Góp sữa nuôi bé 1 tháng tuổi mất mẹ sau thảm án anh truy sát gia đình em trai

Mới hơn 1 tháng tuổi, bé Đ. đã mất đi hơi ấm của mẹ khi chị Bắc đã ra đi mãi mãi trong vụ thảm án kinh hoàng.

Chị Liên và chị Linh xếp các bịch sữa ngay ngắn vào tủ cấp đông của gia đình.

Chị Liên và chị Linh xếp các bịch sữa ngay ngắn vào tủ cấp đông của gia đình.

Đã hơn 2 ngày kể từ khi vụ thảm án kinh hoàng do đối tượng Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) gây ra với gia đình em trai là ông Nguyễn Văn Hải (SN 1969, ở kế bên). Có 4 nạn nhân đã tử vong trong đó có chị Nguyễn Thị Bắc (SN 1991), mẹ cháu P.H.K.Đ (1 tháng tuổi).

Mới hơn 1 tháng tuổi, bé Đ. đã mất đi hơi ấm của mẹ khi chị Bắc đã ra đi mãi mãi trong vụ thảm sát kinh hoàng. Tuy vậy, với tình yêu thương con nhỏ, những bà mẹ “bỉm sữa” đã không quản nặng nhọc, góp 1 phần sữa trữ đông của mình gieo mầm sống cho cháu bé.

Chị Linh và chị Liên (cùng trú quận Hà Đông) đã tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi tìm đến thăm và đem nguồn sữa mẹ quý giá cho cháu Đ. Từng bịch sữa được ghi ngày tháng, hạn sử dụng rõ ràng để gia đình cháu Đ. dễ nhận biết. Trong chiếc thùng đá giữ nhiệt, có hơn 20 bịch sữa trữ đông đến từ nhiều bà mẹ “bỉm sữa” ở nhiều nơi trên địa bàn TP.Hà Nội.

“Chúng tôi tìm đến từng nhà có các bà mẹ đang cho con bú. Khi nói xin sữa cho cháu bé 1 tháng tuổi mới mất mẹ trong vụ án ở Đan Phượng thì ai cũng vui vẻ đồng ý. Có mẹ còn gửi cả quà cho cháu Đ.", chị Linh chia sẻ.

Theo chị Linh, vì cháu Đ. mới được hơn 1 tháng tuổi nên việc chọn lọc sữa cho con ăn để đảm bảo tiêu chí đủ chất, không ảnh hưởng đến đường tiêu hóa rất quan trọng. Số sữa mà chị cùng chị Liên mang đến đều là sữa của các bà mẹ đang cho con bú dưới 3 tháng tuổi, hoàn toàn phù hợp với cháu Đ.

Chị Quỳnh An cho bé Đ. bú trực tiếp dòng sữa trên người mình.

Chị Quỳnh An cho bé Đ. bú trực tiếp dòng sữa trên người mình.

Chị Quỳnh An, một bà mẹ “bỉm sữa” trẻ tuổi đã đến thăm và trực tiếp cho bé Đ. bú cho hay, bé rất háu ăn, có lẽ vì nhớ bầu sữa mẹ quá. Chị đã mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để di chuyển từ trung tâm nội thành Hà Nội để tìm đến nhà và thăm cháu Đ.

“Lúc tôi đến thì bé đang khóc ngặt nghẽo, bà không dỗ được. Nghĩ là con đói nên tôi đã vào dỗ, cho con bú sữa trong người mình. Tiếc là tôi không ở gần để ngày nào cũng sang cho con bú”, chị Quỳnh An chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hiên (bà nội bé Đ.) cho hay, từ hôm con dâu gặp nạn qua đời, bà chỉ cho bé Đ. uống sữa từ tủ cấp đông.

“Đói quá thì con bé phải uống sữa cấp đông chứ tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào. Từ khi mẹ cháu qua đời, cháu lúc nào cũng quấy khóc ngặt nghẽo dù tôi có bế, có dỗ dành", bà Hiên cho biết.

Bà Hiên luôn phải bế bé Đ. trên tay để dỗ dành cháu ăn.

Bà Hiên luôn phải bế bé Đ. trên tay để dỗ dành cháu ăn.

Nhìn chị Quỳnh An cho bé Đ. bú bà Hiên rưng rưng: “Chưa lần nào tôi thấy cháu ăn ngon như thế. Tôi gần 60 tuổi rồi, cũng từng chăm con nhưng cách chăm ngày ấy khác với bây giờ. Chưa biết tương lai thế nào, nhưng hai bà cháu cứ bồng bế nhau vượt qua lúc khó khăn này đã”.

Vụ thảm án đã qua đi được nhiều ngày, nhưng nỗi đau của những người ở lại thì vẫn còn mãi. Không còn hơi ấm, không còn được hưởng sự yêu thương của mẹ Bắc, thế nhưng bé Đ. vẫn còn bố và ông bà nội cùng biết bao dòng sữa mẹ từ các bà mẹ “bỉm sữa” ở khắp nơi trên địa bàn TP.Hà Nội.

Nạn nhân duy nhất thoát nạn trong vụ thảm án ở Đan Phượng đã tỉnh lại

Theo thông tin từ gia đình, nạn nhân may mắn thoát nạn trong vụ thảm án là chị Đỗ Thị Nhung (SN 1995, xã Hồng Hà, Đan Phượng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Anh thảm sát gia đình em trai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN