Hoàn cảnh bi đát của gia đình bị cáo tự tử ở Cà Mau

Sự kiện: Tin nóng

Gia đình của bị cáo tự tử giờ đây còn 6 người - một người già, 1 người tâm thần, 3 đứa trẻ và một goá phụ gầy guộc. 

Người xưa có câu "hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai", ý nói khổ đau luôn ập đến cùng một lúc, còn những điều may mắn thì không đến lần hai. Câu này đang đúng với gia cảnh nhà bà Ba Anh, mẹ ruột bị cáo tự tử ở Cà Mau hôm 21-3.

Đời tạm bợ, lênh đênh

Con cái không cho bà Ba Anh (Nguyễn Thị Mỹ Anh, 69 tuổi) đưa tang con trai Lê Minh Lỉnh, vì bà có bệnh huyết áp cao, sợ nỗi đau sẽ khiến bà sụp đổ. Bà con cô bác láng giềng thấu hiểu gia cảnh bà, thay phiên nhau tới lui nhà bà nói chuyện, chia sẻ nỗi buồn đau.

Bà Ba Anh, mẹ của bị cáo tự tử Lê Minh Lỉnh. Ảnh: TRẦN VŨ

Bà Ba Anh, mẹ của bị cáo tự tử Lê Minh Lỉnh. Ảnh: TRẦN VŨ

Cả đời bà Ba Anh chưa biết một ngày khá giả, chỉ đủ ăn, đủ mặc và thường khi là nghèo khó. Và từ 30 năm qua, kể từ lúc con cái bệnh tật không tiền chữa trị, bán 4 công đất ruộng của hồi môn, nhà bà không còn chỗ ở của riêng mình. Căn nhà hiện nay bà đang sinh sống cũng là cất trên đất của hai người bà con gần. Có thể nói, cuộc đời của bà gắn liền với hai từ tạm bợ và lênh đênh.

Cuộc sống sung túc nhất gia đình bà là khi chồng bà còn sống, cách đây khoảng 20 năm. Lúc bấy giờ, vợ chồng bà có một chiếc xuồng lớn, với dàn lưới đánh bắt cá úc. Ông bà để đàn con ở nhà, đứa lớn trông đứa nhỏ, vợ chồng xuống xuồng đi đánh lưới cá úc trên sông Tam Giang, miệt Năm Căn, Đất Mũi, cách nhà gần 100km. Mỗi chuyến đi nửa tháng, 20 ngày thì về. Và mỗi chuyến về như vậy, các con của bà được mua quần áo mới, được ăn cơm với thịt heo.

Cách đây 15 năm, sau khi chồng bị đột quỵ và ra đi, bà bỏ luôn nghề đánh lưới cá úc, bắt đầu sống nhờ vào sức lao động của các con đang trưởng thành.

Vì nghèo mà 7 đứa con của bà không ai học hành được đến cấp III, chúng nghỉ học ở lớp 3, lớp 4 để đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy, lấy tiền nuôi sống gia đình. Chỉ có Lê Minh Dùm, người con thứ 5 (theo miền Bắc là thứ 4) học hết cấp 2, ra đời nhờ bạn bè giúp đỡ học bổ túc và sau này vừa làm vừa học được bằng đại học.

Cụm từ tạm bợ và lênh đênh sau này cũng được gắn vào số phận của 3 đứa con trai bà Ba Anh.

Người con đầu lòng Lê Văn Đặng có vợ một vài năm thì bị bệnh tâm thần, ly dị vợ và trở về sống dựa vào mẹ và các em. Người con thứ 6 và thứ 7, tức Lê Minh Trinh và Lê Minh Lỉnh không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, với những công việc lao động chân tay như làm cỏ, làm vườn, làm ruộng, làm bảo vệ, đẩy đất lấp nền nhà...

Cảnh Lỉnh cùng mẹ nướng bánh bông lan chuẩn bị tết 2024. Ảnh: CTV

Cảnh Lỉnh cùng mẹ nướng bánh bông lan chuẩn bị tết 2024. Ảnh: CTV

Suốt mấy mươi năm qua, nhất là kể từ khi chồng mất, nhà bà Ba Anh gần như luôn trong tình cảnh làm ngày nào ăn ngày nấy. Cũng vì vậy mà nhà bà có đến 4 người không có bằng lái xe máy, đó là Lê Văn Đặng, Lê Minh Trinh, Lê Minh Lĩnh và vợ của Lỉnh, Tạ Thị Phượng.

"Tụi nó đứa nào cũng sợ giao thông. Con Phượng có hôm đi làm về tới khuya vì giao thông đoán chốt nó đâu dám về, sợ xét bằng lái. Đợi giao thông về ngủ nó mới dám về. Tôi khuyên tụi nó cố gắng đi học lấy bằng lái để khỏi cảnh trốn chui trốn nhủi khi gặp giao thông, nhưng cũng khổ, cái ăn còn khó khăn có đâu tiền học bằng lái" - bà Ba Anh nói.

Hoạ vô đơn chí

Ngày 4-1-2019, trong lúc vẫn chưa vơi buồn lo vì đứa con trai đầu lòng Lê Văn Đặng bệnh tâm thần, chia tay vợ về sống với bà, thì gia đình bà lại xảy ra việc tang. Lê Minh Trinh, con trai thứ 6 của bà, anh của Lê Minh Đỉnh bị tai nạn giao thông qua đời. Hôm đó, Trinh nhờ bạn chở đi mượn xe rùa ở thành phố Cà Mau về để đi đẩy đất mướn. Tới thành phố Cà Mau, xe hư nên Trinh lui cui cùng bạn sửa xe ở lề đường. Từ phía sau, một tay say rượu lái xe máy đã tông trực diện vào Trinh khiến anh tử vong.

Nhà có thêm miệng ăn, lại mất đi một lao động, khó càng thêm khó. Mọi cái ăn cái mặc của nhà bà Ba Anh lúc này chỉ trông cậy vào công lao động của vợ chồng Lê Minh Lỉnh. Lỉnh đi làm phụ hồ, nay có mai không, vợ Lỉnh làm công nhân lột tôm công nhật ngày 200 ngàn đồng, trong khi phải nuôi ba con nhỏ ăn học, mẹ già và người anh thứ 2 thần kinh.

Nhờ sự tiếp sức gạo tiền của Lê Minh Dùm và người con gái thứ ba, cuộc sống nhà bà Ba Anh cũng tạm ổn, không phải thiếu ăn. Nhưng con gái lớn của Lỉnh phải nghỉ học ở lớp 9 để nhường phần lo cho hai em nhỏ ăn học tiếp.

Nhận thấy cuộc sống không thể tiếp tục duy trì, vợ chồng Lỉnh quyết lên Bình Phước xin việc. Tháng 6-2022, tại tỉnh Bình Phước, Lỉnh xin được một chân bảo vệ với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

"Anh Lỉnh đã lãnh được tháng lương đầu tiên. Anh cầm số tiền hơn 10 triệu đồng về đưa cho em mà mừng đến run tay. Lúc này em cũng sắp được một công ty nhận việc. Vợ chồng vui lắm, thấy cuộc sống bắt đầu có tương lai hơn rồi. Nhưng đâu ngờ!" - Tạ Thị Phượng, vợ Lỉnh kể.

Tháng 7-2022, người anh ruột là Lê Minh Dùm gọi điện cho Lỉnh báo Công an đang yêu cầu Lỉnh về phối hợp điều tra một vụ án hình sự cố ý gây thương tích. Sau đó, đến tháng 9-2022, Lỉnh bị khởi tố cấm đi khỏi nơi cư trú. Lỉnh trở về nhà với mẹ theo lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, vợ Lỉnh ở lại Bình Phước làm công nhân nuôi 3 con thơ chờ Lỉnh trở lên.

Lỉnh đã ra đi để lại mẹ già, 1 vợ, 3 con thơ dạy và người anh tâm thần. Ảnh: TRẦN VŨ

Lỉnh đã ra đi để lại mẹ già, 1 vợ, 3 con thơ dạy và người anh tâm thần. Ảnh: TRẦN VŨ

Vợ Lỉnh kể: "Em làm công nhân được một năm hai tháng thì phải bỏ việc dẫn con về với anh Lỉnh. Vì không thể kéo dài mãi cảnh vợ nơi chồng ngã. Vợ chồng bảo nhau chờ vụ án qua đi sẽ trở lại Bình Phước tiếp tục làm công nhân".

Do bị khởi tố, Lỉnh không thể tìm được việc làm, cuộc sống cả nhà 7 người của bà Ba Anh dồn lên vai vợ Lỉnh. Bà Ba Anh kể trong nước mắt: "Từ 3 giờ sáng là thằng Lỉnh thức dậy lo nấu cơm để vợ nó đem theo vào công ty ăn khỏi tốn tiền mua. Đến 4 giờ thì xong cơm, nó dắt xe ra cửa sẳn để vợ con nó đi làm. Rồi quay sang giặt đồ giặt đạc, tắm táp, lo ăn sáng cho hai đứa con nhỏ trước khi đưa nó đến trường học. Ngày nào cũng vậy".

Ông Trần Hoàng Dơn - Trưởng ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, Lỉnh là công dân hiền lành, chí thú làm ăn và sống hoà đồng với hàng xóm. Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương vào năm 2021, 2022.

“Lỉnh ra đi để lại ba đứa con thơ quá tội nghiệp. Dưới góc độ địa phương, thời gian tới chúng tôi sẽ dành nhiều ưu tiên về các suất hỗ trợ, quà tặng của mạnh thường quân cho gia đình. Chúng tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn gia đình làm đơn miễn giảm học phí cho mấy đứa nhỏ đi học nếu gia đình có yêu cầu"- ông Dơn nói.

Con của Lỉnh còn nhỏ quá vẫn đi làm được sao? Bà Ba Anh bảo: "Nó hơn 15 tuổi, đúng ra người ta chưa nhận. Nhưng thấy cảnh thương tình, vả lại làm ở bộ phận công nhật nên người ta cũng tạm chấp nhận".

Như PLO đã thông tin, sáng ngày 20-3, sau khi nghe Toà án tỉnh Cà Mau tuyên bác kháng cáo kêu oan của Lỉnh, giữ nguyên mức án 30 tháng tù như cấp sơ thẩm đã Tuyên, Lỉnh về nhà uống thuốc trừ cỏ và tử vong vào tối hôm sau 21-3.

Trong vụ bị cáo tự tử ở Cà Mau, gia đình Lê Minh Lỉnh đã gửi đơn yêu cầu Chánh án tỉnh này trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến việc vị này trả lời trên báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN