Giết 3 người: Chỉ án... treo cho kẻ cầm đầu
Nghe toà tuyên một mức án quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội bị cáo Đỗ Văn Cường và đồng bọn, bà Nguyễn Thị Ái (81 tuổi), ngẩng mặt lên trời nức nở: “Ai đã giết con tôi”. Tiếng kêu ai oán của người vợ liệt lỹ mất con khiến những người dự toà không khỏi chạnh lòng.
Tại phiên xét xử, nhiều nhân chứng khai nhận đã chứng kiến Cường cầm kiếm chém các nạn nhân khiến họ hoảng sợ nhảy xuống sông chết đuối. Nhân chứng Lê Văn Minh (SN 1943, trú tại thôn 1, xã Thiệu Thịnh) khẳng định hôm vụ án xảy ra, ông và khoảng 20 người dân địa phương có trèo thuyền ra xua đuổi nhóm khai thác cát trái phép.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến không cân sức này, ông Minh và những người dân vô tội đã bị chúng đánh trọng thương: “Trong sự hỗn loạn, tôi vẫn kịp nhìn thấy một thanh niên mặc áo da đen (sau này tôi biết đó là Cường) lao đến đánh anh Quyền. Có lẽ, do bị choáng nên anh Quyền bị ngã xuống sông, khi anh ấy bám vào mạn thuyền leo lên thì bị Cường đạp mạnh vào tay khiến Quyền buông tay ra.
Sau khi đánh ngã anh Quyền, Cường cầm theo kiếm lao về phía tôi chém 4 nhát sượt qua tay trái. Do tôi đang cầm mái chèo đỡ nên Cường cũng không dám manh động ập vào phái tôi. Tuy nhiên, cùng lúc này một tên đồng bọn của Cường đứng gần đấy cầm cây gậy phi thẳng vào mắt tôi. Do máu chảy nhiều, choáng váng nên tôi gục xuống, ít phút sau Công an đến và đưa tôi chiếc khăn bịt vết thương rồi nhanh chóng đưa đến trung tâm y tế cấp cứu”.
Lời khai của ông Minh cũng được nhân chứng Lê Thế Đô (83 tuổi, xã Thiệu Thịnh) xác nhận. Ông Đô nhớ lại: “Tôi thấy một thanh niên (sau này ông Đô mới biết đó là Cường) cầm kiếm chém anh Quyền ngã xuống sông. Khi anh Quyền chới với và bám vào mạn thuyền thì bị Cường đạp mạnh vào tay khiến Quyền bỏ tay và chìm xuống dòng sông”.
Các bị cáo tại phiên toà
Phát biểu quan điểm tại toà, luật sư Phạm Thành Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, từ những lời khai có trong hồ sơ cũng như lời khai của các nhân chứng đủ căn cứ khẳng định Cường và đồng bọn phạm tội giết người. Luật sư Long cho biết: “Trong vụ án này, 3 người chết là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang, bất bình trong người dân xã Thiệu Thịnh nói riêng và người dân cả nước nói chung thế nhưng cơ quan điều tra chỉ đưa ra kết luận là không chứng minh được cụ thể hành vi gây thương tích của các bị can và đóng hồ sơ vụ án với tội danh chung chung là “Gây rối trật tự công cộng”.
Trong vụ án này, vì “không chứng minh được” hành vi tội phạm nên cơ quan điều tra thay đổi tội danh và để mặc 3 người chết và thân nhân trong gia đình họ với nỗi oan khuất không biết kêu ai. Đây là việc làm thiếu trách nhiệm bởi nhiệm vụ của vơ quan điều tra là điều tra, thu thập chứng cứ đưa những kẻ phạm tội ra anh sáng”.
Từ những lập luận của mình, luật sư Long đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ, yêu cầu VKSND cùng cấp điều tra theo hướng Đỗ Văn Cường và đồng bọn phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng là “Giết nhiều người”.
Tuy nhiên, bất chấp những mâu thuẫn không được làm sáng tỏ, HĐXX phiên sơ thẩm vẫn tuyên án. Theo đó, Đỗ Văn Cường, Dương Văn Hà cùng 9 tháng tù treo; Ngô Văn Mai 6 tháng tù treo; Phạm Văn Bảo 9 tháng tù giam; Nguyễn Văn Công; Phạm Văn Minh; Trần Văn Lợi đều 7 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Bà Ái tại phiên toà ngày 27/3
Nghe phán quyết của toà, bà Nguyễn Thị Ái (vợ liệt sỹ Lê Xuân Sỹ) ôm mặt nức nở khóc. Bà Ái nghẹn ngào: “Quyền là con trai duy nhất của tôi với liệt sỹ Lê Xuân Sỹ, khi con trai tôi được hơn 2 tuổi thì bố hy sinh. Chính vì vậy, tuổi thơ của con tôi rất nhiều thiệt thòi, không được biết mặt bố. Thương con lắm, Quyền ơi. Ai là kẻ đã giết con”.
Tiếng kêu ai oán của người vợ liệt sỹ mất con khiến nhiều người có mặt tại phiên toà đã không cầm được nước mắt.