời khai bị điều tra viên ép cung, hăm dọa, đánh đập. Các bản tường trình bị cáo cũng viết trong tình trạng bị ép buộc. Trong khi đó cha bị cáo Khánh và mẹ bị cáo Thuận chỉ được ngồi ngoài cửa chứ không được chứng kiến.
HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng trước khi có quyết định khởi tố vụ án, gia đình các bị cáo đã có đơn khiếu nại hành vi tố tụng của điều tra viên nhưng cơ quan điều tra không xem xét, giải quyết là vi phạm tố tụng. Sau khi có quyết định khởi tố bị can, điều tra viên tiến hành lấy lời khai đối với hai bị cáo nhưng không thông báo cho người đại diện hợp pháp hoặc thông báo cho luật sư mà gia đình bị cáo đã lựa chọn. Ngược lại, điều tra viên lại yêu cầu một luật sư khác tham dự là vi phạm quyền của bị cáo. Do đó, tư cách của vị luật sư do cơ quan điều tra yêu cầu tham gia không có giá trị pháp lý.
Hai bị cáo Trần Quốc Khánh và Từ Minh Thuận tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.M
Theo tòa, tại biên bản lấy lời khai bị cáo Thuận, có một cán bộ Huyện đoàn chứng kiến, ký tên. Sau đó, cán bộ này khai điều tra viên đem biên bản này đến trụ sở Huyện đoàn cho bà ký. Bà không ký biên bản tại cơ quan điều tra, trong khi đó bị cáo còn cha mẹ làm người giám hộ.
Mặt khác, lời khai của bị cáo, bị hại được ghi trong các biên bản hỏi cung có rất nhiều mâu thuẫn. Ngoài lời khai của bị cáo, không còn chứng cứ nào khác chứng minh hành vi phạm tội nên không dùng lời khai này làm chứng cứ duy nhất để kết tội các bị cáo. Từ đó tòa tuyên hai bị cáo Khánh, Thuận không phạm tội.
Bản án này sau đó bị VKS cùng cấp kháng nghị.
Phúc thẩm: Chỉ làm rõ chứng cứ vô tội là chưa đủ
Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo tiếp tục kêu oan. Bị cáo Thuận khai do bị dọa đánh và bị một điều tra viên dùng hộp quẹt đốt cổ, có để lại một vết sẹo. Do sợ quá Thuận mới khai theo ý của điều tra viên. Bị cáo Khánh cho rằng mình chỉ “ừ” hoặc “dạ” khi điều tra viên hỏi, những lời nói ghi trong biên bản là do điều tra viên tự ghi. Cả hai đều không đi đầu thú như biên bản, mà do các điều tra viên đến nhà đưa đi và cách ly thẩm vấn đến 2h sáng.
Chủ tọa phiên tòa hỏi các bị cáo có tài liệu, có chứng cứ nào để chứng minh mình bị ép cung, bị dọa đánh hay không. Dĩ nhiên hai bị cáo không thể chứng minh được cái vết sẹo trên cổ bị cáo, nếu đúng bị ai đó đốt thì chỉ có người đốt và người bị đốt biết.
Luật sư của hai bị cáo đều cho rằng lời khai của bị hại T có nhiều mâu thuẫn, bị hại nói bị hiếp dâm nhưng không hề có phản ứng nào, trong khi trước đó T đã đồng ý cho Khánh ôm hôn. Khi xảy ra sự việc, nhà có nhiều người qua lại nhưng T không kêu cứu. Các nhân chứng đều khai không hay biết sự việc. Tại phiên tòa sơ thẩm, T không hợp tác, luôn nói: “Tôi không nhớ” hoặc: “Tôi đã có lời khai tại cơ quan điều tra”.
HĐXX phúc thẩm nhận định tòa sơ thẩm chưa xác định đầy đủ tình tiết sự việc. Qua biên bản và băng ghi âm cho thấy HĐXX và đại diện VKS tại phiên tòa sơ thẩm xét hỏi đan xen nhau là không đúng quy định. HĐXX chỉ tập trung vào các chứng cứ vô tội mà chưa làm rõ các chứng cứ có tội, chưa đánh giá đầy đủ các chứng cứ. Tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa hỏi các bị cáo một số câu hỏi có tính chất mớm cung. Mặt khác, tòa chưa xét hỏi đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, chưa xét hỏi đến phần bồi thường thiệt hại.
Về lời khai của bà N.T.H.N, cán bộ Huyện đoàn ký tên trong bản lấy lời khai, bà N thừa nhận đã ký tại trụ sở Huyện đoàn. Tòa cho rằng ngoài lời khai của bà N ra không có tài liệu nào chứng minh bà ký ngoài cơ quan điều tra. Biên bản lấy lời khai của bị cáo Khánh kết thúc lúc 23h ngày 23.4.2014, tòa đề nghị cơ quan điều tra làm rõ lý do tại sao...
Cuối cùng, tòa xét thấy cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng, vụ án còn một số chứng cứ chưa được làm rõ nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Theo Hồng Minh/Pháp luật TP.HCM