Hậu vụ án "Thiện Soi": Vì sao các chủ nợ "khóc ròng" (?!)

Sự kiện: Tin pháp luật

Bản án của Tòa án nhân dân TX.Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) quy kết cha con Lê Thái Thiện, Lê Thái Phong vừa "cho vay lãi nặng", vừa vay của nhiều người rồi cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch. Hội đồng xét xử tuyên tịch thu toàn bộ số tiền mà Thiện - Phong cho vay, nhưng không xem xét khoản tiền mà hai bị cáo đã vay, dẫn đến các chủ nợ kêu cứu.

Đại gia… "nợ như chúa chổm"!

Bản án hình sự sơ thẩm số 128/2023/HS-ST (Bản án số 128) ngày 11/9/2023 dài 124 trang, của TAND TX.Phú Mỹ, xác định: Lê Thái Thiện (SN 1965, ngụ thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) đã cho 9 người vay số tiền 324,5 tỷ đồng với lãi suất từ 109 - 146%/năm, phạm vào tội cho "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Điều 201 BLHS. Ngoài ra, Thiện sử dụng hơn 193,87 tỷ đồng từ hành vi phạm tội mà có để nhận chuyển nhượng nhà đất, mua hàng hóa của người vay tiền, phạm vào tội "Rửa tiền" theo Điều 324 BLHS. Lê Thái Phong (SN 1992, con trai Thiện) giúp sức tích cực cho bị cáo Thiện nên đồng phạm với Thiện ở cả hai tội.

Bản án số 128 tuyên phạt Thiện 15 năm 6 tháng tù (2 năm 6 tháng tù theo Điều 201 BLHS và 13 năm theo Điều 324 BLHS); Phong 13 năm tù (2 năm tù theo Điều 201 BLHS và 11 năm theo Điều 324 BLHS).

Về biện pháp tư pháp: Tịch thu sung công quỹ Nhà nước các khoản tiền mà hai bị cáo dùng cho vay và số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự. Cụ thể như sau: Đối với số tiền cho ông Lưu Ngọc Tư (người tố cha con Thiện) và bà Siêu Thị Linh Trang vay: Bị cáo Thiện phải nộp 18,8 tỷ đồng; ông bà Tư - Trang phải nộp 49,72 tỷ đồng.

Đối với số tiền cho ông Phạm Quang Viên và bà Ngô Thị Lệ Hằng vay: Thiện phải nộp 30,926 tỷ đồng; ông bà Viên - Hằng phải nộp 53,564 tỷ đồng. Đối với số tiền cho ông Nguyễn Văn Xuyến và Nguyễn Thị Nhài Linh vay: Thiện phải nộp 4,495 tỷ đồng; ông bà Xuyến - Linh nộp 42,775 tỷ đồng. Đối với khoản vay của bà Võ Thị Kim Hoài và ông Trần Quốc Phú: Thiện phải nộp 2,751 tỷ đồng; bà Xuyến - ông Phú phải nộp 9,83 tỷ đồng. Đối với số tiền của ông Mai Trọng Tài và bà Trần Thị Ngọc Thảo: Thiện phải nộp 2,8 tỷ đồng; ông bà Tài - Thảo nộp 12,07 tỷ đồng...

Đối với các khoản tiền mà Thiện - Phong vay từ nhóm 11 người khác rồi cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch, Bản án số 128 xác định: Đây là những "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan" trong vụ án, gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Duyên, Trần Quang Binh, Nguyễn Văn Bốn, Đặng Thị Tuyết Lan, Nguyễn Thụy Thanh Mai, Nguyễn Văn Phú, Lê Thị Hiệp, Nguyễn Thị Quyên, Phạm Hồng Tiến, Phạm Văn Quynh.

