Hà Văn Thắm chi 69 tỉ để "chăm sóc" ai?

Bị cáo Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank, khai đã chi 69 tỉ đồng để “chăm sóc khách hàng”, vậy số tiền này “chăm sóc” cho những ai?

Cuối giờ sáng 1-3, HĐXX TAND TP Hà Nội chuyển qua phần xét hỏi liên quan đến hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm. Thắm thừa nhận kết luận điều tra và cáo trạng thể hiện đúng như những gì bị cáo đã khai.

Chi 69 tỉ để huy động tiền gửi

Hà Văn Thắm cho biết bị cáo thành lập Công ty BSC để thực hiện các dịch vụ thu phí kiếm lời. Thắm tuyển dụng Hoàng Thị Hồng Tứ, tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, vào giúp việc hành chính, văn phòng cho HĐQT. Sau đó Thắm nhờ Tứ đứng tên chủ tịch HĐQT Công ty BSC.

Phạm Hoàng Giang, cựu tổng giám đốc (TGĐ) Công ty BSC, cũng cho biết bị cáo được thuê làm TGĐ nhưng công việc của bị cáo không liên quan đến việc quản lý tài chính, không biết tiền của BSC được dùng vào việc gì.

Cáo trạng của VKS thể hiện Nguyễn Xuân Sơn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giới thiệu để HĐQT Oceanbank bầu làm TGĐ từ 1-12-2008 đến 27-12-2010. Sơn đã đặt vấn đề với Thắm về việc để huy động được nguồn tiền gửi từ PVN, Oceanbank cần chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng.

“Bị cáo không trực tiếp nhưng có nhiều lần chuyển tiền qua trung gian cho Sơn. Cụ thể, bị cáo không nhớ, khi CQĐT cung cấp chứng từ, bị cáo xác nhận số liệu thể hiện trong cáo trạng là đúng (gần 69 tỉ đồng - PV)” - Thắm khai. Thắm cho biết thời điểm đó do NHNN áp đặt mức trần lãi suất huy động vốn để chống lạm phát nên các ngân hàng đều phải “chăm sóc khách hàng” để huy động tiền gửi.

Hà Văn Thắm chi 69 tỉ để "chăm sóc" ai? - 1

Bị cáo Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank. Ảnh:  Đức Minh

Nhận 4,5 tỉ đồng tiền… quan hệ

Trong khi đó, cựu TGĐ Nguyễn Xuân Sơn nói không hiểu vì sao mình bị truy tố về hai tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái… Bị cáo này khẳng định mình không thỏa thuận, bàn bạc với Thắm về việc chi lãi ngoài. “Khi bàn bạc với Thắm, bị cáo mới sang ngân hàng, thực tế lúc đó các ngân hàng chi lãi ngoài để huy động vốn. Thắm đề xuất việc này, Sơn nói với Thắm Oceanbank không việc gì phải chi lãi ngoài để huy động vốn” - Sơn khai.

Sơn khẳng định việc chi lãi ngoài thực hiện từ năm 2011, lúc đó bị cáo không làm ở ngân hàng nữa. “Bị cáo khẳng định không có ai chi lãi ngoài và không có ai nhận được chỉ thị của bị cáo để chi lãi ngoài. Kết quả điều tra từ năm 2011 đến 2014, có hơn 51.000 khách hàng được hưởng lãi ngoài trong khi bị cáo đã rời khỏi ngân hàng từ năm 2010” - Sơn nói. Cựu TGĐ Oceanbank chỉ thừa nhận bốn lần nhận được tiền do Thắm chuyển, trong đó ba lần nhận được 2,6 tỉ đồng, một lần nhận 1,9 tỉ đồng.

“Trong tài liệu, CQĐT và VKS khẳng định Thắm chuyển cho bị cáo gần 69 tỉ đồng. Bị cáo không bao giờ sang BSC, không bao giờ đề nghị BSC chuyển tiền cho bị cáo. Bị cáo thừa nhận những lần nhận tiền là quan hệ của bị cáo với Hà Văn Thắm, không liên quan đến việc của ngân hàng” - Sơn khẳng định.

Chuyển cả trăm tỉ nên nhớ không xuể

“Số tiền đã nhận bị cáo dùng vào việc gì?” - HĐXX truy bị cáo Sơn. “Khoản tiền 2,6 tỉ đó là Hà Văn Thắm trả nợ cho bị cáo. Số tiền 1,9 tỉ Sơn khai đã chi cho đoàn cao tốc của chính phủ Nga thăm Việt Nam, theo đề nghị của TGĐ Vietsovpetro. Tài liệu điều tra thể hiện đã chi cho những ai. Đó là chi phong bì cho đoàn cao tốc chính phủ Nga, chứ chi khách sạn thì đã có chứng từ rồi” - Sơn trả lời.

Sơn khai khoản chi này nhằm “phát triển quan hệ của ngân hàng sang Nga”. Số tiền 1,9 tỉ đồng sau đó Vietsovpetro hai lần chuyển khoản trả lại, bị cáo lại trao đổi với Hà Văn Thắm dùng để chi đối ngoại dịp 2-9 cho nhiều người, đến nay bị cáo không còn nhớ…

Tòa sau đó thẩm vấn Nguyễn Việt Dũng, trợ lý của Nguyễn Xuân Sơn. Dũng khai cụ thể, chi tiết số tiền và thời gian nhận tiền. Theo đó, Dũng nhận tiền của Thắm theo yêu cầu của Sơn ba lần: Một lần là hơn 100.000 USD, hai lần khác mỗi lần nhận hơn 3,3 tỉ đồng. Dũng khai số tiền này Dũng đã chuyển lại cho Sơn, trong số đó có chuyển vào tài khoản của một số giám đốc chi nhánh.

Tòa thẩm vấn bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, cựu giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược của Oceanbank (anh em họ của Sơn). Thắng khai không nhớ cụ thể số lần chuyển tiền cho Sơn, trong vòng bốn năm bị cáo chuyển cho Sơn trên 100 tỉ đồng.

Hôm nay (2-3), tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.

Người hùng” Phạm Công Danh và thương vụ 500 tỉ đồng

Tại tòa, đại diện theo ủy quyền của nhóm bà Hứa Thị Phấn (người cho Phạm Công Danh mượn tài sản thế chấp vay 500 tỉ tại Oceanbank) cho biết nhóm bà Phấn có nhiều đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng. “Hà Văn Thắm đã đe dọa về thân phận và hoạt động của Trustbank. Với lo sợ như vậy, bà Phấn đã chỉ đạo nhóm con cháu cũng như cổ đông nhượng lại cổ phần Trustbank cho Thắm. Không biết đây là quan hệ dân sự hay là cưỡng đoạt nữa” - vị đại diện nói.

Vị này sau đó giải thích lý do Công ty Trung Dung vay tiền Oceanbank nhưng bà Phấn lại cho mượn tài sản thế chấp. Bà Phấn cho biết rất tin tưởng Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm là những người trẻ tuổi, giàu có, giỏi giang. Thời điểm đó Phạm Công Danh được tung hô như là người hùng. Danh nói với bà Phấn mình đang muốn vay ở Oceanbank nhưng tài sản thế chấp (lô đất ở Tô Hiến Thành) chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, Danh cũng nói tài sản đó rất lớn, Danh không muốn mang tài sản “khổng lồ” đó đi vay một khoản vay nhỏ như vậy.

“Đúng là sau khi tìm hiểu Trustbank, bị cáo có phân tích tình trạng xấu ngân hàng cho bà Phấn. Đó là việc có thật nhưng bà Phấn lại hiểu là bị cáo đe dọa bà Phấn” - Thắm lý giải tại tòa. Bị cáo này cũng phủ nhận việc ép buộc bà Phấn cho Danh mượn tài sản thế chấp…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Xét xử đại án Oceanbank Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN