Giải mã hiện tượng "thất tình gây án"

Sự kiện: Tin pháp luật

Hầu như tuần nào chúng ta cũng đọc được vài tin tức về các vụ án liên quan đến tình cảm. Khi chia tay hoặc bị từ chối tình cảm, nhiều người sẵn sàng hủy hoại bản thân và ra tay với người mình đã từng yêu.

Vụ án mạng gây xôn xao dư luận mới đây, sau khi giết chết nữ sinh viên Q. (quê Đồng Nai) vì mâu thuẫn tình cảm, bị công an truy tìm, nghi phạm tên Phạm Quang T. cũng đã tự tử. Nỗi đau của hai gia đình đến từ các lý do khác nhau nhưng nỗi đau nào cũng giống nhau.

Một độc giả của Pháp Luật TP.HCM chua xót bình luận: “Cha mẹ làm cực khổ sinh thành, nuôi nấng, cho con ăn học vậy mà vướng vào yêu đương để có những kết cục như vậy. Đó có gọi là hiếu thảo không?”.

Phải bỏ trốn để bảo toàn tính mạng

Chia sẻ câu chuyện của mình trong một nhóm kín, chị H. (quê Nam Định) cho biết cũng suýt là nạn nhân của một vụ án mạng nếu không bỏ trốn. Khi nhận ra người yêu có tính cuồng ghen, bạo lực và luôn muốn kiểm soát mình, chị đã nói lời chia tay. Anh này tuyên bố nếu bị chia tay sẽ giết chị rồi tự tử. Sợ bạn trai nói là làm, chị đã bỏ trốn vào TP.HCM, nhiều năm không dám về quê. Bất ngờ là có rất nhiều thành viên chia sẻ với chị H. vì cũng gặp cảnh người yêu cuồng ghen như vậy.

Nhưng không phải ai cũng nhận ra nguy hiểm để phòng ngừa. Đầu năm 2019, Công an TP Lạng Sơn đã khởi tố Nguyễn Văn Cường (29 tuổi, ngụ địa phương) để làm rõ hành vi giết người. Cường yêu một nữ sinh chỉ mới 16 tuổi, sau đó cô gái này đã chủ động chia tay. Nhắn tin níu kéo không được, Cường đã cột một quả lựu đạn vào cửa nhà cô gái. Rất may khi mở cửa đi học, dây cột quả lựu đạn bị tuột xuống nên không gây nổ.

Cuối năm 2018, một sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên tên Triệu Thế Vũ cũng đã giết một nữ sinh viên vì cô bày tỏ đã yêu người khác. Cô sinh viên đã không lường trước được sự từ chối tình cảm đã khiến cô mất mạng. Vũ sau đó đã lãnh án chung thân.

Nhiều bạn trẻ hiện nay chạy theo quan điểm “yêu cuồng, sống vội”, thiếu suy xét hậu quả. (Ảnh minh họa)

Nhiều bạn trẻ hiện nay chạy theo quan điểm “yêu cuồng, sống vội”, thiếu suy xét hậu quả. (Ảnh minh họa)

Hậu quả của tâm lý “yêu cuồng, sống vội”

ThS tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Tâm lý bị sốc sau khi bị chia tay, sau khi bị từ chối tình cảm và người trong cuộc không kiểm soát tốt cảm xúc của mình gây ra nhiều hậu quả không phải là chuyện hiếm hay mới mẻ. Ở xã hội chúng ta, thời nào cũng có những vụ án tình. Trước đây đã vậy, bây giờ và tương lai nó vẫn tiếp tục diễn ra, nếu khác có thể chỉ khác về mức độ gây, cách thức và tần suất xuất hiện những vụ việc như thế.

Khi con trẻ gặp những cú sốc về tình cảm, hãy cung cấp những “liều thuốc an thần” từ những sự quan tâm, động viên, an ủi của người thân, thầy cô, sự trợ giúp từ các nhà tâm lý.

ThS tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 

Nói các bạn trẻ thiếu kỹ năng sống thì cũng đúng nhưng chưa đủ. Tôi quan sát thấy rất nhiều bạn trẻ hiện nay chạy theo quan điểm “yêu cuồng, sống vội”, thiếu suy xét hậu quả, cộng với năng lực tự giáo dục, khả năng tự nhận thức còn hạn chế… Nói tóm lại, các bạn đang thiếu rất nhiều thứ nên khi gặp một cú sốc lớn, có thể họ không vượt qua được và gây ra nhiều hậu quả”.

Theo ThS Lê Minh Huân, các bạn trẻ cần phải trau dồi kỹ năng sống và thái độ sống tích cực và cao thượng. Người có thái độ sống tích cực sẽ dễ tìm được sự cân bằng, ít có tâm lý trả thù người khác, từ đó giảm thiểu những hậu quả có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, người chia tay cũng cần phải có kỹ năng. Đó là chia tay làm sao ít gây tổn thương nhất cho đối phương, đồng thời bình tĩnh, sáng suốt để nhận ra mình có bị nguy hiểm hay không. Nếu nhận thấy đối phương bị kích động, phải tránh mọi lời nói, hành động có khả năng đổ dầu vào lửa, hãy đợi khi cả hai cùng bình tâm lại và tìm thêm sự trợ giúp của người khác nếu cần.

ThS Lê Minh Huân nói: “Nếu bị tấn công, cần ứng dụng ngay kỹ năng thoát hiểm càng nhanh càng tốt hoặc hãy tỏ ra hợp tác với đối phương, chờ thời điểm thích hợp để ứng phó. Việc biết cách tri hô, kêu cứu và thoát hiểm bằng những chiêu thức đơn giản cũng là chuyện sống còn, do đó hãy học ngay khi có thể”.

Dạy kỹ năng ứng phó khủng hoảng tình cảm

Một mình các bạn trẻ khi ứng phó với khủng hoảng tình cảm đương nhiên không phải chuyện dễ dàng, các bạn cần nhiều sự hỗ trợ từ người lớn, cả khi cần và chưa cần. Gia đình, nhà trường cần dạy cho trẻ những kỹ năng, kiến thức về giới tính, tình cảm, cách thức giải quyết mâu thuẫn càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, người lớn hãy dạy cho con trẻ thái độ sống tích cực, nói không với bạo lực, chấp nhận các thất bại như đó là một phần của cuộc sống.

Nhiều quan điểm cho rằng dạy về tình yêu, tình dục khi trẻ còn nhỏ là sớm và không cần thiết nhưng chúng ta quên rằng đó là những viên gạch nền tảng để chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kỹ năng một cách vững vàng để đứa trẻ đó lớn lên có trách nhiệm với bản thân và người khác. 

Nữ sinh 19 tuổi bị sát hại trong phòng trọ: Bi kịch từ mối tình đơn phương vô vọng?

Khi cánh cửa nhà trọ được mở để đưa thi thể nữ sinh U. đến nhà xác, bố cô lao theo chiếc băng ka màu trắng gào khóc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG MINH ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN