“Hội giúp người bị lừa đảo lấy lại tiền”: Không cái dại nào bằng cái dại nào!
Rơi vào bẫy lừa đảo, dẫn đến tâm lý tiếc của, hoang mang, nhiều người đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội với mong muốn tìm người giúp đỡ để lấy lại tài sản hoặc đơn thuần chỉ để bóc phốt cho thiên hạ cảnh giác. Tuy nhiên, tại đây, họ tiếp tục bị lừa đảo từ “các người anh em thiện lành” thông qua những cái gọi là “Hội giúp người bị lừa đảo lấy lại tiền”.
Lọt vào ma trận
Trên nền tảng mạng xã hội, có hàng ngàn từ khóa “lấy lại tiền lừa đảo” hoặc “giúp đỡ người bị lừa đảo” với hàng ngàn thành viên tham gia. Tại đây, mỗi ngày luôn có những câu chuyện lừa đảo được đăng lên, kèm theo là những bình luận chia sẻ, cảm thông của cư dân group và cuối cùng sẽ có “chuyên gia, thám tử” nhảy vào quảng cáo về khả năng lấy lại tiền bị lừa đảo, sẵn sàng giúp đỡ nạn nhân vô điều kiện. Các hội nhóm này hoạt động nhộn nhịp và không ít câu chuyện lừa đảo bi hài đã diễn ra.
Một ngày lòng buồn tan nát vì bị lừa mất tài sản, tự nhiên gặp được “quý nhân” khiến tinh thần chị Hoàng Thị Nguyệt (32 tuổi, ngụ P Tân Hưng, Q 7, TP Hồ Chí Minh) như được vực dậy. “Quý nhân” nhắn tin riêng cho chị Nguyệt, giới thiệu tên Hưng, là chuyên viên an ninh mạng, có khả năng hack được tất cả các tài khoản để truy lùng ra thông tin chính xác kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, Hưng còn nổ có một nhóm cộng sự sẽ dẫn chị Nguyệt tới tận hang ổ của kẻ lừa đảo để trực tiếp lấy tiền. Và, nếu chị Nguyệt không muốn ra mặt, có thể ủy quyền lại cho nhóm.
Các nạn nhân bị lừa đảo cố tìm phương cách lấy lại tiền đã mất.
Chị Nguyệt bị lừa 45 triệu tiền buôn bán hàng mỹ phẩm. Kẻ lừa đảo chị là một đại lý phân phối có trụ sở trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q 10, TP Hồ Chí Minh). Sau khi nhận lô hàng của chị và xù tiền thì đại lý này đã trả mặt bằng và không còn ở địa chỉ cũ nữa. Chị Nguyệt không biết họ ở đâu để đi đòi tiền. Nghe xong trình bày, “chuyên gia” Hưng nói “đây là việc đơn giản, nằm trong tầm tay của nhóm”. Hưng khẳng định, việc tìm ra tung tích của kẻ lừa đảo không quá 24 tiếng đồng hồ. Để chứng minh cho điều mình nói, Hưng gửi cho chị Nguyệt những tin nhắn, hình ảnh về các vụ việc mà Hưng từng làm, trong đó nhiều nạn nhân lấy lại được tiền như chết đi sống lại và xem Hưng như “ông Bụt”, gửi những lời cảm ơn, thán phục cho Hưng. Bằng chứng “rõ như ban ngày” khiến chị Nguyệt không chút hoài nghi.
Sau khi con mồi sập bẫy, Hưng bắt đầu tấn công vào chuyên môn. Hưng nhắn những nội dung trên trời dưới biển và đương nhiên là chị Nguyệt không hiểu gì. Mục đích của Hưng là làm cho nạn nhân “tẩu hỏa nhập ma” với các ngôn ngữ trong nghề lừa đảo của hắn. Từ đó, nạn nhân sẽ tin tưởng gặp được một chuyên gia thực sự.
Sau cùng, Hưng nói chị Nguyệt chuyển 15% tổng số tiền bị lừa đảo để tạo kẽ hở trong hệ thống. Nạn nhân không hiểu thì Hưng giải thích nôm na là “phí dịch vụ pháp lý để khai thác thông tin hồ sơ trên hệ thống”. Số tiền này Hưng cam đoan sẽ trả lại cho chị Nguyệt khi việc hoàn thành, riêng khoản thù lao thì chị Nguyệt tùy tâm vì Hưng làm việc này xuất phát từ lòng thương người, muốn giúp đỡ bị hại là chính.
Chị Nguyệt nghe mà rưng rưng, chuyển ngay cho Hưng 7 triệu đồng để xử lý nhanh công việc. Vừa chuyển thành công, chị Nguyệt không thấy Hưng trả lời lại, tin nhắn cũng bị chặn luôn. Chị gọi lại theo số điện thoại đã trao đổi trước đó thì không liên lạc được. Biết mình bị lừa, chị Nguyệt vào lại nhóm “Hội giúp đỡ người bị lừa đảo” với ý định đăng tiếp câu chuyện bị lừa đảo của mình nhưng tài khoản của chị đã bị khóa. Chị Nguyệt mượn tài khoản khác vào nhóm đăng bài. Chỉ vài phút sau, chị nhận được nhiều lời chia sẻ, cảm thông, thương xót và cũng có vài nick mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ truy tìm tên Hưng. Quá sợ hãi và không còn niềm tin với kiểu “giúp đỡ” này nữa, chị chỉ biết buông lời oán trách rồi lặng lẽ rời đi.
Đối tượng chiếm đoạt tiền của nạn nhân bằng chiêu “lấy lại tiền lừa đảo” bị Công an tỉnh Nghệ An khởi tố mới đây.
Chị Nguyệt chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân “chết trôi” nhưng gặp phải “cọc mục”, bị lừa đảo đến hai lần chỉ trong một thời gian rất ngắn. Cùng tâm trạng hụt hẫng, lung lạc niềm tin vì bị lừa đảo liên tục là trường hợp chị Nguyễn Thị Thúy (39 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Chị Thúy bán hàng online và bị lừa mất 60 triệu đồng. Vốn là tín đồ của mạng xã hội, khi bị lừa, chị Thúy liền nghĩ ngay đến việc phải lên mạng nói rõ sự thật và tìm kiếm sự đồng cảm.
Cũng như bao người bị lừa đảo khác, chị Thúy nhanh chóng được nhiều lời động viên, hỏi thăm của cộng đồng nhóm “Hội giúp đỡ người bị lừa đảo”. Một số người đã nhắn tin riêng cho chị ngỏ ý muốn giúp đỡ. Trong số này có người tên Hương, khoe có chồng là an ninh mạng vừa giúp một nạn nhân lấy lại được 120 triệu tiền bị lừa đảo. Nghe đến gia thế “khủng” của Hương, chị Thúy tin tưởng trình bày hết ngọn nguồn câu chuyện của mình. Hương đã gửi hình ảnh lấy được tiền cho bị hại kèm theo clip tóm sống kẻ lừa đảo... hòng chiếm lòng tin của chị. Hương rất kiên trì và nhẫn nại, có thể nhắn tin, gọi điện trao đổi với chị Thúy mấy tiếng đồng hồ cho đến khi chị xuôi lòng đồng ý nhận sự giúp đỡ của Hương.
Chị Thúy được yêu cầu gửi các thông tin đối tượng và chứng cứ bị lừa đảo để Hương gửi cho “an ninh mạng”. Sau khoảng 30 phút, Hương liên lạc với chị thông báo đã tìm ra kẻ lừa đảo, cần một khoản tiền để cộng sự thực hiện phương án hành động. Chị Thúy đang lấn cấn vấn đề tiền thì Hương chốt ngay: “Đây là chi phí trà nước cho anh em đi làm chứ không phải thù lao gì cả. Ở trên nhóm này nhiều người bị lừa khổ lắm nên mình hỗ trợ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn”.
Trước lời “chân thành” của Hương, chị Thúy đồng ý chuyển 10 triệu đồng để anh em đi làm “việc thiện”. Hương hứa sẽ chụp ảnh, quay clip toàn bộ quá trình đi đòi tiền cho chị Thúy và dặn chị phải giữ liên lạc thường xuyên.
Chuyển tiền xong, chị Thúy ngồi ở nhà ôm điện thoại chờ đội của Hương báo cáo tình hình, nhưng chờ mãi không thấy ai gọi điện hay gửi tin nhắn. Chị Thúy sốt ruột gọi cho Hương và kết cục là ò í e... Toàn bộ nội dung trao đổi qua tin nhắn đều bị bên kia xóa sạch. Chị Thúy quay lại group “Hội giúp đỡ người bị lừa đảo” đăng bài bị lừa đảo và nhờ quản trị viên của nhóm tìm người có nick “Hương Nguyen”. Một người trong nhóm nhận là quản trị viên nhắn tin cho chị Thúy trao đổi và hỏi thông tin để có cách xử lý. “Người này cũng hỏi những câu tương tự như bọn lừa đảo trước đó, kiểu như: “Chị cho biết quá trình bị lừa đảo của chị như thế nào? Chị có thông tin gì của kẻ lừa chị không? Chị cần giúp đỡ điều gì?... Tôi nghe mà thấy ớn lạnh cả người, không biết đây có phải là trò lừa nữa không. Thật giả, trắng đen đan xen và đánh tráo nhau, bây giờ mình không biết tin vào ai. Tôi chán nản, không muốn tiếp tục tương tác trên hội nhóm nữa”, chị Thúy buồn bã kể.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân
Ma trận lừa đảo trên các hội nhóm mạng xã hội thường nhắm đến đối tượng là chị em phụ nữ làm việc tại nhà, buôn bán, nội trợ và người ở nông thôn nhẹ dạ cả tin, còn hạn chế về kiến thức công nghệ thông tin. Hình thức lừa đảo lần đầu bao giờ cũng khác với lần thứ hai và lần thứ ba nên không có gì bất ngờ khi nhiều người bị lừa đến vài lần trong năm.
Các hội nhóm “giúp đỡ người bị lừa đảo lấy lại tiền” được lập ra cũng từ thực trạng lừa đảo quá nhiều trên không gian mạng. Trong các hội nhóm này có rất nhiều đối tượng xấu trà trộn vào để thực hiện hành vi lừa đảo mà quản trị nhóm không hề quản lý được. Sau khi tiếp cận được “con mồi”, các đối tượng sử dụng phần mềm phát tán các tin nhắn, hình ảnh chứng minh các vụ việc đã lấy lại được tài sản để tạo lòng tin cho các nạn nhân, tiếp đó dẫn dụ họ bằng nhiều màn kịch khác nhau. Để không rơi vào bẫy lừa đảo này, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân tuyệt đối không được thực hiện và cần tuân thủ phương châm “không rõ người, không rõ việc thì không chuyển khoản”. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: Tài khoản ngân hàng, mã OTP, số CCCD qua điện thoại, email hay tin nhắn với bất kỳ ai không quen biết hay chỉ quen qua mạng xã hội.
Dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo cùng những tin nhắn, bằng chứng về việc lấy lại được tiền cho nạn nhân.
Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena (TP Hồ Chí Minh), một trong những dấu hiệu có thể nhận biết là những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán cho các dịch vụ không cần thiết để khắc phục sự cố. Khi các đối tượng đưa ra lời hứa hẹn, câu dụ nạn nhân vào các hội nhóm để giúp họ đòi nợ thuê hoặc tư vấn miễn phí trong vấn đề đòi lại số tiền bị lừa đảo trước đó, tức là nạn nhân lại tiếp tục thực hiện theo các bước, các chiêu trò, các câu chuyện mà đối tượng lừa đảo đề ra. Câu chuyện này sẽ lặp đi lặp lại và nạn nhân không biết đâu là người tốt, đâu là người xấu để cảnh giác, phòng tránh.
“Người dân muốn lấy lại số tiền bị chiếm đoạt chỉ có thể dựa vào các cơ quan chức năng. Và, đây là những con người, những địa chỉ cụ thể chứ không phải là những con người tự giới thiệu, hay những địa chỉ ảo trên mạng internet. Khi người dân bị vướng vào những vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần phải lựa chọn những địa chỉ uy tín, những địa chỉ có thực để nhờ sự tư vấn về mặt pháp luật, nhờ sự hướng dẫn các thủ tục tố tụng để giúp mình có cơ hội đòi lại số tiền đã mất”, ông Thắng đưa ra lời khuyên.
Đối tượng sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, chế ra các hình ảnh lấy lại thành công số tiền của nhiều người bị chiếm đoạt trước đó để đăng tải lên Facebook...
Nguồn: [Link nguồn]