“Hiếu tử” hơn 40 năm truy tìm kẻ giết mẹ

Sự kiện: Tin pháp luật

Sau Giải phóng vài năm, ở huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (cũ) có một người đàn bà bị đoạt mạng trên rẫy bởi những nhát chém chí mạng. Hơn 40 năm sau, tội ác ấy tưởng chừng đã chìm sâu vào quên lãng, nhưng với người con trai của nạn nhân thì không. Nửa cuộc đời anh đã lặn lội “góc bể, chân trời” để tìm kiếm kẻ nghi vấn đã gây ra cái chết oan nghiệt của mẹ.

Lòng hiếu đễ sâu nặng của người con đã khiến những người làm án tỉnh Bình Thuận hết sức cảm kích. Từ thông tin do người con cung cấp, cơ quan chức năng đã vào cuộc với quyết tâm cao độ để tìm công lý cho người đã khuất.

Thảm án trên nương

Tại phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Thuận có một tập hồ sơ vụ án “Giết người, cướp của” đã ố vàng, mờ mực bởi được lưu trữ từ năm 1980. Hơn 40 năm sau, hồ sơ ấy đã được giở lại cùng hành trình đầy trách nhiệm trả lời cho cái chết của một người dân vô tội.

Anh Đỗ Thành An (con nạn nhân Phan Thị Khanh)

Anh Đỗ Thành An (con nạn nhân Phan Thị Khanh)

Một chiều muộn cuối tháng 7-1980, bà Phan Thị Khanh – (trú tại thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đi làm rẫy rồi không về. Người làng chia nhau đi tìm thì thấy bà Khanh đã chết với nhiều nhát chém chí mạng. Thời điểm ấy bà Khanh đang sống cùng mẹ đẻ và cậu con trai là Đỗ Thành An mới 7 tuổi.

Đại tá Phạm Thật - (nguyên Phó giám đốc - Công an tỉnh Bình Thuận) nhớ lại: “Vụ án xảy ra năm 1980, tức là mới chỉ 5 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đã gây chấn động dư luận địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Ty Công an Thuận Hải, các đơn vị nghiệp vụ cùng Công an huyện Hàm Tân khi đó đã tiến hành các hoạt động điều tra, tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đồng thời triển khai các hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, nắm tình hình để xác định đối tượng nổi lên cũng như nhận định đánh giá hung thủ gây án”.

Theo tài liệu lưu trong hồ sơ thì hiện trường vụ án ở đồi dốc rẫy phía Bắc giáp quốc lộ 1A, phía Nam chính là khu rẫy có suối, xung quanh hiện trường chính cỏ rậm rạp, bên cạnh có một lối mòn. Trên thi thể nạn nhân có 5 vết chém. Theo gia đình nạn nhân cung cấp thì 5 chỉ vàng ta mà bà Khanh luôn bọc kỹ và mang theo bên người đã biến mất. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi và tài liệu điều tra thu thập được, Công an huyện Hàm Tân đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 103 ngày 1-8-1980 về tội  “Giết người, cướp của” để truy tìm hung thủ.

Quá trình truy xét, đã có một cái tên nằm trong tầm ngắm của lực lượng phá án, đó là ông Võ Tê - (SN 1932, trú tại đội 6, thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (cũ).

Đọc những trang hồ sơ cũ, Trung tá Long Minh Tuấn - Phó Đội trưởng, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết khi đó căn cứ nghi vấn ông Võ Tê là vì nhà ông này ở gần hiện trường nhất. Thời điểm trước khi vụ án xảy ra, ông Võ Tê ra khỏi nhà, đi câu cá gần hiện trường. Sau khi phát hiện bà Khanh bị chém thì ông đến ngay hiện trường. Vì có nghề bốc thuốc, là “thầy lang” trong vùng nên ông Tê đã thực hiện các thao tác sơ cứu bà Khanh. Khi kiểm tra nhà thì thấy trên quần ông Tê có dính máu trùng với nhóm máu của nạn nhân. Từ những căn cứ này, lực lượng điều tra đưa ông Tê về trụ sở để làm việc. Qua đấu tranh, ông Tê thừa nhận đã chém bà Khanh.

Đại tá Phạm Thật (nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận)

Đại tá Phạm Thật (nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận)

Kịp thời giải oan

Trong hồ sơ lưu trữ có bản tờ khai do ông Tê viết vào lúc 10h sáng ngày 16-8-1980, theo đó ông Tê thừa nhận vào chiều ngày 31-7-1980, ông có gặp bà Khanh trên rẫy, ông Tê đùa giỡn vài câu và bị bà Khanh phản ứng lại nên đã dùng cây rựa của chính bà Khanh quăng vào đầu bà rồi bỏ chạy về nhà.

Từ lời khai nhận tội này của ông Võ Tê, căn cứ vào Điều 5, Điều 8, Sắc lệnh số 3 ngày 15-3-1976 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Công an huyện Hàm Tân đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thời hạn 4 tháng đối với ông Võ Tê về tội danh “Giết người, cướp của”. Lệnh này được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hàm Tân phê chuẩn ngày 23-8-1980. Đến tháng 9-1980, vụ án được chuyển lên Phòng CSHS - Ty Công an Thuận Hải để tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, các điều tra viên Phòng CSHS phát hiện ra những điểm mâu thuẫn do lời khai nhận tội của ông Tê và kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Trung tá Long Minh Tuấn – (Phó Đội trưởng, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết: “Kết quả của khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác nhận nạn nhân có 5 vết chém trên đầu, gây nứt sọ, nhưng ông Võ Tê chỉ thừa nhận đã ném cây rựa trúng đầu nạn nhân một cái. Đối chiếu lời khai của ông Tê với các tài liệu chứng cứ thu được qua công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi và lời khai của những người làm chứng khác, xác định ông Võ Tê đã khai không đúng sự thật. Các điều tra viên thuộc phòng CSHS khi đó đã hết sức thận trọng, tỉ mỉ, đưa ra các đánh giá khách quan toàn diện về các tình tiết vụ án, đề xuất trả tự do cho ông Võ Tê”.

Ngày 30-12-1980, Ty Công an Thuận Hải đã ban hành lệnh tha đối với ông Võ Tê, căn cứ theo Quyết định miễn tố số 15 ngày 29-12-1980. Sau gần 5 tháng bị tạm giam, ông Tê đã được trả tự do. Có thể  nói đây là một quyết định đầy trách nhiệm của Ty Công an Thuận Hải năm xưa, khi phát hiện ra những sai sót của cấp dưới, đã kịp thời sửa sai nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân.

Ngay sau khi ông Võ Tê được trả tự do, một cái tên khác được đưa vào diện nghi vấn. Đó là Trương Đình Chi, một người sống ngay cạnh nhà nạn nhân, đã vắng mặt bất thường chỉ ít ngày sau khi vụ án xảy ra. Lực lượng phá án đã cử các trinh sát đi tìm kiếm Chi khắp nơi, nhưng do những khó khăn về điều kiện giao thông và liên lạc vào thời điểm những năm 1980, nên những cuộc tìm kiếm thực sự như đáy bể mò kim.

Tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, một tổ trinh sát Ty Công an Thuận Hải đã tìm thấy dấu vết của Chi, lúc đó lấy tên là Trương Đình Khôi, nhưng thấy “động” nên Chi đã bỏ trốn. Những năm tháng sau đó, việc tìm kiếm Chi đều không có kết quả, nên đến ngày 20-7-1984, Phòng CSHS - Ty Công an Thuận Hải đã tạm đình chỉ điều tra vụ án.

Hung thủ Trương Đình Chi

Hung thủ Trương Đình Chi

Hành trình tìm công lý

Sau đám tang mẹ ít lâu, cậu bé An mất tiếp bà ngoại, đành sống nhờ ở đậu được ít lâu với một người cậu rồi được bà nội đón về Bình Định nuôi dưỡng, nhưng cũng chỉ vài năm sau, bà nội qua đời.

Cuộc sống cô đơn với nỗi đau mất dần đi người thân càng thôi thúc trong cậu bé An câu hỏi “kẻ giết mẹ là ai”?, để rồi khi có thêm chút tuổi, An đã quay trở về Hàm Tân tìm kiếm những thông tin về cái chết của mẹ, rồi qua miền Sóc Trăng lần tìm người đàn ông tên Chi.

Tại đây, anh may mắn được bà V cung cấp một tin quan trọng, rằng Trương Đình Chi trước ở trong Sóc Trăng gần nhà bà, nhà nghèo xơ xác không có một đồng ăn, bán hết tài sản để về ngoài Bình Thuận kiếm sống. Bất ngờ là khi đi không có đồng nào nhưng khi trở lại lại mua hẳn một cái ghe. Một đêm không ngủ được, bà nghe hai vợ chồng Chi xì xầm nói chuyện. Bà V vạch vách lá nhìn xem thì thấy vợ chồng Chi đang đếm vàng và tiền.

Với những thông tin chắp nhặt được từ nhiều nơi, anh An đã ngược trở ra Quy Nhơn, Bình Định rồi lại vào Xuân Lộc, Đồng Nai, ra miền Trung… với quyết tâm sắt đá phải tìm cho ra kẻ nghi vấn gây ra cái chết của mẹ.

Để trang trải cho hành trình vạn dặm ấy, anh An đã bươn chải nhiều công việc khác nhau, có khi phải nương nhờ vào những suất cơm từ thiện, nhưng tấm lòng hiếu thuận với đấng sinh thành đã khiến anh chưa từng bỏ cuộc. Cứ có thêm thông tin nào, anh lại làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra về đối tượng Chi. Kết quả là năm 1999, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra thông báo tìm người có tên Trương Đình Chi đã đổi tên thành Lê Minh Sơn.

Đại tá Phạm Thật xúc động nhận xét: “Ông An con trai của nạn nhân Khanh, là người có ý thức pháp luật cao. Trong suốt hành trình đi tìm công lý rồi chứng minh hung thủ, ông An đã luôn hợp tác tốt với cơ quan điều tra, cung cấp các tài liệu chứng cứ, kể cả tình hình di biến động của Trương Đình Chi mà ông An tìm hiểu được. Thứ nữa, tôi cho rằng việc làm của ông An rất thiêng liêng, hy sinh tất cả vì mục tiêu làm rõ kẻ giết mẹ mình, để thủ phạm phải bị xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng trước pháp luật”.

Từ những lá đơn và thông tin do anh An cung cấp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Thuận xem đây như một vụ án mới để điều tra làm rõ. Ngày 16-11-2021, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định phục hồi điều tra đối với vụ án “Giết người, cướp tài sản” xảy ra ngày 31-7-1980, đồng thời thành lập một tổ công tác đặc biệt để điều tra vụ án, xác minh tung tích đối tượng nghi vấn. Tập trung xác minh, chỉ trong một thời gian ngắn cơ quan chức năng bắt được Trương Đình Chi khi tên này đang sống với một người vợ bé tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Quá trình điều tra, Chi đã thừa nhận về hành vi giết hại bà Khanh để cướp vàng vào ngày 31-7-1980 cùng hành trình trốn chạy suốt 40 năm qua. Kết quả thực nghiệm điều tra ngày 30-11-2021 của Chi phù hợp với tài liệu, chứng cứ đã thu được trong quá trình điều tra vụ án.

1 phụ nữ bị cháu trai hạ độc, giăng bẫy điện trước cửa nhà tắm

Một phụ nữ tại Bắc Giang bị cháu trai lên kế hoạch ám sát bằng việc hạ độc vào thức ăn, giăng bẫy điện trước cửa nhà tắm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Trung Hiếu ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN