Giết nữ sinh giấu ở thùng xốp: Chuyên gia nói về sự vô cảm của 1 bộ phận giới trẻ

Những ngày gần đây, dư luận bàng hoàng vì vụ nữ sinh 15 tuổi bị bạn học giết tại một chung cư ở TPHCM, kẻ thủ ác chưa đầy 16 tuổi. Vì sao một đứa trẻ chưa kịp trưởng thành đã trở nên vô cảm và máu lạnh như vậy?

Giết nữ sinh giấu ở thùng xốp: Chuyên gia nói về sự vô cảm của 1 bộ phận giới trẻ - 1

Hình minh họa

Thiếu hụt trong giáo dục

Theo những thông tin ban đầu, nghi phạm là Nguyễn Phạm Quốc Bình. Sau khi đánh bạn chết, Bình trở về nhà mang theo chiếc điện thoại và 500.000 đồng của bạn. Ngày hôm sau, Bình mua hai thùng xốp và băng keo đến để giấu xác nhạn nhân vào đó tính mang đi phi tang. Trong quá trình di chuyển thùng xốp, hành vi lạ của Bình đã bị bảo vệ ở khu chung cư nghi ngờ và cậu ta đã bị bắt sau đó. Vụ việc đã khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, hoảng sợ vì kẻ thủ ác còn quá nhỏ tuổi nhưng hành vi phạm tội cũng như cách phi tang để che giấu rất lạnh lùng.

Vì sao một đứa trẻ được xem là bình thường, bỗng một ngày nổi hung tính giết người một cách tàn nhẫn và lạnh lùng như vậy?

Nhìn nhận về vụ việc này, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự vô cảm và tàn nhẫn đó là hậu quả trên phim ảnh, game online bạo lực và sự lệch lạc trong giáo dục, từ nhà trường, xã hội, gia đình.

Vẫn theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, ở vụ việc này, rất có thể hai đứa nhỏ đã có mâu thuẫn từ trước chứ không đơn thuần là vì cướp chiếc điện thoại như lời nghi phạm khai. “Tôi cảm nhận hành động vụt vào đầu bạn giống như giọt nước tràn ly, kiểu bùng lên, không kiềm chế được. Rất có thể không có kế hoạch giết người từ trước như nhiều người nghĩ”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nhận định.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, ở lứa tuổi này, mâu thuẫn thường chỉ bằng lời nói. Đây là lứa tuổi rất hay sĩ diện, dễ tự ái và có thể hành động theo bản năng.

Sự ảnh hưởng từ phim ảnh bởi cảnh giết người không ghê tay, các trò chơi online đã làm cho một bộ phận giới trẻ cho đó là hành vi bình thường. Vì vậy, khi gặp sự cố hung tính của họ nổi lên, chúng sẽ sử dụng việc bạo lực như một cách giải quyết mâu thuẫn và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tự do trong “khuôn khổ”

Nhận xét về mặt giáo dục, TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, những người làm về giáo dục không hiểu, không lường được những hệ quả. Đến khi những vụ việc này xảy ra mới bắt đầu lên án. Như vậy là không ổn.

Ngoài hệ thống giáo dục tại nhà trường thì giáo dục gia đình cũng chưa ổn, nó đã tạo nên những đứa trẻ vô cảm, lạnh lùng. Bởi tại một số gia đình, đứa trẻ được người lớn coi là nhân vật trung tâm. Mọi người lớn phải thỏa mãn nó, nếu không thỏa mãn thì nó chống đối, tấn công lại. Giáo dục gia đình theo cách đó sẽ làm cho cái tôi đứa trẻ phát triển lệch lạc. Đứa trẻ trở nên ích kỷ, nó nghiễm nhiên nghĩ mọi người phải vì nó chứ không phải nó làm vì mọi người.

Qua vụ việc trên đã rung lên tiếng chuông cảnh báo trong cách giáo dục lòng nhân ái trong gia đình. Nhân ái là cốt lõi của nhân cách. Nếu chúng ta không giáo dục được lòng nhân ái mình vì mọi người cho đứa trẻ thì nhân cách đứa trẻ sẽ bị rỗng, bị thủng. Nhiều gia đình uốn nắn con hàng ngày vô cùng thiếu hiểu biết. Quan điểm “mình nghèo rồi, giờ mình kha khá tí mình phải chiều con”. Chính quan điểm giáo dục này vô tình đã làm hại con. Đó là sai lầm mà nhiều gia đình hiện nay phạm phải.

Nhiều người chủ trương chiều con, cho con thoải mái để phát triển sự độc lập, để tạo nên cái tôi khác biệt mà họ cho rằng đó là theo cách giáo dục của phương Tây, cụ thể là Mỹ. Nhưng họ không hiểu rằng, tự do phải trong khuôn khổ. Nếu chúng ta không có khuôn khổ tốt, thì việc dạy con phát triển cái tôi sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi khi cái tôi con người không có ranh giới, không có khuôn khổ, chuẩn mực thì nó sẽ hành động theo bản năng, lấy mạnh thắng yếu, cá lớn nuốt cá bé. Bản năng đó đáng lẽ phải được giáo dục để kiềm chế thì lại được cổ súy phát triển. Đó là sự lệch lạc trong giáo dục trẻ em.

“Nhiều người chủ trương chiều con, cho con thoải mái để phát triển sự độc lập, tạo nên cái tôi khác biệt mà họ cho rằng đó là theo cách giáo dục của phương Tây, cụ thể là Mỹ. Nhưng họ không hiểu rằng, tự do phải trong khuôn khổ. Bởi khi cái tôi con người không có ranh giới, khuôn khổ, chuẩn mực thì nó sẽ hành động theo bản năng, lấy mạnh thắng yếu, cá lớn nuốt cá bé. Đó là sự lệch lạc trong giáo dục trẻ em”.

TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạc Vi (Gia đình & Xã hội)
Trọng án Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN