Hoàn tất điều tra bổ sung 'đại án' Oceanbank

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án tham nhũng – kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Trước đó, ngày 8/3, TAND TP Hà Nội quyết định yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này.

Hoàn tất điều tra bổ sung 'đại án' Oceanbank - 1

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm lần 1

Theo kết luận, bị can Hà Văn Thắm (SN 1972) – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank và Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – nguyên TGĐ Oceanbank và là người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản”.

Đặc biệt, CQĐT xác định, bị án Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng và Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại ngân hàng Xây dựng) đã giúp sức cho Hà Văn Thắm, gây thất thoát cho Oceanbank số tiền 343,5 tỷ đồng.

Hai người này bị CQĐT đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ngoài ra, công an đề nghị truy tố thêm 2 bị can khác liên quan vụ án. Như vậy, nếu VKS phê chuẩn, số bị cáo trong vụ án này tăng từ 48 lên 52 bị cáo.

Cũng theo kết luận, việc góp 800 tỷ đồng tiền vốn của PVN vào Oceanbank có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân là lãnh đạo tập đoàn.

Cụ thể, năm 2008, PVN thỏa thuận với Hà Văn Thắm để tập đoàn này tham gia góp vào Oceanbank. Sau đó, PVN gửi công văn và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc tập đoàn này góp 400 tỷ vào Oceanbank (tương đương 20%) và cán bộ, nhân viên PVN góp 200 tỷ (tức 10% vốn của Oceanbank).

Năm 2010, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nên PVN gửi công văn tới Thủ tướng đề nghị được góp thêm tiền nhằm duy trì tỉ lệ góp vốn 20%.

Tháng 10/2010, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo: “Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết phải nắm giữ 20% vốn điều lệ…”. Tuy vậy, chỉ 20 ngày sau, PVN đã chuyển 300 tỷ đồng vào tài khoản của Oceanbank.

Tới năm 2011, Nguyễn Xuân Sơn (lúc này là Phó TGĐ PVN) ký văn bản gửi Hội đồng thành viên xem xét tăng 100 tỷ đồng vốn góp của tập đoàn tại Oceanbank. Việc này trái với quy định tại Luật tổ chức tín dụng năm 2010 (lúc đó đã có hiệu lực): “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”.

Như vậy, việc góp tiền lần thứ 3 của PVN sang Oceanbank có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân. Cụ thể là 5 cá nhân thuộc Hội đồng thành viên; Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn; Trưởng ban Tài chính kế toán Ninh Văn Quỳnh…

CQĐT cũng xác định, Oceanbank đã chuyển cho cổ đông PVN số tiền cổ tức là hơn 244 tỷ đồng. Số tiền này được hạch toán vào doanh thu hằng năm và hiện đang được giám định tài chính.

Tuy nhiên, do thời hạn điều tra bổ sung đã hết nên CQĐT Bộ Công an quyết định tách nhóm hành vi góp 800 tỷ của PVN như trên để giải quyết trong giai đoạn II của vụ án.

Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS truy tố 48 bị cáo về các tội danh liên quan kinh tế - tham nhũng và phải chịu trách nhiệm việc Oceanbank thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Đây chỉ là thiệt hại được cơ quan tố tụng xác định trong giai đoạn đầu của vụ án. Ngoài ra, do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT tách một số hành vi vi phạm liên quan ra xử lý ở giai đoạn II của vụ án.

Vụ xử Hà Văn Thắm và câu chuyện buồn của những bóng hồng

Vì bước đi sai lầm, Hà Văn Thắm đã kéo theo nhiều đồng sự dưới quyền vào vòng lao lý, trong đó có không ít bóng hồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Ân (Tiền phong)
Xét xử đại án Oceanbank Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN