Gian dối chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân
Bạn đọc hỏi: Xin hỏi luật sư, người lợi dụng sự nổi tiếng của mình để kêu gọi đóng góp từ thiện và sau đó gian dối, chiếm đoạt một phần số tiền kêu gọi được có vi phạm pháp luật không? Hành vi đó bị xử lý như thế nào? Nguyễn Thị Thái (Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:
Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng luật sư Đặng Sơn và cộng sự. Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Trong xã hội hiện nay dù ở đâu cũng luôn tồn tại những trường hợp khó khăn, nghèo khó, cơ nhỡ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chia sẻ khó khăn của những nhà hảo tâm, một số đối tượng đã lợi dụng lập nhiều trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm, trong đó có cả những người nổi tiếng. Họ đã lợi dụng sự nổi tiếng của mình để kêu gọi đóng góp từ thiện và sau đó gian dối, chiếm đoạt một phần số tiền kêu gọi được.
Việc kêu gọi từ thiện có thể thực hiện với nhiều cách thức, hình thức khác nhau. Những người có tấm lòng từ thiện vì tin tưởng trước những thông tin do người kêu gọi đưa ra rồi chuyển tiền, tài sản trực tiếp cho họ hoặc có những trường hợp lập thành văn bản thoả thuận thực hiện các công việc liên quan đến công tác từ thiện mà người có tài sản yêu cầu. Trường hợp người nổi tiếng kêu gọi đóng góp từ thiện và sau đó có các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt một phần số tiền kêu gọi được thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi, động cơ mục đích và sự thỏa thuận với người mà mình đại diện làm từ thiện có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 - Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, Điều 174 quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Theo đó, người nổi tiếng có hành vi gian dối trong việc kêu gọi từ thiện và chiếm đoạt tiền, tài sản trong số tài sản, tiền huy động được thì sẽ bị xử lý về tội danh này. Và tùy theo tính chất, mức độ cũng như hậu quả của hành vi sẽ phải chịu hình phạt tương xứng với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Hoạt động từ thiện cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật (Ảnh minh họa)
Tương tự, Điều 175 cũng quy định: “Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Các hành vi đó là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Mức hình phạt cao nhất của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là 20 năm tù.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi mạo danh người nổi tiếng kêu gọi từ thiện để trục lợi cá nhân có thể...
Nguồn: [Link nguồn]