Hành trình 719 ngày phá án: Lời giải từ đống cỏ héo

Sự kiện: Tin nóng

Nhờ nghiên cứu hiện trường hết sức tỷ mỷ, manh mối vụ án đã lộ ra thông qua sự truy nguyên đồng nhất về độ héo của cỏ ở 2 khoảnh nương gần nhau, cho phép Ban chuyên án nhận định cỏ được phát cùng một thời điểm, nghĩa là cùng làm việc với nạn nhân Tâm trên đỉnh núi Lở hôm ấy, còn một người khác.

Trong nghề điều tra trọng án, căn cứ đầu tiên để truy nguyên, xác định hung thủ đó là nghi can phải có mặt tại hiện trường vào thời điểm vụ án xảy ra.

Với những thông tin trinh sát về gia đình bà Đôn, đặc biệt là sự kiện tên Tiến vắng mặt đã mấy hôm, không ai biết y đi đâu, làm gì, cùng lúc đó, bà Đôn kêu ốm, cả ngày đóng cửa im lìm, không đi “buôn dưa lê” ở nhà hàng xóm như mọi khi, hoạt động của cô em gái Tiến cũng có những thay đổi đáng ngờ… khiến chúng tôi khấp khởi mừng thầm. Hẳn là đã có biến cố nào đó trong gia đình này, nhưng đó là gì?. Lúc này chưa cho phép chúng tôi tiến hành các biện pháp điều tra công khai, vì sợ “rút dây động rừng” trong khi chưa có gì đặt lên bàn phản ánh Tiến liên quan đến vụ án.

Tuân thủ “đấu pháp” của vị chỉ huy trận đánh, vòng vây dần được khép lại xung quanh gia đình bà Đôn. Được biết, chồng bà này đã bỏ ba mẹ con từ lâu, hiện không rõ đang ở đâu. Quê bà Đôn ở Hạ Hoà (Phú Thọ), lên Lâm Giang khai hoang đã mấy chục năm. Trong sinh hoạt hàng ngày, đó là một bà già lắm lời, động chạm tý sẵn sàng xắn tay áo chửi bới hàng xóm, nên cũng ít người qua lại, giao du với gia đình này.

Đối tượng Lương Văn Dư (20 tuổi, trú tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) - nghi phạm “Giết người”, “Cướp tài sản” bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ thời gian gần đây.

Đối tượng Lương Văn Dư (20 tuổi, trú tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) - nghi phạm “Giết người”, “Cướp tài sản” bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ thời gian gần đây.

Trung tá Hiển lại cử chúng tôi lên núi Lở và lần này là kiểm tra nương nhà bà Đôn. Giữa cái nắng tháng 6 như thiêu đốt, chúng tôi lại miệt mài lật từng đống cỏ gianh đã phát tại khoảng nương này. Lớp cỏ trên bề mặt đã úa héo dưới ánh nắng chói chang, nhưng bên dưới vẫn còn xanh.

Đang xem xét, chợt Đại úy Đinh Xuân Nghĩa (nay là Thượng tá, Phó trưởng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái) gọi cả bọn lại, nói về phát hiện của mình. Đó là độ héo của cỏ ở nương nhà bà Đôn tương đồng với nương nhà chị Tâm. Chúng tôi cùng à lên, liền chạy sang nương nơi phát hiện xác nạn nhân, bới lấy nhiều nắm cỏ gianh đã phát mang sang nương nhà bà Đôn đối chiếu cẩn thận. Quả là sự phát hiện của anh Nghĩa đáng “đồng tiền, bát gạo”.

Như vậy, rất có thể cỏ ở 2 nương này đã được phát cùng một thời điểm. Mà nhà bà Đôn thì không có ai khác vào làm nương ngoài Tiến.

Quay trở lại nhà bà Đôn làm việc, khi ngồi xuống chiếc giường theo lời kể là Tiến thường ngủ tại đó, tôi chợt nhận ra trong lớp gối có tờ giấy gì đó. Kiểm tra, thì ra đó là một lá thư Tiến viết cho mẹ, lý giải việc bỏ nhà đi vì giận mẹ mắng vô cớ. Chúng tôi chuyền tay nhau bức thư ấy. Đọc xong, tất cả đều tủm tỉm cười, vì hiểu rằng lá thư y viết là để cho…chúng tôi đọc!. Trò vặt vãnh sao qua được mắt anh em trinh sát già dơ.

Kỳ công rà soát nhân chứng dọc hai bên đường từ nhà Tiến vào hiện trường, cuối cùng có 2 người dân xác nhận đã trông thấy Tiến vác cuốc lên nương vào buổi sáng 7-5-2003.

Án xảy ra trên đỉnh núi, không hề có chứng cứ vật chất hay nhân chứng, trong khi đối tượng nghi vấn đã “xa chạy cao bay”. Trung tá Hiển đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn. Đó là nếu không ký quyết định khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với tên Tiến, thì không có cơ sở cho hoạt động truy nã y trong phạm vi toàn quốc. Còn nếu khởi tố, thì chứng cứ hơi “non”.

Giả sử khi bắt được y, nhỡ ra không phải là hung thủ, thì những hậu quả với sự nghiệp chính trị cá nhân ông có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Còn nhớ khi ấy, ông đã hỏi tôi: “Đã chắc chắn không còn ai khác ngoài Tiến có mặt trên đỉnh núi Lở vào buổi sáng hôm ấy chưa?”. Tôi khẳng định bằng tất cả ý thức trách nhiệm, vì tôi hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

Trước khi hạ bút ký, thủ trưởng cần phải loại trừ khả năng có đối tượng khác vào hiện trường gây án. Ông đọc lại toàn bộ hồ sơ, trầm ngâm suy tính cả buổi rồi quyết đoán hạ bút ký quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đặc biệt, toàn quốc đối với Nguyễn Văn Tiến.

Từ đây bắt đầu hành trình đúng 719 ngày đêm truy lùng nghi can với quyết tâm cao nhất của Công an tỉnh Yên Bái. Tôi được giao đặc trách dựng dàn “ăng ten” xung quanh nhà Tiến để kịp thời nắm bắt những di biến động của bà Đôn cùng những thông tin có liên quan. Thời ấy điều kiện làm việc rất khó khăn. Những hành trình xuôi ngược hàng trăm cây số cũng chỉ bằng xe máy.

Tại Lạng Sơn, có thông tin xuất hiện một gã “cửu vạn” có đặc điểm giống Tiến ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi liền huy động tất cả các kênh bạn bè, dân buôn lậu trên địa bàn để nắm tình hình và tiến hành rà soát. Cái khó là rất có thể Tiến đã vượt qua biên giới, sang làm thuê bên Trung Quốc, mà anh em không thể bước chân qua ranh giới đường biên.

Ròng rã mấy tuần, vẫn không tìm thấy đối tượng khả nghi. Bóng dáng tên nghi phạm vẫn “mịt mù tăm cá”, anh em đành buồn bã rút quân. Ít lâu sau, lại có tin Tiến từng có một người bạn ở Kim Bảng, Hà Nam. Bốn anh em tôi lại hăm hở lên đường bằng xe máy. Qua ngôi đền thiêng ở Phú Thọ, cả bọn ghé vào dâng hương, xin cho chuyến đi gặp may mắn, để kẻ thủ ác phải sa lưới pháp luật. Đến Kim Bảng, được biết người có quan hệ với Tiến đã vào làm đường mòn Hồ Chí Minh trong rừng Trường Sơn. Tổ truy bắt lại lặn lội vào tận nơi, nhưng Tiến không đi cùng người này.

Những chuyến đi tiếp theo cũng đều về “tay trắng”, Tiến vẫn “lặn không sủi tăm” như trêu ngươi, thách thức mọi nỗ lực của tổ làm án. Tuy “công cốc” sau cả chục chuyến tầm nã, tốn kém tiền của, công sức, nhưng quyết tâm bắt Tiến chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Nhiệm vụ này chưa bao giờ thôi là chủ đề trong các cuộc giao ban của lực lượng hình sự Yên Bái. Tôi vẫn được giao phụ trách “dàn ăng ten” tại Lâm Giang, bởi đó là đầu mối quan trọng duy nhất để tìm y. Thời đó, điện thoại di động chưa phổ biến, nên việc liên lạc với gia đình của y, đều trong tầm kiểm soát của chúng tôi.

Cho đến tháng 1-2005, vào nửa đêm hôm ấy, chuông điện thoại bàn nhà tôi chợt réo vang. Đầu dây bên kia, giọng đàn ông nói gấp gáp: “Vừa thấy bà Đôn khoác tay nải ra đường đón xe, hướng đi về xuôi”. Đây là một hoạt động bất thường, trái quy luật sinh hoạt, vì bao năm qua bà ta không ra khỏi nhà. Nhận định rất có thể mẹ con Tiến có hẹn với nhau, chúng tôi lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết. Đến sáng hôm sau thì Tiến đã sa lưới khi y lén trở về quê ngoại (ở Hạ Hòa, Phú Thọ).

Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu, Hieubaocand@gmail.com

Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu, Hieubaocand@gmail.com

Khi đưa Tiến về Phòng Cảnh sát hình sự, tôi guồng chân chạy sang Văn phòng cơ quan điều tra báo tin cho Thượng tá Hiển (lúc này đang là Quyền Chánh văn phòng) về việc đã bắt được Tiến. Anh đứng bật dậy, nét mặt lo lắng, căng thẳng. Đây là lúc xác định việc anh ký khởi tố và truy nã Tiến ngày nào là đúng hay sai. Hiểu được nỗi lo của thủ trưởng cũ, tôi hứa với anh sẽ đấu tranh quyết liệt với nghi can, để có lời khai trung thực nhất của y.

Quay trở về đơn vị, tôi cùng anh Lương Đại Định (nay là Thượng tá, Trưởng Công an huyện Văn Chấn) đích thân “đấu” với Tiến. Trước đó, 2 anh em chụm đầu tính toán chiến thuật xét hỏi, rồi bước vào phòng ngồi xuống bên cạnh Tiến. Bằng cái giọng tưng tửng, chúng tôi hỏi y về vụ án như thể đã biết tất cả. Còn nhớ câu hỏi đầu tiên với Tiến là: “Sợi dây trói tay cái Tâm là của ai?”. Tiến ngập ngừng rất lâu rồi mới lý nhí: “Là sợi dây đeo túi của đứa ấy”- (nạn nhân Tâm). Chính nó rồi - nỗi vui mừng ứa ra trong ánh mắt.

Không có niềm hạnh phúc nào hơn đối với “dân trọng án”, khi nghi can mở miệng những thông tin đầu tiên về vụ án đang bế tắc. Khi hỏi về tư thế giết nạn nhân, Tiến khai đã vật cô ra đất rồi ngồi đè lên bụng. Điều ấy khiến anh em linh cảm ra một việc khác nữa, bởi đó là tư thế “nhạy cảm”. Tôi quyết định “tung cờ đo gió”, hỏi tưng tửng: “Thế xuất tinh vào trong hay cho ra ngoài hả cháu?”, Tiến ngước nhìn chúng tôi rất nhanh rồi cụp mắt xuống, có vẻ bẽn lẽn. Điều này khiến 2 anh em giật mình. Phải chăng còn việc xâm hại tình dục mà ta chưa biết. Anh Định động viên: “Toàn đàn ông với nhau, có gì mà phải ngại cháu?”. Hồi lâu, Tiến nói lý nhí: “Cháu xuất vào trong”. Tình tiết này qua khám nghiệm không phát hiện ra, vì xác nạn nhân khi đó đã phân hủy nên không thu được tinh dịch trong âm đạo.

Thêm nửa giờ khai thác, toàn bộ vụ án đã được làm rõ. Sau khi hiếp dâm, bị nạn nhân chửi bới, dọa báo Công an, Tiến đã giết hại chị Tâm rồi mang xác đi giấu. Thấy có đôi hoa tai bằng vàng, y tiện tay tháo luôn rồi đem về giấu trên ống bương ở mái bếp. Cho Tiến vẽ sơ đồ nơi giấu vàng xong, chúng tôi khẩn trương làm lệnh khám xét khẩn cấp nhà bà Đôn, bởi có thu được vật chứng này, mới có căn cứ vững chắc để buộc tội y. Ngay sáng hôm sau, anh Định và tôi lại dẫn quân trở lại Lâm Giang. Cuộc khám xét khẩn cấp đã thu được chiếc hoa tai tại vị trí Tiến đã khai. Gia đình nhận dạng xác định đúng là tài sản của chị Tâm.

Với vật chứng đặc biệt quan trọng này, đã có đủ căn cứ chứng minh Tiến là kẻ thủ ác. Và rồi bản án tử hình đã được thực thi sau đó không lâu, để loại bỏ khỏi đời sống xã hội một kẻ tội đồ máu lạnh.

Hành trình 719 ngày phá án: Xác chết dưới lùm cây

Một cô gái Dao Tuyển bị sát hại để lại trong đống cỏ gianh trên đỉnh núi Lở. Còn nhớ khi ấy, những người làm án...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Trung Hiếu ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN