HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng?

Việc TAND tỉnh Bình Thuận chỉ phê bình, rút kinh nghiệm các thành viên HĐXX từng xử oan ông Nén khiến dư luận bất bình bởi nó không tương xứng với hậu quả mà họ đã gây ra cho ông.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không chấp nhận chỉ phê bình nội bộ

HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng? - 1

So với vụ án ông Chấn thì vụ ông Nén cũng có nhiều điểm tương đồng: Đều là án oan, bị cáo bị kết án chung thân và đã phải ngồi tù hơn chục năm. Vậy tại sao ở vụ ông Chấn, một thẩm phán xét xử phúc thẩm đã bị khởi tố (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), còn ở vụ án ông Nén các thẩm phán xét xử sơ thẩm (án này đã có hiệu lực) chỉ bị phê bình nội bộ?

Theo thông tin trên Pháp Luật TP.HCM, sở dĩ TAND tỉnh Bình Thuận xử lý nhẹ các thành viên trong HĐXX là vì tại phiên tòa, ông Nén đã khai nhận toàn bộ hành vi như kết luận điều tra và cáo trạng quy kết; ông Nén không kêu oan mà luôn tự nhận mình là thủ phạm. Cạnh đó, khi bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, TAND Tối cao cũng có văn bản khẳng định “không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Tuy nhiên, theo tôi các lý do này đều không xác đáng. Dù điều tra viên đã tạo ra các chứng cứ phản ánh không đúng sự thật khách quan của vụ án, dù VKS đã chấp nhận hồ sơ ngụy tạo để ra cáo trạng truy tố ông Nén, sau đó phân công kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa thì HĐXX vẫn phải kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ theo quy định của BLTTHS. Nếu đã không làm hết trách nhiệm dẫn đến kết án oan, HĐXX phải chịu trách nhiệm pháp lý tương xứng với yếu tố lỗi và hậu quả nghiêm trọng đã gây ra, kể cả trách nhiệm hình sự.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Phải xem xét trách nhiệm hình sự

HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng? - 2

Việc điều tra, xem xét, xử lý những người có trách nhiệm để xảy ra oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén là hết sức cần thiết nhằm đem lại sự công bằng trong xã hội, răn đe, phòng ngừa những hành vi sai trái tương tự và giữ gìn kỷ cương phép nước. Về nguyên tắc, lỗi đến đâu thì bị xử lý đến đó. Chính vì thế, tôi rất không đồng ý với các lý do để TAND Bình Thuận chỉ xử lý nội bộ hai thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử oan.

Với các quyền hạn, nhiệm vụ của HĐXX, các thành viên trên phải làm đầy đủ các yêu cầu luật định để xác định sự thật của vụ án. Họ không thể chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai nhận tội lúc thế này, lúc thế khác để kết tội một con người. Nếu không làm hết trách nhiệm dẫn đến oan sai thì họ buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý phù hợp với mức độ lỗi. Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì trường hợp này phải là trách nhiệm hình sự.

Về phía TAND Bình Thuận, tôi cũng cho là không xác đáng khi đổ lỗi với hàm ý Tòa Tối cao còn không thấy án có vấn đề thì trách gì tòa cấp dưới. Do không trực tiếp xét xử nên Tòa Tối cao được phép dừng ở mức rút kinh nghiệm cấp giám đốc thẩm. Còn TAND tỉnh trực tiếp xét xử thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các phán quyết cụ thể của mình.

HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng? - 3

Đẩy một công dân vô tội phải ngồi tù oan 17 năm mà chỉ bị phê bình, liệu có tương xứng? Trong ảnh: Ông Huỳnh Văn Nén gặp lại người thân trong ngày được trả tự do. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Cần xem xét toàn diện, đầy đủ

HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng? - 4

Phê bình, rút kinh nghiệm là một biện pháp xử lý mang tính chất nội bộ, không thuộc một trong những biện pháp xử lý hành chính. Hình thức này như một cách góp ý cho nhau trong nội bộ về một hành vi mà chưa gây ra hậu quả lớn. Còn ở đây, hậu quả gây ra trong vụ án oan ông Nén là rất lớn, do vậy hình thức phê bình không tương xứng với hậu quả gây ra.

Về nội dung,TAND tỉnh Bình Thuận căn cứ vào hai lý do là: Tại tòa ông Nén đã khai nhận toàn bộ hành vi như kết luận điều tra và cáo trạng quy kết, không kêu oan; sau đó TAND Tối cao có văn bản do phó chánh Tòa Hình sự trả lời không có căn cứ để kháng nghị giám đốc bản án theo đơn của cha ông Nén.

Nếu viện dẫn hai lý do này để làm căn cứ xử lý trách nhiệm thì tòa phải xem xét toàn bộ các yếu tố khác. Cụ thể, tuy ông Nén không kêu oan nhưng hồ sơ vụ án có thể hiện bị oan không? HĐXX phiên tòa có xem xét trên nguyên tắc có lợi cho bị cáo không? Tiếp đó là phải xem trách nhiệm của người ở TAND Tối cao ký văn bản nói trên, căn cứ vào đâu mà ra thông báo với nội dung “chắc nịch” như thế.

Ông HOÀNG VĂN HẢI, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh:

Nên chờ kết luận của Cục Điều tra VKSND Tối cao

HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng? - 5

Theo tôi, việc TAND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm đối với HĐXX sơ thẩm kết án oan ông Nén khó có thể nói là nặng hay nhẹ. Chỉ có điều tòa tỉnh nên cân nhắc thời điểm đưa ra kết luận. Vì trong vụ này, Cục Điều tra VKSND Tối cao cũng đã thụ lý đơn tố cáo của ông Nén, nên chờ ý kiến chính thức từ cơ quan này.

Tôi nghĩ án oan thì giống nhau nhưng mỗi vụ bị làm oan luôn có tình tiết khác nhau và mức độ lỗi của những người đã làm oan khác nhau. Nó xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như trình độ nghiệp vụ của thẩm phán, ý chí chủ quan khi tuyên án, niềm tin nội tâm của thẩm phán… Nguyên nhân khách quan góp phần đến việc làm oan như chính sách pháp luật thời điểm đó, bị can, bị cáo nhận tội hay chối tội... Do vậy, hình thức xử lý trách nhiệm của người làm oan (nếu có) cũng khác nhau, có khi là nội bộ, có khi xử lý hành chính, có khi lại phải xử lý hình sự.

Nếu không đồng ý với kết quả xử lý này của TAND tỉnh Bình Thuận, ông Nén có quyền khiếu nại đến cấp trên là TAND Tối cao để yêu cầu xem xét lại.

Thời hiệu xử lý người làm oan ông Nén ra sao?

HĐXX làm oan ông Nén: Chỉ phê bình liệu có tương xứng? - 6

Chuyện ông Nén oan thì đã rõ. Các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi ông. Ông Nén đã có đơn gửi Cục Điều tra VKSND Tối cao yêu cầu khởi tố những người làm oan ông; Cục Điều tra đã thụ lý đơn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Việc xử lý những người làm oan cũng phải theo quy định pháp luật. Theo quan điểm cá nhân tôi, có lẽ vướng mắc lớn nhất hiện nay trong vụ này là yếu tố thời hiệu.

Tính từ ngày cơ quan tố tụng làm oan ông Nén đến ngày ông Nén được đình chỉ điều tra, chính thức thừa nhận làm oan ông Nén đã hơn 15 năm. Trong khi đối với tội ra bản án trái pháp luật thì khung hình phạt cao nhất là 15 năm. Theo Điều 8 và Điều 23 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này là 15 năm. Vậy là đến nay xem như đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.

Trường hợp Cơ quan điều tra VKSND Tối cao không khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì việc xử lý hành chính hoặc kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức đối với những người này cũng đã hết thời hiệu. 

Trong vụ này có thông tin dư luận cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận cố tình kéo dài việc đình chỉ điều tra đối với ông Nén, chờ đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự những người làm oan ông rồi mới đình chỉ. Đây là những thông tin mà Cục Điều tra VKSND Tối cao cần phải làm rõ.

Trong vụ việc này nếu những người làm oan ông Nén mà không bị xử lý gì cả thì rõ ràng “lẽ công bằng” là chưa thỏa đáng. Còn nếu bị xử lý thì cũng phải phù hợp với tính chất và mức độ vụ việc chứ không phải chỉ “phê bình, rút kinh nghiệm” là xong.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tước quyền xét xử 

Hình thức phê bình trong nội bộ rõ ràng là quá nhẹ và không tạo được sự răn đe. Tùy theo mức độ lỗi, HĐXX cần phải chịu trách nhiệm pháp lý là bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự. Ngoài ra, các thẩm phán trong HĐXX cần bị cấm tham gia xét xử có thời hạn.

Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN