Hacker 9X xâm nhập hệ thống ngân hàng chiếm đoạt 10 tỷ đồng có thể đối diện khung hình phạt nào?

Sự kiện: Tin pháp luật

Tâm đã can thiệp trái phép vào hệ thống thông tin tài chính của một ngân hàng, chỉnh sửa mã lệnh tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm, từ đó chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Minh Tâm (SN 1996, trú tại quận Tân Bình) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Theo điều tra, ngày 23/11/2022, Tâm mở tài khoản tại một ngân hàng. Đến ngày 23/5, Tâm đăng ký tài khoản qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại, xác thực thông qua phương thức eKYC (là hình thức định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ để xác thực danh tính của khách hàng). Sau đó Tâm tiếp tục mở một sổ tiết kiệm online trên ứng dụng với giá trị 1 triệu đồng.

Theo quy định của ngân hàng, Tâm được cầm cố sổ tiết kiệm để vay online trên ứng dụng, số tiền tối đa 85%/giá trị của sổ tiết kiệm được cầm cố nhưng không vượt quá 2 tỷ đồng/lượt vay. Do đó, so với quy định Tâm chỉ vay được tối đa 850 nghìn đồng. Tuy nhiên, Tâm đã can thiệp trái phép vào hệ thống thông tin tài chính của ngân hàng này, chỉnh sửa mã lệnh tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm thành trên 51 tỷ đồng.

Từ ngày 23/5 đến ngày 9/6, Tâm đã 7 lần thực hiện việc rút tiền từ hệ thống ngân hàng, chuyển về tài khoản thanh toán với tổng số tiền trên 10 tỷ 500 triệu đồng. Sau đó Tâm chuyển trả ngược hơn 500 triệu đồng, chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng. Thời điểm bị phát hiện Tâm đã rút ra 6,5 tỷ đồng, còn khoảng 3,5 tỷ đồng bị ngân hàng phong tỏa ngay sau đó.

Tại cơ quan công an, Tâm khai nhận sử dụng số tiền chiếm đoạt được để trả nợ, tiêu xài cá nhân và mua tiền ảo. Đối tượng xin khắc phục hậu quả từ nguồn tiền vay mượn của gia đình.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Đây là một trong những hành vi phạm tội thuộc nhóm tội phạm công nghệ cao, nhắm đến hệ thống tài chính ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì những lỗ hổng bảo mật cũng dễ nảy sinh. Bởi vậy, đối với các tổ chức tín dụng thì vấn đề bảo mật càng phải được đề cao để tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng bảo mật, sơ hở trong công tác quản lý để chiếm đoạt tài sản.

Với kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngân hàng này đã bị Tâm chiếm đoạt 10 tỷ đồng. Phương thức thủ đoạn chuyển khoản được đối tượng tự thực hiện trên cơ sở xâm nhập, can thiệp trái pháp luật vào hệ thống thông tin tài chính của ngân hàng, chỉnh sửa mã lệnh tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm từ 1 triệu đồng lên hơn 51 tỷ đồng. Hành vi này để lại dấu vết qua thông tin chuyển khoản nên cơ quan điều tra dễ dàng chứng minh được hành vi chiếm đoạt, khi bị bắt giữ, đối tượng cũng khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với PV về vụ việc

Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với PV về vụ việc

Hành vi của Tâm đã đủ cấu thành tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo Điều 290 Bộ luật hình sự 2015. Với số tiền chiếm đoạt là 10 tỷ đồng, đối tượng này có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.

Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp đối tượng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đây cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

Vụ việc này sẽ là bài học cho các đối tượng coi thường pháp luật, có hiểu biết về khoa học công nghệ nhưng lại không sử dụng hiểu biết của mình vào những việc hợp pháp, có ích cho xã hội, mà lợi dụng để thực hiện này vi phạm tội. Vụ việc cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với hệ thống các tổ chức tín dụng về công tác bảo mật, bảo vệ tài sản của ngân hàng cũng như của khách hàng.

Điều 290, Bộ luật hình sự quy định về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" như sau:

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thông tin thêm vụ hacker xâm nhập hệ thống ngân hàng chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng

Chiều 4/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thông tin thêm về vụ bắt giữ hacker xâm nhập hệ thống ngân hàng chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo C.Lê - Q.Tuyên ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN