Giết người, ra toà giả điên
Phương thường xưng mình là "ông" như cách xưng hô của những người lên đồng. Không được đáp ứng yêu cầu là Phương la hét, chửi rủa cán bộ quản giáo.
Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Thị Kiều Phương (1977, thợ cắt tóc, trú tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ) sáng ngày 25.11 đã trở thành tâm điểm chú ý của người dân Quảng Nam. Bởi vụ án đã từng gây rúng động vùng quê yên tĩnh và một điều khá đặc biệt là bị cáo “bỗng dưng hóa điên” khiến phiên tòa sơ thẩm ngày 7.3 phải hoãn lại. Dù lần này bị cáo vẫn “điên” như lần trước nhưng phiên tòa vẫn diễn ra và kết thúc theo đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo Trương Thị Kiều Phương tại phiên tòa ngày 7.3.2013
Dù 9g HĐXX mới bắt đầu làm việc nhưng chưa đến 7g, TAND tỉnh Quảng Nam đã đông nghẹt người dự khán. Nhiều người còn hỏi nhau, không biết phiên tòa lần này có hoãn như phiên tòa ngày 7.3.2013, nếu bị cáo lại tiếp tục “điên”? Có lẽ, ngoài lý do muốn chứng kiến HĐXX tranh luận, định tội đối với hành vi tội ác của bị cáo, người dự khán còn nóng lòng tận mục sở thị cảnh “bị cáo điên” trước tòa ra sao.
Đòi nợ bằng… 14 nhát dao
Theo cáo trạng, từ việc thường xuyên đến nhà chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1973, Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xem bói mà Phương và chị Thanh thân thiết với nhau. Vì là “thầy” nên chị Thanh cho Phương số để đánh đề.
Khi Phương đánh đề thì chị Thanh cũng gửi Phương đánh luôn cho mình. Ngày qua ngày, Phương càng đánh càng thua. Cũng có nghĩa rằng, “thầy” Thanh cũng thua nốt. Phương đã nhiều lần đòi chị Thanh trả số tiền gồm 5,3 triệu đồng mà chị Thanh nhờ Phương đánh đề và 2 triệu đồng mà chị Thanh mượn Phương để sửa nhà nhưng chị Thanh vẫn chưa hoàn trả.
12g22 ngày 4.4.2012, Phương dùng điện thoại di động của mình liên lạc với chị Thanh và biết được chiều chị Thanh ở nhà. Đến 16g, Phương điều khiển xe máy Taurus màu đỏ đen, BKS: 92B1- 063.02 đến nhà chị Thanh để đòi nợ. Trên đường đi Phương suy nghĩ, nếu vào đòi mà chị Thanh không trả tiền thì sẽ hăm dọa giết chị Thanh. Thế là Phương đến chợ Hòa Hương mua một con dao của một người đàn ông bán dạo. 16g30, Phương vào đến nhà chị Thanh. Thấy Phương vào, chị Thanh nói: “Sao giờ này mới đến, xác nghỉ rồi” (nghĩa là không xem bói nữa).
Trương Thị Kiều Phương (áo khoác trắng) bị Công an Quảng Nam bắt giữ.
Sau khoảng 15 phút trò chuyện, chị Thanh vào phòng ngủ, nằm trên giường và gọi Phương vào mát-xa mặt cho mình. Trong lúc mát-xa, Phương đề cập đến số tiền mà chị Thanh đã nhờ Phương mua số đề. Chị Thanh nói chưa có điều kiện trả. Phương tiếp tục đòi thì chị Thanh cho rằng số tiền Phương đòi không có cơ sở.
Nghe thế, Phương liền lấy con dao vừa mua để sẵn dưới giường kề vào cổ chị Thanh đe dọa: “Nếu chị không trả tiền em đâm chị nè”. Chị Thanh bình thản: “Mi dám đâm không?”. Phương liền đâm một nhát vào cổ chị Thanh, chị Thanh la lên, Phương đâm tiếp một nhát vào cổ, chị Thanh vùng vẫy và rơi người xuống nền nhà. Phương tiếp tục dùng dao đâm vào người chị Thanh tổng cộng 14 nhát cho đến khi chị Thanh nằm lịm xuống nền.
Phương đi ra ngoài nhà tắm rửa chân, tay và khi vào lại phòng ngủ, thấy chị Thanh đã chết hẳn, Phương cúi xuống dỡ tấm nệm lên và bỏ con dao xuống dưới tấm nệm. Sau đó Phương quay qua cầm tay trái chị Thanh lên tháo lấy 2 nhẫn vàng 24K (4 chỉ) và 1 nhẫn vàng 18K (1 chỉ). Trên đường chạy đến thành phố Tam Kỳ, phát hiện quần áo dính máu, Phương ghé vào shop Thiên Lộc (KP.1, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) mua nhanh một chiếc áo thun, một chiếc quần jean và một chiếc áo khoác.
Sau khi thay quần, mặc áo khoác và ra xe để về thì Phương phát hiện vàng mình cướp được từ chị Thanh bị mất. Sau một hồi tìm kiếm không được, khoảng 18g Phương về đến nhà. Sau khi giết chết chị Thanh, Phương vẫn làm ăn và sinh sống bình thường tại nơi cư trú. Ngày 22.5.2012, Phương bị Cơ quan CSĐT Công an Quảng Nam tiến hành bắt khẩn cấp.
“Cáo già” khi gây án lại hóa điên trước tòa?
Trước, trong và sau khi gây án, Trương Thị Kiều Phương đã có sự tính toán để đối phó với cơ quan điều tra. Khác với mọi lần, hôm đó, khi vào đến nhà chị Thanh, Phương đã dựng xe máy đầu quay ngược ra phía ngoài đường để tránh bị người khác phát hiện số biển kiểm soát. Khi thấy nạn nhân đã tắt thở, Phương đã bình tĩnh vào nhà tắm để rửa vết máu dính trên người rồi xóa dấu vết hiện trường.
Bị cáo Trương Thị Kiều Phương tại phiên tòa ngày 25.11.2013
Phương còn tính nước đánh lạc hướng điều tra của cơ quan công an bằng cách lấy điện thoại chị Thanh đổi tên “Phương” trong danh bạ thành “chị Hoa”. Khi cơ quan Công an triệu tập, Phương đã tỏ ra khá bình tĩnh và trả lời rành rọt các câu hỏi của cán bộ điều tra. Không những thế, cô thợ cắt tóc còn cãi lý, đòi cơ quan công an đưa ra chứng cứ. Chỉ đến khi thượng tá Ngô Quốc Ánh, điều tra viên mô tả khá chi tiết việc Phương đi đến nhà chị Thanh, giết chị Thanh như thế nào và đặc biệt là kích cỡ bàn chân của Phương trùng khớp với vết chân tại hiện trường thì Phương mới đành thú nhận hành vi phạm tội của mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Bạch Đình Hòa (SN 1976) - chồng Phương - và những người hàng xóm cho biết Phương rất hiền lành, tốt bụng với hàng xóm, láng giềng. Ngày rằm, mồng một Phương thường ăn chay và đi lễ chùa. Từ sau khi xảy ra vụ án cho đến khi bị bắt, Phương vẫn sinh hoạt bình thường, tâm lý không có gì thay đổi. Là chồng, nhưng ông Hòa không phát hiện bất cứ biểu hiện âu lo, thảng thốt hay hoảng sợ nào ở Phương. Chính vì vậy, ngay sau khi Phương bị công an bắt, ông Hòa đã gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ xem xét lại. Bởi chính ông Hòa không tin rằng vợ mình lại “có gan” đâm 14 nhát dao vào nữ thầy bói.
Khác với trước khi bị bắt, từ khi được cơ quan công an tống đạt kết luận điều tra, Trương Thị Kiều Phương bỗng dưng… hóa điên. Một cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an tỉnh cho biết Phương thường “lên cơn” la hét, đập phá gây mất trật tự trong trại. Còn lúc “tỉnh” thì Phương lại dùng thủ đoạn mê tín dị đoan như múc nước và ém bùa vào đó để gây ảnh hưởng với các phạm nhân khác.
Phương thường xưng mình là "ông" như cách xưng hô của những người lên đồng. Ngay cả với cán bộ quản giáo, Phương cũng thường nói, “mở cửa ra cho "ông" đi dạo”. Không được đáp ứng yêu cầu là Phương la hét, chửi rủa cán bộ quản giáo và trả thù bằng cách… ém bùa cho cán bộ bệnh tật.
Đông người dân đến xem khi Công an Quảng Nam tổ chức thực nghiệm điều tra.
Qua những lần phúc cung, nhận thấy Trương Thị Kiều Phương có những hành động không bình thường, không chịu hợp tác nên ngày 19.9.2012, Viện KSND tỉnh Quảng Nam đã quyết định đưa bị can Phương đi giám định pháp y tâm thần. Kết quả giám định của Cơ quan Pháp y tâm thần Đà Nẵng xác định, bị can bị rối loạn phân ly. Do đó, Viện KSND tỉnh Quảng Nam đã quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Trương Thị Kiều Phương.
Sau thời gian điều trị tích cực, ngày 4.12.2012, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thông báo bị can Phương đã ổn định về mặt tâm thần và hành vi nên Viện KSND tỉnh quyết định chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh Quảng Nam để đưa vụ án ra xét xử.
Tại phiên tòa ngày 7.3.2013, mặc cho HĐXX đọc cáo trạng hay hỏi, Phương vẫn nhất mực không nghe, không nói, không khai báo. Thậm chí Phương còn tiểu tiện cả trong quần. Do vậy, HĐXX đã tạm dừng việc xét xử và quyết định hoãn phiên tòa để đưa bị cáo đi chữa bệnh bắt buộc.
Sau gần 8 tháng điều trị, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thông báo bị can Trương Thị Kiều Phương đã ổn định về mặt tâm thần và hành vi. Viện KSND Quảng Nam quyết định tiếp tục tiến hành tố tụng. Và lần này cũng giống như lần trước, bị cáo Phương vẫn không nói, không khai. Trước vành móng ngựa, bị cáo khua tay, múa chân, nói cười ngô nghê như đứa trẻ nên HĐXX cho phép bị cáo được ngồi. Sau đó, bị cáo im lặng đến khi kết thúc phiên tòa.
HĐXX đã tuyên án chung thân về tội “Giết người” và tuyên phạt 5 năm tù về tội “Cướp tài sản” đối với bị cáo Trương Thị Kiều Phương, tổng hình phạt bị cáo Phương phải nhận là chung thân. Ngoài ra, gia đình bị cáo Phương phải bồi thường hơn 120 triệu tổn thất tinh thần và mai táng phí, 45 triệu cho con chị Thanh trong 3 năm đến lúc đủ 18 tuổi.
Rời hội trường xử án, bị cáo lên xe đặc chủng của cơ quan công an để về trại giam. Khi vào trong xe, không còn đứng trước HĐXX, không còn đứng trước người dự khán, nước mắt bị cáo chảy. Về đến trại, bị cáo xin một tờ giấy và cây bút. Cuối cùng, bị cáo cũng đã nói, nói không bằng lời mà bằng chữ viết, rằng, bị cáo ân hận bởi hành vi tội lỗi của mình. Rồi bị cáo khóc.