Hai nữ đại gia Sài Gòn bị chiếm đoạt hơn 1.200 tỷ đồng
Hai đại gia ở Phú Mỹ Hưng tin lời Phùng Thị Nghệ, Chủ tịch Tập đoàn Việt Hưng Phát, góp vốn thành lập ngân hàng nên chuyển tiền, bị chiếm đoạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Ngày 19/4, Nghệ, 38 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát, bị TAND TP HCM đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phạm vi vụ án này, các cơ quan tố tụng chỉ xử lý hành vi của Nghệ liên quan đến việc chiếm đoạt hơn 1.200 tỷ đồng của hai đại gia ở Sài Gòn. Riêng 8 người khác ở nhiều tỉnh thành tố cáo Nghệ chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng, Công an TP HCM đã tách thành vụ án khác để xử lý ở giai đoạn hai, do hết thời hạn điều tra.
Theo cáo trạng, Phùng Thị Nghệ từng có thời gian làm việc tại ngân hàng, sau đó nghỉ kinh doanh tự do về bất động sản và xe hơi. Năm 2018, cô thành lập Công ty Money Exchange, thực hiện thủ tục xin mở quầy thu đổi ngoại tệ tại các trung tâm thương mại nhưng để em trai đứng tên (người đại diện theo pháp luật).
Phùng Thị Nghệ tại cơ quan điều tra lúc bị bắt. Ảnh: Nhật Vy
Ban đầu Nghệ mượn tiền gia đình và vay ngân hàng để mua bán bất động sản, ôtô và dùng một phần kinh doanh quầy thu đổi ngoại tệ. Sau đó, mở rộng quy mô, bị cáo huy động nguồn tiền từ nhiều người với cam kết trả lãi cao.
Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, việc kinh doanh các quầy thu đổi ngoại tệ không hiệu quả do ảnh hưởng của Covid-19. Để có tiền trang trải mặt bằng, lương nhân viên... Nghệ phải vay mượn nhiều người với lãi suất cao. Năm 2021, đại dịch bùng phát, bị cáo dừng toàn bộ việc kinh doanh ngoại tệ, bất động sản và xe cũng không bán được nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nên lâm vào tình thế khó khăn.
Kết quả điều tra xác định, để có tiền trả nợ, Chủ tịch Tập đoàn Việt Hưng Phát huy động tiền của nhiều người bằng cách đưa ra các thông tin gian dối như: góp vốn kinh doanh xăng dầu, mua bán USD, góp vốn thành lập ngân hàng, làm đáo hạn ngân hàng, thành lập quỹ tín dụng... và hứa trả lợi nhuận cao.
Trong đó, Nghệ nhiều lần kêu gọi bà Loan (ngụ Phú Mỹ Hưng, quận 7) góp vốn "kinh doanh xăng dầu và thành lập ngân hàng tư nhân", đã nhận của đại gia này tổng cộng gần 602 tỷ đồng, từ năm 2019 đến 2022. Tương tự, Nghệ cũng nhận góp vốn của nữ đại gia khác là bà Thanh số tiền hơn 606 tỷ đồng. Quá trình giao nhận tiền vay, Nghệ để chồng hoặc nhân viên trực tiếp nhận hoặc qua chuyển khoản.
Cơ quan điều tra cáo buộc, để bà Loan và Thanh tin tưởng tiếp tục đưa tiền, Nghệ nói dối "đang xin phép thành lập ngân hàng tư ngân", số tiền nhận từ các đại gia này sẽ dùng để ký quỹ, đồng thời cam kết để họ đứng tên cổ phần khi thành lập ngân hàng. Nghệ đã dùng tiền vay của người khác để trả cho bà Loan và Thanh, hoặc dùng chính tiền của bà Thanh trả cho bà Loan và ngược lại, nhằm cho các bị hại tưởng việc hợp tác kinh doanh có lợi nhuận, tiếp tục cho mượn tiền.
Đến năm 2022, Nghệ không còn khả năng trả "lợi nhuận", hai nữ đại gia mới phát hiện bị lừa, tố cáo với công an. Nhà chức trách xác định, bị cáo đã chiếm đoạt của hai bị hại tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng (căn cứ xác định trách nhiệm hình sự) nhưng đã chuyển cho họ lần lượt gần 443 tỷ và 416 tỷ đồng. Do đó, hậu quả thiệt hại Nghệ gây ra đối với bà Loan là gần 163 tỷ đồng; bà Thanh là hơn 185 tỷ đồng (trách nhiệm bồi thường).
Ngoài ra, trong một quan hệ dân sự mua bán biệt thự trị giá 75 tỷ đồng tại Phú Mỹ Hưng, bà Thanh đã nhận của Nghệ 25 tỷ. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, cơ quan điều tra cấn trừ vào thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường của Nghệ cho bà Thanh còn hơn 159 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Nghệ khai, số tiền vay mượn của nhiều người và ngân hàng đã đầu tư vào ngân hàng số, mua bán tiền ảo Bitcoin trên các sàn giao dịch quốc tế như Binance (Trung Quốc), Bitrex (Mỹ). Bị cáo dùng số ngoại tệ lớn vay của nhiều người để nộp vào tài khoản giao dịch Bitcoin. Đến năm 2020, Nghệ bị hacker lấy mất tài khoản Bitcoin có giá trị khoảng 20 triệu USD - là nguyên nhân lâm vào cảnh khó khăn, dẫn đến hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây chỉ là lời khai một phía của Nghệ, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh.
Tại tòa hôm nay, 3 luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt, trong đó có người nêu lý do "chưa kịp nghiên cứu hồ sơ". Bị cáo Nghệ đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để các luật sư có điều kiện tham gia bào chữa tốt nhất cho mình.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, song lưu ý: "Tòa đã làm các thủ tục nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, nhưng các luật sư vẫn vắng mặt. Lần sau, khi phiên xử được mở lại, nếu các luật sư vắng mặt vì bất cứ lý do gì thì tòa sẽ không chấp nhận".
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Nguồn: [Link nguồn]
Tiếp xúc với các đại gia, Phùng Thị Nghệ khoe làm ăn lớn trong mảng xăng dầu, ngoại tệ và vẽ ra việc thành lập "Ngân hàng ngoại hối Việt Nam"