Cuộc giao kèo giữa cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực 389 quốc gia và ông trùm buôn lậu
Ông Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) bị cáo buộc nhận hàng trăm nghìn USD và hơn 6,2 tỷ đồng để “tạo điều kiện” cho Phan Thanh Hữu buôn xăng nhập lậu.
Giao kèo tại khách sạn REX
Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn thành cáo trạng, truy tố 14 bị can trong vụ án "Buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và "không tố giác tội phạm" liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển.
Các bị cáo nêu trên có liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do bị can Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.
Đáng chú ý, cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc ông Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) có hành vi "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", quy định tại các Điều 349, 354 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng cho rằng, từ tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời đã nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ. Lúc này, Nguyễn Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng. Tổng số tiền từ tháng 10/2019 - 2/2020, Hữu chi cho Thế Anh tổng cộng 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh.
Đầu năm 2020, Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên Hữu hẹn gặp Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX (ở đường Nguyễn Huệ, Quận 1) tiếp tục “nhờ vả”.
Tại cuộc gặp, Nguyễn Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền hàng tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng. Phan Thanh Hữu chấp nhận chi hối lộ cho Nguyễn Thế Anh từ tháng 3/2020 - 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2020, Hữu biết Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 - 1/2021, mỗi tháng ông ta chỉ chi cho Nguyễn Thế Anh số tiền 10.000 USD.
Cơ quan truy tố kết luận, tổng số tiền Phan Thanh Hữu đã chi để hối lộ cho Nguyễn Thế Anh trong thời gian từ tháng 10/2019 - 1/2021 là 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng.
Cuộc đào tẩu của người "ship" tiền hối lộ
Kết quả điều tra của cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Thế Anh không trực tiếp nhận tiền từ Hữu, mà giao cho Nguyễn Văn An (SN 1989, là em họ) đi nhận. Theo chỉ đạo, cứ ngày 15 hàng tháng, An chủ động điện thoại cho Hữu và trực tiếp đến nơi ở của Hữu nhận tiền đem về.
Ngoài ra, An còn nhờ Cao Phước Hoài (SN 1996, nhân viên bán hàng tại cây xăng do An quản lý) và Nguyễn Văn Quân (SN 2002, quê Thanh Hóa) đi nhận hộ. Khi nhờ, An chỉ nói cho Hoài và Quân biết là đi nhận tiền giúp, không nói nhận tiền gì, nhận cho ai.
Bị can Phan Thanh Hữu.
Vẫn theo cáo trạng, sau khi Phan Thanh Hữu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra vào tháng 3/2021, Nguyễn Thế Anh gọi điện thoại cho Nguyễn Văn An tìm cách đi “lánh nạn” một thời gian,
Cuối tháng 3/2021, Nguyễn Thế Anh nhờ bạn là Tạ Phi Sơn (SN 1974, cư trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) gọi điện cho Đặng Huy Bình (SN 1973, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tìm việc giúp An.
Đầu tháng 4/2021, An tới Lao Bảo rồi bắt xe ôm ra khu đường rừng, thuê người dẫn đường (hết 10 triệu đồng) để vượt biên trái phép sang Lào làm việc tại lán trại của Bình ở tỉnh Savannakhet. Hơn một tháng sau, An bị Công an Lào bắt giữ, bàn giao cho Công an Việt Nam.
Đối với Cao Phước Hoài, Viện kiểm sát cho rằng khoảng tháng 2/2021, sau khi nghe thông tin về việc Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ đường dây buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu và nghe Nguyễn Thị My (vợ An) nói An đi trốn một thời gian vì đã nhận tiền hộ từ những người buôn lậu cho Nguyễn Thế Anh thì Hoài nhận thức được số tiền Hữu phải chi cho Nguyễn Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An là tiền hối lộ. Vì Nguyễn Thị My là em họ của Hoài, đồng thời, Hoài cũng 2 lần nhận tiền giúp An từ Hữu nên Hoài không tố giác hành vi của Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Văn An. Do đó, Hoài bị truy tố hành vi "Không tố giác tội phạm" theo Điều 390 Bộ luật Hình sự.
14 bị cáo trong vụ án, gồm: Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển) bị truy tố về tội "Buôn lậu", quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự; bị can Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", quy định tại các Điều 349, 354 Bộ luật Hình sự;
Các bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4); Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3); Lưu Thế Đức (cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển); Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); Lê Văn Phương (cựu thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) và nhóm thuộc các đơn vị dân sự là Sơn Hoàng Ngự, Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự;
Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (SN 1996, quê Bình Định, là lao động tự do) bị truy tố hành vi "Không tố giác tội phạm" theo Điều 390 Bộ luật Hình sự.
Trước cám dỗ của đồng tiền, một số sĩ quan cao cấp của lực lượng Cảnh sát Biển, trong đó có hai vị tướng đã nhận hối lộ, bảo kê cho chủ doanh nghiệp nhập lậu hơn...
Nguồn: [Link nguồn]