Hành trình 7 tháng kinh hoàng thoát khỏi nơi giam giữ bị cô lập giữa đại dương

Sự kiện: Vượt Ngục

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân Nhật Bản chiếm hàng chục hòn đảo nhỏ trong Chiến dịch Thái Bình Dương, biến những nơi này trở thành nơi giam cầm không có khả năng trốn thoát. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy, một cuộc đào tẩu ly kỳ nhất mọi thời đại đã diễn ra.

LTS: Nhà tù có chức năng giam giữ phạm nhân nhưng với nhiều tên tội phạm, đây được xem là cái đích cần vượt qua để tìm lại tự do. Bài viết về những phi vụ vượt ngục khó tin sau đây, hé lộ chiêu thức những kẻ đào tẩu thực hiện để chạy trốn khỏi các nhà tù kiên cố bậc nhất.

Hành trình 7 tháng kinh hoàng thoát khỏi nơi giam giữ bị cô lập giữa đại dương - 1

Nabetari (áo trắng) đang kể lại những ngày tháng tẩu thoát kinh hoàng của mình

Nabetari là một chàng thanh niên 22 tuổi đến từ Nikunau thuộc vùng đảo Gilbert  (nay là nước Cộng hòa Kiribat). Năm 1942, cậu chuyển đến làm việc trong các mỏ phốt-phát trên đảo Ocean (tên gọi khác của đảo Banaba) của Mỹ.

Cuối tháng 8/1942, quân Nhật Bản đổ bộ lên đảo, họ chuyển hầu hết người dân và công nhân vào các trại giam trên đất liền, chỉ giữ lại 100 tù nhân phục vụ và cung cấp thực phẩm cho binh lính. Nabetari nằm trong số đó.

Đảo Ocean trở thành một nhà tù bị cô lập giữa biển khơi. Không ít phạm nhân từng nghĩ đến chuyện tẩu thoát nhưng đều không thành công khi bao quanh là biển cá mập và những con sóng hung dữ. Tất cả những yếu tố đó khiến hòn đảo này được mệnh danh là nơi “không thể thoát”.

Ban ngày, những tù nhân bị bắt lao động quần quật, đánh cá và trồng trọt. Ban đêm, họ bị nhốt trong những chiếc chuồng cọp chỉ bằng một căn phòng nhỏ nhưng lại là nơi trú ngụ của hàng chục người chen chúc nhau.

Tháng 4/1944, những tù nhân trên đảo được lệnh phải đào những chiếc hố tương đương với số lượng tù nhân. Về sau họ biết rằng những chiếc hố đó sẽ được dùng để họ tự chôn sống chính mình.

Nabetari quyết định phải tự cứu lấy mình, có chết cũng không thể chết trong tay kẻ thù. Biết rằng sẽ nắm chắc phần thua nếu chỉ có 1 thân 1 mình, anh liền tập hợp 6 tù nhân khác cùng chí hướng lại với nhau.

Sau nhiều thời gian theo dõi, nắm bắt giờ giấc của lính canh, Nabetari liền lên kế hoạch tẩu thoát cho cả nhóm. Họ đã lấy cắp được 3 chiếc xuồng, một ít dừa và nước uống.

Một buổi tối, sau khi đưa số cá bắt được trong ngày vào kho, lợi dụng lúc lính canh không để ý, từng người trong số họ lần lượt trốn ra khu vực neo xuồng. Dựa vào kinh nghiệm đi biển của mình, Nabetari tiên đoán ngày định mệnh ấy là 4/4/1944.

Trong đêm khuya, họ nhanh chóng di chuyển 3 chiếc xuồng ra khơi, nhắm thẳng quần đảo Gilbert cách đó 400km. Trên bờ, những ngọn đuốc rực sáng và từng tiếng kẻng liên hồi báo hiệu lính canh đã nhận thấy sự biến mất của họ.

Ban đầu, 3 chiếc xuồng bám sát nhau. Tuy nhiên, đêm hôm sau, một chiếc lạc khỏi đoàn và họ không bao giờ biết tin tức của người ngồi trên nó. Sau đó cứ tối đến, họ lại lấy dây thừng buôc 2 chiếc còn lại vào nhau. Nhưng cũng chỉ được vài ngày, thời tiết quá xấu khiến chiếc ca nô thứ hai biến mất.

Một tuần sau, chiếc xuồng của Nabetari lật trong đêm. Anh bất lực nhìn bạn đồng hành từ từ chìm xuống biển.

Nabetari nhanh chóng chỉnh lại xuồng và leo lên. Sau khi mất nốt người bạn cuối cùng, anh vô cùng tuyệt vọng và không còn chút động lực nào, chỉ còn biết phó mặc cho số phận và để xuồng tự trôi.

Suốt những ngày tháng tiếp theo, anh trôi dạt trên biển, ăn tất cả những thứ gì bắt được và uống nước mưa để tồn tại. Không ít lần gặp phải những loài hung thần biển cả và những trận cuồng phong kinh hoàng nhưng với kinh nghiệm đi biển từ trước cộng với số phận có phần may mắn của mình, Nabetari mới có thể sống sót.

Anh từng nhìn thấy máy bay 2 lần nhưng họ bay quá cao nên mặc dù anh đã cố gắng vẫy bằng một tấm vải, họ đều không nhìn thấy anh. Hai lần khác anh gặp những chiếc tàu, nhưng sau khi nhìn thấy những người trên đó, anh nhận ra đó là quân Nhật.

Vào một đêm tháng 11, sau 7 tháng trời lênh đênh trên biển, xuồng của Nabetari trôi dạt vào bờ và vướng vào rạn san hô của đảo Ninigo, cách đảo Ocean 2.400 km.  Đương nhiên anh lúc này ở trong tình trạng rất yếu và kiệt sức.

Sáng hôm sau, anh dùng hết sức mình nhảy xuống biển và giữ cơ thể nổi trên mặt nước. Vào cuối buổi chiều, một số người bản xứ đã nhìn thấy anh và đưa về làng. 4 ngày sau, anh được đưa đến bệnh viện ở Úc tại Manus.

Nabetari dần phục hồi và đã có thể kể về câu chuyện mình. Phi vụ đào tẩu “có một không hai” này sau đó trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh.

 -----------------------------------------------

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo Những phi vụ vượt ngục khó tin vào 4h ngày 16/10/2017.

Màn tẩu thoát như phim của người tử tù qua mặt cả nghìn lính canh

Năm 1942, một tù nhân của trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã đã thực hiện màn trốn trại táo bạo và ly kỳ hệt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo Janeresture, Banaban) ([Tên nguồn])
Vượt Ngục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN