Giật mình với chiêu "thả thính" lừa tiền phụ nữ của trai Tây
Sở dĩ phụ nữ dễ mắc bẫy trai ngoại vì họ sẵn sàng bỏ nghìn đô ra tán tỉnh yêu đương. Bằng chiêu thức ấy, nhiều người đã bị lừa "trắng mắt", vừa mất tiền vừa mất danh dự.
Quen một ngày đã xưng…"vợ chồng"
Sau khi tìm hiểu đối tượng là phụ nữ luống tuổi, muốn tìm bạn để trút bầu tâm sự, một người đàn ông tự giới thiệu là Mohamat Ali liền kết bạn Facebook với bà Lê Thanh C. (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Bà C. vừa đồng ý làm bạn, ngay lập tức Ali nhắn tin dồn dập, luôn gọi bà C. là "tình yêu của tôi" và "vợ yêu".
Bà C. sống độc thân lâu ngày, tự nhiên có một gã trai ngoại quốc tỏ tình yêu chiều, rót những lời có cánh nghe rất mát dạ. Ngoài nhắn tin, Mohamat còn gọi điện thoại qua messenger nói chuyện tiếng Anh.
Bà C. thì một câu ngoại ngữ cắn đôi cũng không biết nên bên kia "sì lá sì lố" gì đó mặc kệ, bên này bà C. cứ nói tiếng Việt. Mỗi cuộc trao đổi diễn ra chừng 2 phút sau khi cả hai không... hiểu gì. Sau đó, bà C. lại nhắn tin, bên kia nhắn lại bằng bản dịch tiếng Việt tự động. Tuy cú pháp lộn xộn nhưng bà C. vẫn hiểu được ngữ nghĩa.
Mohamat giới thiệu đang là một doanh nhân sống tại Mỹ, thường xuyên về Việt Nam công tác. Mới làm quen được một ngày, anh chàng nói nhớ thương bà C., hẹn qua tháng sẽ về Việt Nam thăm bà C. Bà C. tưởng thật, sồn sồn mong ngóng từng ngày. Bà còn thuê cả phiên dịch tiếng Anh để dịch các đoạn hội thoại giữa hai người. Ngắm thấy "con mồi" đã dính bẫy, Mohamet bắt đầu hành động.
Anh ta gửi cho bà C. một đoạn clip quay cảnh bỏ từng sấp đô la vào một chiếc thùng. Gửi kèm theo cả hóa đơn chuyển tiền qua đường hàng không. Anh ta nhắn với bà C. rằng, đây là toàn bộ số tiền của anh ta có được sẽ gửi về cho bà C. giữ hộ vì anh ta xác định sẽ sang Việt Nam sinh sống và kết giao với người đàn bà này.
Một phiên tòa xử đối tượng người nước ngoài lừa đảo phụ nữ Việt Nam qua hình thức nhận quà.
Để củng cố thêm lòng tin của bà C., anh ta nói rõ là số tiền đó bà C. được toàn quyền sử dụng, lấy ra 500 ngàn USD để mua một căn nhà mới to rộng hơn căn nhà cũ bà C. đang ở.
Bà C. đứng ngồi không yên, gọi cho bạn bè thông báo tin vui. Nhiều người cảnh giác khuyên bà không nên tin vào mấy trò lừa đảo đó, làm gì có ai tốt mà tự nhiên cho mình tiền. Bà C. trấn an: "Đây là bạn đã quen biết từ lâu. Vả lại anh ta thích tôi, đã theo dõi tôi từ lâu, biết được hoàn cảnh của tôi nên thương. Người ta giàu có cho mình tiền thì tội gì không lấy".
Hai ngày sau đó, một số điện thoại di động dùng sim rác ở Việt Nam gọi cho bà C. tới bộ phận chuyển phát nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất để nhận bưu kiện. Họ thông báo bà C. phải nộp 1.000 USD thì mới lấy được kiện hàng.
Bà C. thắc mắc tại sao là bưu kiện mà không phải tiền? Người gọi điện giải thích, muốn biết trong đó là tiền hay là gì thì phải hỏi lại người gửi. 1.000 USD là thuế phí vận chuyển được tính theo giá trị hàng hóa. Trong vòng 24h, nếu bà C. không tới nhận thì đơn hàng sẽ bị hủy.
Bà C. vô cùng hoang mang, nghĩ đến số tiền quá lớn người bạn Facebook gửi cho mình, cảm giác tiếc nuối nhưng bà lại không có 1.000 USD để nộp phí. Bà liên lạc với Mohamet thông báo sự việc. Anh này lúc đầu nói bà chờ trong ít phút để anh ta liên hệ với đại lý. Anh ta tỏ ra rất ngạc nhiên vì đại lý thu tiền của bà C.
Mười phút sau, anh ta nhắn tin nói bà C. nên kiếm tiền nộp vào đó, vì đây là quy định bắt buộc của nước sở tại. Bà C. nói mình không có tiền, đề nghị Mohamet chuyển 1.000 USD qua số tài khoản của bà để thanh toán.
Anh này bắt đầu đưa ra lý do đang ở vùng chiến sự, các ngân hàng đóng cửa hết không thể giao dịch được. Bà C. bất ngờ, hỏi ở Mỹ thì làm gì có vùng chiến tranh nào? Mohamet lại nói, do đang trong thời loạn, đây là toàn bộ số tiền anh ta có được nên bây giờ không còn một xu nào để gửi cho bà C. nữa.
"Người yêu của tôi, hãy đi mượn bạn bè số tiền đó để lấy một số tiền thật lớn. Nói với người bạn là ngày mai sẽ trả lại ngay...". Đó là nội dung dòng tin mà Mohamet đã nhắn khuyên bà C. đi vay mượn tiền.
Những tin nhắn liên tục được Mohamet chuyển tới bà C., khi bà chưa kịp trả lời thì anh ta gọi tới tấp. Bà C. nửa muốn đi lấy số tiền nặng 8,5kg kia, nửa tiếc vì phải bỏ ra 1.000 USD trả phí nên cứ lần khất mãi.
Qua một ngày, bà C. quyết định không lấy kiện hàng thì anh chàng kia tỏ ra bực tức, liên tục hỏi tại sao? Không kể tin nhắn, chỉ riêng điện thoại bà C. nhận được khoảng gần 100 cuộc chỉ trong vài tiếng buổi trưa.
Bà C. cảm thấy bất an liền tìm đến công an để được tư vấn. Công an cho bà biết, đây là trò lừa đảo, không ai gửi tiền cho bà cả. Nếu bà chuyển 1.000 USD vào tài khoản thì lập tức anh kia sẽ không liên lạc với bà nữa. Vả lại, có thể đường dây lừa đảo này đang hoạt động ở đâu đó trong Việt Nam hoặc Thái Lan chứ không phải tận bên Mỹ xa nửa vòng trái đất.
Tại sao đại lý giao hàng không gọi bằng số điện thoại bàn mà lại gọi bằng số di động sim rác, và tại sao chỉ có họ mới liên lạc được với bà, trong khi bà gọi lại thì không được? Đó là những câu hỏi công an đặt ra cho bà C., phân tích cho bà hiểu chiêu lừa đảo tinh vi này, giúp bà tránh chuyện tiền mất tật mang.
Gửi vali tiền làm “quà tình yêu”
Không may mắn như bà C., bà Lê Thu T. (45 tuổi, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã rơi vào bi kịch "dại trai", mất tiền trong nỗi căm phẫn. Bà T. chơi chung với một nhóm bạn, cuồi tuần thường rủ nhau ra bờ sông Sài Gòn uống cà phê đàn ca sáo nhị. Một lần, cô bạn trong nhóm dẫn theo một người đàn ông Mỹ tên là Josh Jep (50 tuổi) tham gia chơi.
Sau buổi gặp gỡ vui vẻ, mọi người lấy nick chát kết bạn với Jep qua Facebook. Sau đó, Josh Jep trở về quê nhà và thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, tâm sự với vài chị em. Trong đó, Jep đặc biệt quan tâm đến chị T., có lẽ do biết hoàn cảnh của người phụ nữ này đang đơn độc, cần tìm một bờ vai. Chị T. chia sẻ với Jep là muốn lấy đàn ông nước ngoài, nếu được thì sang đó định cư luôn.
Ở Việt Nam chị có hai căn nhà, bán đi được vài chục tỷ, nếu cho thuê cũng kiếm được vài chục triệu/tháng tha hồ ăn tiêu. Một ngày đẹp trời, Jep tỏ tình với chị T., nói là thương chị, muốn gắn kết cuộc đời với nhau. Jep tự giới thiệu là đã từng có vợ và hai đứa con nhưng đã chia tay lâu rồi.
Quá cảm động với tấm chân tình của Jep, chị T. hoàn toàn đặt trái tim mình vào bàn tay của anh ta. Kịch bản bắt đầu, Jep nói sẽ gửi tiền về cho chị T. cất giữ, vì trước sau gì hai người cũng là của nhau. Chị T. bị "đốn gục" hoàn toàn, hạnh phúc không nói nên lời. Một đơn hàng được chuyển qua đường hàng không, Jep chụp hóa đơn gửi cho chị T. làm bằng chứng cho cuộc chuyển tiền.
U mê trên tình yêu, chị T. hoàn toàn không nhận ra một nghịch lý là tại sao chuyển tiền lại phải đóng va li gửi theo đường hàng hóa? Chị mang việc này tâm sự với cô bạn ngày trước dắt Jep đi giới thiệu thì được cô này hùa vào: "Anh ta thương bà thật lòng, muốn tính chuyện trăm năm thì mới cho bà tiền".
Lời động viên của cô bạn như tiếp thêm sức mạnh cho niềm tin trong chị T. vững vàng hơn. Hai ngày sau, một cuộc điện thoại gọi tới số máy của chị T. giới thiệu là nhân viên chuyển phát nhanh. Họ thông báo chị T. có một kiện hàng nặng 5kg và yêu cầu chị ra sân bay nhận hàng. Trước khi đi, chị T. phải mang theo 1.200 USD trả phí hóa đơn vận chuyển. Nếu chị không muốn đi lại vất vả thì sẽ có bộ phận giao hàng tới tận nhà.
Chị T. không mảy may suy nghĩ, chuẩn bị sẵn tiền để nhận hàng. Vài tiếng sau, nhân viên chở vali tới cho chị T. và đưa cho chị một hóa đơn đóng phí. Chị T. phải chuyển tiền vào số tài khoản trong hóa đơn xong thì mới nhận được hàng. Chị T. thực hiện thanh toán qua Internet banking trước sự chứng kiến của nhân viên giao hàng. Sau khi tổng đài báo đã giao dịch thành công, chị T. ký vào hóa đơn và nhận vali.
Hóa đơn nhận hàng được đối tượng chuyển cho "con mồi" làm tin.
Nhân viên giao hàng nhanh chóng rời đi. Chị T. ôm chiếc vali tiền, lòng hồi hộp xen lẫn sướng vui. Chị cẩn thận mở từng lớp vỏ bọc ra, rồi vô cùng choáng váng khi trong thùng chỉ toàn là giấy vụn được nêm thật chặt.
Chị nhắn tin cho Jep, không thấy anh ta online nữa. Chị gọi điện thì không thể liên lạc được qua webchat. Quá hụt hẫng, chị gọi cho người bạn gái kia nhưng nhận được câu trả lời đắng ngắt: "Chuyện của bà với anh Jep tôi không biết, không liên quan".
Chị T. đau khổ, thất vọng, cố chờ đợi thêm hai ngày nữa xem nick chát của Jep sáng đèn. Chị gửi hàng chục tin nhắn, gọi hàng chục cuộc nhưng không thể liên lạc được. Số tiền bị mất, với chị T. là không nhiều, chị hoàn toàn chấp nhận. Nhưng sự phản bội lời hứa, lấy tình yêu để lừa gạt thì chị không bao giờ tha thứ.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T. nói vẫn còn yêu và nhớ Josh Jep rất nhiều. Niềm tin ấy chỉ thật sự vỡ vụn khi chị T. gặp cô bạn khác trong nhóm, cũng đang buồn khổ vì bị Jep lừa mất hơn 1.000 USD bằng chiêu thức y chang với chị T. Hóa ra, gã ngoại quốc này đã sử dụng biện pháp "phân tán, chẻ nhỏ" con mồi để thực hiện hành vi thành công. Đến lúc này, chị T., chị H. mới tìm đến cơ quan Công an trình báo.
Chiêu thức lừa đảo thông qua hình thức gửi quà này đã xuất hiện từ năm 2018, nhiều nạn nhân đã sập bẫy trong cay đắng, tủi nhục. Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra và bắt được một số đối tượng lừa đảo người nước ngoài.
Một phụ nữ vì ham kết hôn với một người mang quốc tịch Anh nên rơi vào kịch bản lừa đảo của băng nhóm xuyên...