Bản án số 128 xác định: Những người này cho Thiện, Phong vay tiền, lãi suất từ 2 - 6%/tháng, thấp hơn mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự. Khi cho vay tiền, họ không biết các bị cáo sử dụng vào mục đích phạm tội nên không cấu thành tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và cũng không đồng phạm với Thiện, Phong về tội danh này. Những người này có quyền khởi kiện Thiện, Phong trong vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu.

Nhóm các ông bà Trần Quang Binh, Phạm Văn Quynh, Nguyễn Thị Ngọc Lan trình bày với PV Báo CATP

Nhóm các ông bà Trần Quang Binh, Phạm Văn Quynh, Nguyễn Thị Ngọc Lan trình bày với PV Báo CATP

Sau khi án tuyên, cha con Thiện - Phong kháng cáo, nhận tội "Cho vay lãi nặng", nhưng không thừa nhận tội "Rửa tiền". Nhiều con nợ, như các ông bà Tư - Trang; Viên - Hằng, Xuyến - Linh... cùng kháng cáo, đề nghị xem xét, tính toán lại các khoản tiền và không buộc nộp tiền sung công quỹ. Bà Nguyễn Thị Soi (vợ bị cáo Thiện), Ngân hàng TMCP Kiên Long cũng có đơn kháng cáo...

TAND tỉnh BRVT mở phiên xét xử phúc thẩm ngày 02/02/2024, tuyên Bản án số 18/2024/HS-PT, giữ nguyên án sơ thẩm.

Cần xem xét quyền lợi chính đáng

Có mặt tại tòa soạn sáng 20/5/2024, ông Phạm Văn Quynh (SN 1954, ngụ thôn Cát Hải, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) trình bày: Ông và Lê Thái Thiện có mối quan hệ thân thiết lâu năm. Từ đó, ông cho Thiện và con trai vay mượn nhiều lần với tổng số tiền là 6,85 tỷ đồng. Do quen biết và tin tưởng nên ông không hỏi và cũng không biết Thiện - Phong vay tiền để làm gì.

Cùng với ông Quynh, ông Trần Quang Binh (SN 1969, ngụ KP.Tân Hạnh, P.Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) trình bày: Ông và ông Thiện cũng quen biết lâu năm nên tin tưởng, ký hai "hợp đồng vay tiền" (HĐVT). Trong đó, HĐVT lần 1 lập ngày 10/9/2020 với số tiền vay 7 tỷ đồng; HĐVT lần 2 ngày 10/11/2020 với 8,5 tỷ đồng.

"Khủng" nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1971, ngụ cùng thôn với Thiện) cũng đến tòa soạn kêu cứu. Trưng bằng chứng, chủ nợ trình bày: Giữa bà và ông Thiện có quan hệ quen biết thân tình lâu năm. Ông Thiện rất "uy tín", mượn tiền trả đầy đủ, đúng hạn nên bà tin tưởng cho vay nhiều lần, lãi suất từ 2 - 3%/tháng. Trong đó, lần vay ít nhất là 950 triệu đồng (HĐVT ngày 23/02/2020), lần vay nhiều nhất là 66,4 tỷ (HĐVT ngày 17/02/2020). Tổng số tiền gốc cha con Thiện - Phong còn nợ bà hơn 100 tỷ đồng.

Bà Lan nêu: "Phần lớn số tiền này do tôi vay mượn từ nhiều nguồn, trong đó huy động cả người thân, bạn bè. Từ khi ông Thiện bị bắt ngày 01/12/2020 đến nay, tôi phải gồng mình trả tiền gốc và lãi cho các chủ nợ. Hiện nay, tôi và gia đình lâm vào đường cùng, không còn khả năng trả món nợ "khủng" mà tôi đã vay".

Cả ông Quynh, ông Binh và bà Lan cùng xác định: "Quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm, nhiều chủ nợ đề nghị tòa tách các khoản tiền ông Thiện đã vay để hoàn trả lại cho chúng tôi. HĐXX xác định chúng tôi là "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", nhưng lại không xem xét số tiền, quyền lợi của nhóm 11 người trong vụ án này mà lại tách ra, yêu cầu khởi kiện trong một vụ án khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi".

Hai cha con Lê Thái Thiện - Lê Thái Phong tại phiên tòa sơ thẩm

Hai cha con Lê Thái Thiện - Lê Thái Phong tại phiên tòa sơ thẩm

Trong đơn kêu cứu gửi Chánh án TAND Cấp cao và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM cùng các cơ quan chức năng, nhóm bà Lan, ông Quynh và ông Binh chỉ ra ba điểm bất thường của Bản án số 128 nhưng được cấp phúc thẩm tuyên "y án".

Thứ nhất, Bản án số 128 xác định rõ: Nguồn tiền Thiện cho vay có một phần của bị cáo, một phần do Thiện đi vay của nhóm 11 người (trong đó có ông Quynh, ông Binh và bà Lan) rồi cho vay lại hưởng lãi suất chênh lệch. Nhóm 11 người cho Thiện vay tiền với lãi suất trong mức quy định và không biết mục đích ông Thiện vay tiền nhằm mục đích gì. Với nhận định này của HĐXX đã chứng minh nhóm 11 người cho vay là hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Thứ hai, Bản án số 128 không bóc tách, xác định trong 324,5 tỷ đồng mà ông Thiện cho vay thì có bao nhiêu tiền thuộc sở hữu của bị cáo, bao nhiêu là tiền Thiện vay của nhóm 11 người rồi cho nhóm 9 người vay lại? HĐXX cũng không làm rõ, số tiền mà nhóm 9 người đã trả cho bị cáo Thiện đâu là tiền gốc, đâu tiền lãi? Nhưng khi áp dụng biện pháp tư pháp, HĐXX mặc nhiên coi toàn bộ 324,5 tỷ đồng là tiền của Thiện và số tiền mà nhóm 9 người vay đã trả cho bị cáo đều là tiền gốc. Từ đó, HĐXX tuyên tịch thu toàn bộ sung quỹ Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhóm 11 người cho Thiện vay tiền hợp pháp.

Thứ ba, tài sản của bị cáo Thiện chưa biết có đủ để thi hành bản án hình sự hay không. Việc dành quyền cho nhóm 11 người khởi kiện dân sự ông Thiện không thể đảm bảo quyền lợi trên thực tế. Ngay cả khi nhóm này thắng kiện thì ông Thiện cũng lâm cảnh trắng tay, không còn tiền, tài sản để thi hành án...

Ngoài nhóm 3 người trên, bà Nguyễn Thị Soi (SN 1968, vợ bị cáo Thiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cũng có đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo trình giám đốc thẩm.

Theo dõi vụ án, Luật sư (LS) Phùng Thị Hòa (Văn phòng LS Chợ Lớn, Đoàn LS TPHCM) nêu quan điểm: Kêu cứu của nhóm người cho ông Lê Thái Thiện vay và của bà Nguyễn Thị Soi là chính đáng, có căn cứ. Cả hai bản án sơ thẩm của TAND TX.Phú Mỹ và phúc thẩm của TAND tỉnh BRVT có sai lầm nghiêm trọng trong việc phân tích, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, nhất là khi tuyên tịch thu sung công quỹ đối với các khoản tiền mà ông Thiện sử dụng cho vay, trong đó có phần tiền của nhóm 11 người cho bị cáo Thiện vay. Số tiền của nhóm 11 người là hợp pháp, không được tịch thu theo quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS.

Do đó, có căn cứ để TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TPHCM xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, hủy hai bản án nêu trên để điều tra lại, giải quyết triệt để vụ án theo đúng quy định của pháp luật, nhằm tránh oan sai.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiều 11/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tuyên án các bị cáo Lê Thái Thiện (còn gọi là Thiện Soi, SN...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PV CHUYÊN ĐỀ ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN