Hôm nay, trả lời chất vấn về 16 vụ án có dấu hiệu oan sai

Hôm nay (13.3), theo dự kiến, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình án oan sai và giải pháp khắc phục.  Vẫn biết để tìm câu trả lời cho câu hỏi :“Bao giờ cho hết án oan?” - là một điều khó khả thi, nhưng NTNN vẫn đưa ra câu hỏi này bằng một chuyên đề với những góc nhìn khác nhau để bạn đọc tự tìm câu trả lời cho riêng mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tố tụng T.Ư báo cáo 16 vụ án có dấu hiệu oan sai. Đó đều là những vụ đang được dư luận quan tâm.

Mẹ vào tù, gia đình tan nát

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các cơ quan tố tụng T.Ư báo cáo 16 vụ án có dấu hiệu oan sai. 16 vụ án này đều đã được báo cáo theo yêu cầu.

Trong số này có vụ của bà Đỗ Thị Hằng, Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Trưởng (Hải Phòng), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lê Bá Mai (Bình Phước)...

Hôm nay, trả lời chất vấn về 16 vụ án có dấu hiệu oan sai - 1
Mẹ và em gái Hồ Duy Hải hơn 6 năm đi kêu oan. Ảnh: An Tân
Ngày 11.3, trao đổi với phóng viên NTNN, bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953) ở phường Mỹ Độ, TP.Bắc Giang cho biết: Hơn 6 tháng qua bà thường xuyên liên lạc với Công an tỉnh Bắc Giang để chờ kết luận điều tra lại vụ án có dấu hiệu oan sai của bà nhưng đến nay vẫn chưa nhận được gì.

Trước đó vào tháng 8.2014, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy bản án số 72 năm 1998 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại xem bà Hằng có phạm tội “mua bán phụ nữ” hay không.

Bà Hằng nói trong nước mắt: "Khi tôi vướng vào lao lý, chồng tôi đi kêu oan không được đã uất ức tự vẫn. 5 người con tôi đứa lớn 21 tuổi, nhỏ 10 tuổi bỗng dưng bơ vơ. Năm 2002 khi tôi chấp hành xong hình phạt, trở về thì gia đình tan nát. Con thì đứa tù tội vì đánh nhau, đứa bị bệnh AIDS, đứa thì bị lừa bán sang Trung Quốc".

Bà Hằng cho biết thêm, năm 1998, tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử bà về tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bà đã kêu oan nhưng không được lắng nghe. Sau khi ra tù, 12 năm liền bà Hằng đội đơn đi kêu oan khắp nơi, cuối cùng nguyện vọng chính đáng của bà Hằng mới được xem xét.

Tháng 3.2014, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị TAND Tối cao xét xử theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án đã tuyên với bà Hằng. Sau đó, tháng 8.2014, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án sơ thẩm về tội “mua bán phụ nữ” với bà Hằng để điều tra lại. Hiện bà Hằng vẫn đang từng ngày mong ngóng kết luận điều tra của Công an tỉnh Bắc Giang để mong trả lại sự công bằng cho bà.

Loay hoay trong việc xác minh

Liên quan đến vụ Hồ Duy Hải bị kết án tử hình - vụ án được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu hoãn thi hành vào ngày 4.12.2014 (lẽ ra sẽ thi hành vào ngày 5.12.2014). Ngày 13.2.2015, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có văn bản thông báo đến gia đình bị án về việc đề nghị xem xét lại bản án.

Văn bản này cũng được gửi đến luật sư Nguyễn Văn Đạt và Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) – 2 luật sư nhiều năm kháng cáo kêu oan cho Hải. Văn bản nêu: “Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, với tư cách là Đại biểu Quốc hội, tôi đã có văn bản kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án”.

Trước đó, ngày 24.12.2014, bà Lê Thị Nga cùng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi gặp trực tiếp với bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) để trao đổi về việc bà Loan kêu oan cho con. Đến đầu tháng 1.2015, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Công an, Ban Nội chính T.Ư cũng đã cử cán bộ tham gia tổ công tác liên ngành để thẩm định lại kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Trong vụ án này, các luật sư kêu oan cho Hải đã chỉ ra hàng loạt điểm vi phạm tố tụng cũng như chứng cứ kết tội không vững chắc. Chẳng hạn, về vật chứng, hung khí gây án là con dao, tấm thớt đều được công an cho mua sau vụ án. Dấu tay lưu lại hiện trường rất nhiều nhưng không có chỉ bản của Hải. Vết máu và mẫu tóc thu tại hiện trường cũng không phải của Hải. Thậm chí, mẫu tro than mà công an kết luận là quần áo, thắt lưng Hải đốt để phi tang khi đem đi giám định cũng không xác định được. Tài sản (nữ trang) được coi là tang chứng thì công an lại “mượn” của em gái Hải.

Luật sư Võ Thành Quyết mà cơ quan tố tụng chỉ định tham gia vụ án lại nguyên là Trưởng Công an huyện Thủ Thừa (nơi gây án), sau đó ông Quyết còn là Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh (đơn vị thực hiện việc điều tra vụ án này).

Ngày 12.3, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) cho biết, từ ngày Hải được hoãn thi hành án đến nay, gia đình không được phép thăm gặp Hải. “Đã 3 kỳ thăm nuôi liên tục tôi không được gặp mặt con nên rất lo lắng. Tôi chỉ mong vụ án sớm kết thúc để gia đình không phải lo lắng khổ sở như hiện nay” – bà Loan nói.

Theo TS Từ Văn Nhũ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, những người bị oan trái khởi đầu đều bị bắt giam oan sai. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu nội dung của các Điều 8: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam và Điều 81: Bắt người trong trường hợp khẩn cấp của Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Xem việc thực thi các điều luật này có gì bất cập, không còn phù hợp với thực tế và cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh nhằm tăng hiệu quả,chất lượng của điều luật, đồng thời tránh oan sai cho người dân vô tội nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm” - TS Nhũ đề xuất.  

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an: Kinh phí ít nên chưa lắp camera ở phòng hỏi cung

Về việc lắp camera ở phòng hỏi cung đến nay chúng tôi chưa làm được, vì muốn làm phải có tiền, có dự án. Điều kiện kinh phí khó khăn nên đến nay có một số đơn vị công an cấp huyện chia tách nhưng vẫn chưa làm được nhà tạm giữ. Chúng tôi cho rằng nếu trang bị được camera để giám sát thì tốt, ở nước ngoài hệ thống này họ ưu tiên thực hiện.

Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư: Coi nơi tạm giam như cái kho

Có những nơi cơ quan điều tra coi nơi tạm giữ, tạm giam như cái kho mà họ có thể ra vào bất cứ lúc nào. Tôi đề nghị tách bạch giữa cơ quan tạm giữ, tạm giam với cơ quan điều tra, như vậy mới đảm bảo được tính độc lập tương đối giữa hai cơ quan này và sẽ hạn chế một phần nguyên nhân dẫn đến bức cung, dùng nhục hình.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.HCM): Án oan do… bệnh thành tích

Một số vụ án oan sai xảy ra thời gian vừa qua, theo tôi nguyên nhân chính là do vấn đề con người, cụ thể là do một bộ phận cán bộ tố tụng, điều tra. Còn về các vụ bức cung, nhục hình, thứ nhất là do năng lực của cán bộ điều tra, thứ hai là đạo đức công vụ kém, thứ ba có thể là do bệnh thành tích. Tình trạng này cần phải chấn chỉnh, xem lại ngay.

Ngọc Lương (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lương - An Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN