Hoàn lương, trở thành Giám đốc doanh nghiệp
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được tha tù trước thời hạn, Nguyễn Huy Chiến đã trở thành ông chủ của một cơ sở chế biến gỗ, trở thành người hoàn lương điển hình của thị xã Quảng Yên.
Chấp hành án phạt tù 2 năm tại Trại giam Cây Cầy (Tây Ninh), anh Nguyễn Huy Chiến (33 tuổi, trú tại thông Lâm Sinh I, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được tha tù trước thời hạn. Hai bàn tay trắng trở về quê hương, xin việc gì cũng gặp khó khăn, mặc cảm, tự ti ngày một đè nặng.
Thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã trở thành ông chủ của một cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, tạo công ăn việc làm cho 30 công nhân, trở thành người hoàn lương điển hình của thị xã Quảng Yên.
Đến thăm cơ sở chế biến gỗ của anh Chiến đúng vào thời điểm số gỗ nguyên liệu đang được tập kết về xưởng. Trong khi đợi anh hướng dẫn công nhân chuyển gỗ xuống xe, chúng tôi có dịp tham quan cơ ngơi của anh. Mặc dù không quá quy mô, bề thế, nhưng cơ sở này được trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, lò sấy tương tương đối hiện đại.
Điều quan trọng hơn, đây là thành quả có được từ ý chí vươn lên của một người từng có quá khứ lầm lỗi. Làm lại cuộc đời từ 2 bàn tay trắng, đến nay anh Chiến đã thu được “trái ngọt” từ công sức, trí tuệ của mình.
Anh Chiến (người đứng giữa) đang hướng dẫn công nhân cách chế biến gỗ.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong tiếng máy cưa rộn ràng, anh Chiến bộc bạch: “Năm 2004, do một phút nông nổi của tuổi trẻ tôi đã vi phạm pháp luật. Cái giá phải trả là bản án 36 tháng tù giam tại Trại giam Cây Cầy, tỉnh Tây Ninh.
Chính trong quãng thời gian này, bản thân tôi cảm thấy ăn năn rất nhiều vì những gì mình đã làm trước đó. Tuy nhiên, được các cán bộ quản giáo luôn quan tâm gần gũi động viên về mặt tinh thần nên tôi dần nhận thức được vấn đề và tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm lao động, cải tạo thật tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời”.
Do cải tạo tốt, năm 2006 anh Chiến được tha tù trở trước thời hạn. Cũng như bao người khác, khi trở về địa phương anh không tránh khỏi mặc cảm về lỗi lầm trước đó. Không việc làm thì chỉ có đói, nhưng kiếm tiền đâu phải dễ khi vốn không có, việc lại không xin được.
Người thân thấy anh trăn trở suy tư nên đã tích cực động viên, còn góp tiền bỏ vốn cho anh làm ăn. Công an phường và chính quyền địa phương giúp anh tái hòa nhập với cộng đồng. Anh đã quyết tâm bắt đầu từ hai bàn tay trắng, “khởi nghiệp” bằng nghề buôn bán rượu.
Sau hơn 1 năm buôn bán tích lũy được một số vốn nhỏ và được bạn bè tư vấn, anh Chiến mạnh dạn chuyển sang kinh doanh gỗ. Công việc này tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng khá hơn so với trước. Bởi vậy, anh xác định đây là con đường đi lên làm giàu của mình. Kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình kinh doanh, anh thấy việc kinh doanh gỗ ép mang lại lợi nhuận tốt hơn và còn có thể tạo công ăn việc làm cho người khác.
Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2012, anh Chiến mạnh dạn mở cơ sở làm gỗ ép, kết hợp với kinh doanh gỗ tạp. Thời gian đầu mới hoạt động, xưởng còn nhỏ với 10 lao động.
Đến nay sau hơn 5 năm hoạt động, cơ sở kinh doanh của anh đã được mở rộng hơn rất nhiều và trở thành doanh nghiệp tư nhân. Khi đã có “của ăn của để”, anh Chiến luôn nghĩ lại thời điểm khốn khó của mình.
Anh chủ động tiếp xúc, trao đổi và nhận những người cùng cảnh ngộ vào làm tại xưởng của mình. Hiện tại, cơ sở của anh mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho trên 30 lao động, với thu nhập mỗi người từ 4 đến 5 triệu đồng một tháng, trong đó có nhiều trường hợp đã chấp hành xong án phạt tù.
Còn theo Đại úy Ngô Viết Thế, Trưởng Công an phường Minh Thành thì từ khi trở về địa phương, được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các đoàn thể, anh Chiến đã thực sự tiến bộ. Đây là một điển hình tiêu biểu trong tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, là tấm gương cho những trường hợp có hoàn cảnh tương tự học tập.
Những người như anh Chiến trong bài viết này chỉ là một vài trường hợp trong số những người có quá khứ lầm lỗi tiến bộ, hoàn lương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Điều đó càng khẳng định một điều, cho dù có sai lầm, nhưng điều quan trọng là con người ấy đã biết sửa chữa, khắc phục sai lầm, quay về con đường sáng, đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của xã hội.
Băng cướp dưới trướng của Thế Sơn từng là nỗi ám ảnh đối với cánh lái xe đường dài.