Hai ngày định mệnh

Sự kiện: Tin ngắn

Một người mất tự do, một gia đình mất đi trụ cột. Đau đớn hơn, vụ án mạng bắt nguồn từ mâu thuẫn của những người mới biết nhau 2 ngày.

"Đấy là hành động giết người không gớm tay. Tôi nhờ quý tòa xử hung thủ giết chết con tôi hình phạt cao nhất" - cha ruột nạn nhân run run nói bằng giọng thù hận.

Phiên tòa bắt đầu bằng vô số lời oán thán như vậy.

Oán hận

Mái tóc bạc trắng, lưng còng, người cha lặn lội từ Vĩnh Long đến TP HCM dự tòa. Ông mong muốn lên tiếng thay đứa con bị chết oan. Con trai ông - anh Thái Văn Nhân bị Trịnh Văn Huy (SN 1987; quê Trà Vinh) dùng dao đâm chết.

Hai ngày định mệnh - 1

Bị cáo Trịnh Văn Huy lãnh 18 năm tù về tội “Giết người”

Như cha chồng, chị V.B.D.H (vợ nạn nhân) không giấu lòng ai oán. Chồng ra đi, chị kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể chất. Hai lần, chị nhập viện điều trị do sức khỏe, thần kinh suy nhược. Đau đớn hơn, 2 con nhỏ (11 và 5 tuổi) bỗng chốc mồ côi cha. "Từ đó đến nay, gia đình bị cáo không một nén nhang, không một lời an ủi. Nếu không vì con, tôi không gượng nổi. Chính vì vậy, tôi yêu cầu tòa án phán quyết công bằng, nghiêm minh nhất" - người vợ gằn từng chữ.

Con gái lớn của anh Nhân ôm khư khư di ảnh cha, ngồi phía sau mẹ, mắt rưng rưng. Dù chưa hiểu hết những gì diễn ra trong phiên tòa nhưng khi HĐXX nhắc đến người nhà mình, em nhanh chóng đứng dậy, giơ di ảnh cha lên. Suốt phiên tòa, con gái bị hại cứ ghì chặt di ảnh người cha đã khuất.

TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Huy 18 năm tù về tội "Giết người". HĐXX nhận định bị cáo từng có bệnh lý tâm thần, hành động trong trạng thái bị kích động, lỗi một phần từ phía bị hại. Vì thế, mức án trên là phù hợp.

Phiên tòa kết thúc, người thân trong gia đình bị hại đứng lại sân tòa, nhìn theo xe dẫn giải. Phòng xử đóng cửa rồi vắng lặng, họ vẫn đứng đó, ném theo những phẫn uất dù những tiếng mất tiếng còn này cũng dần rơi rớt trong sân tòa.

Biện minh

Rời quê, Trịnh Văn Huy vào làm nhân viên tại cửa hàng điện máy Quốc Anh (quận 12, TP HCM) vào 1 ngày gần cuối tháng 7-2017. Niềm vui mới nhen nhóm trong lòng người thanh niên vừa mới tìm được việc làm sau những ngày bạo bệnh chưa lan tỏa thì đã có ấm ức xảy ra. Chủ cửa hàng bố trí Huy ở chung phòng với 4 nam nhân viên khác. Ngày đầu tiên, Huy bị 4 người bạn cùng phòng khóa cửa nhốt khoảng 1, 2 giờ. 

Hôm sau tình trạng lặp lại vào lúc 1 giờ sáng. Tự phá cửa, Huy cầm mảnh kính vỡ ra ngoài. Anh Thái Văn Nhân (quản lý) được tin báo nên đến giải quyết. Cả hai cãi vã rồi xô xát với nhau. Huy bị đuổi ra ngoài ngồi đến sáng. Cũng trong sáng hôm đó, sự việc được giải quyết bằng tuyên bố đuổi việc Huy và không trả CMND. Đáp trả lại cách hành xử có phần vô lý này là một nhát dao của anh nhân viên mới….

Tính ra, nạn nhân và hung thủ mới biết nhau 2 ngày trước đó.

Bị cáo Huy phân bua 2 ngày ở chung, 4 bạn cùng phòng đều nhốt Huy như thế. Tuy nhiên, Huy không phản kháng. Vì phòng thân nên bị cáo mới cầm hung khí. Dù vậy, bị cáo không có ý nghĩ giết người. Sự cố xảy ra do bị hại chế giễu, xúc phạm mẹ bị cáo. Bị cáo trần tình: "Đến lúc vào trụ sở công an, bị cáo mới biết mình đâm trúng anh Nhân".

Bị cáo biện minh một, nhiều người liên quan giải thích cho mình hai, ba. Bốn thanh niên nhốt bạn khai rằng mình gọi nhưng không thấy ai lên tiếng. Nghĩ trong phòng không có ai nên họ khóa cửa. Trả lời HĐXX, chủ cửa hàng trình bày bản thân không muốn nhận Huy. "Nhân là người tuyển dụng Huy. Khi vụ án xảy ra, nhân viên thấy Huy là trốn hết nên tôi bối rối, không kịp xử lý tình huống" - ông nhớ lại.

Nghe vậy, một thành viên HĐXX cho rằng lời khai của nhân chứng chưa chính xác. Vị này chất vấn: "Bị cáo tắm ắt có tiếng động phát ra. Giả sử, vừa đi làm về, chưa ăn uống gì mà bị nhốt suốt đêm như thế, các anh có ức chế không?". Theo chủ tọa phiên tòa, nếu quản lý và chủ cửa hàng dàn xếp, cư xử khéo léo hơn thì vụ án không xảy ra. Chưa kể, cửa hàng đuổi nhân viên ra đường lúc rạng sáng, không trả CMND. Đây là nguyên nhân đẩy bị cáo vào bước đường cùng. Nghe đến đây, 5 người cùng cúi đầu, im lặng. Chắc hẳn, từ nay về sau, họ không thể quên những lời phân tích ấy. 

Mẹ đi giúp việc nhà, cha bán vé số

Đến tòa, mẹ Huy rầu rĩ kể, Huy là con út trong gia đình. Năm 2016, Huy gặp tai nạn. Vợ chồng bà đành bán hết nhà cửa để lo cho con. Bà xót xa nhìn con trên bàn mổ do chấn thương sọ não, gãy chân. Bệnh án tâm thần xuất hiện từ đó. Đến nay, con trai bà vẫn chưa thể đi lại bình thường. Sau đó, bà vào TP HCM làm nghề giúp việc nhà. Chồng bà bán vé số ở tỉnh Long An. Huy ở phòng trọ dưỡng bệnh. Một hôm, Huy nói rằng Huy không muốn mẹ ở đợ lấy tiền nuôi mình.

Bi kịch bắt đầu từ đó…

Sai lầm định mệnh của nữ nhân viên ngân hàng

Nữ nhân viên ngân hàng đánh mất cả thanh xuân lẫn sự nghiệp và gia đình trong một lần giúp bạn giao hàng mà không biết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DI LÂM ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN