Giải mã cuộc thanh trừng đẫm máu của "đại bàng" xứ Lạng
Lạng Sơn không có chuyện cầm súng đi cướp bóc nữa nhưng vẫn còn đó những sự tranh chiếm lãnh phận làm ăn giữa các băng nhóm xảy ra bí mật và không phải ai cũng biết đến điều này.
Là một tỉnh giáp biên, có cửa khẩu quốc tế nơi mà người dân tứ xứ đổ về với muôn hình vạn trạng công việc khách nhau, khu Tân Thanh từ trước đến nay chưa bao giờ “lắng dịu” về tình hình an ninh trật tự.
Nếu có yên cũng chỉ là nhờ vào sự cố gắng của cơ quan chức năng trong các cuộc truy quét mạnh tay và đám giang hồ thảo khấu đã thay đổi phương cách chui vào hoạt động bí mật. Tuy nhiên, “sóng ngầm” trong thế giới đen ở Tân Thanh vẫn diễn ra rất dữ dội nơi mà có tới cả chục cái tên nổi lên xưng hùng xưng bá.
Chợ Tân Thanh nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Lạng Sơn
Cái thời mà ở Lạng Sơn nở rộ ra nạn cướp bóc đã đi xa vào dĩ vãng. Những năm 90 của thế kỷ trước, tội phạm cướp bóc ở Lạng Sơn được coi là nóng bỏng hơn cả ở đất Cảng. Hàng trăm đối tượng cộm cán nổi lên ở khắp nơi, súng ống, lựu đạn nhiều vô kể và đã có không biết bao nhiêu vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã diễn ra. Nhưng rồi, sau nhiều năm triệt phá, những tên cướp cộm cán cũng đã hoặc bị tiêu diệt, hoặc bị bắt hoặc tự giải nghệ.
Lạng Sơn đã có phần bình yên trở lại. Tuy nhiên, với những hoạt tại các cửa khẩu nằm trên dọc biên giới thì chuyện dân tứ xứ đổ về là đương nhiên, lẫn trong số đó là những đối tượng hình sự, dân anh chị ở các nơi đổ về.
Bây giờ, Lạng Sơn không có chuyện cầm súng đi cướp bóc nữa nhưng vẫn còn đó những sự tranh chiếm lãnh phận làm ăn giữa các băng nhóm xảy ra bí mật và không phải ai cũng biết đến điều này.
“Tranh Vương đoạt lợi”
Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì Tân Thanh hay tất cả các cửa khẩu vùng giáp biên luôn là những mảnh đất “màu mỡ” cho giới tội phạm hình sự hoạt động.
Với đặc thù giáp biên, nếu trong trường hợp khẩn cấp hoặc bị lực lượng công an truy bắt, các đối tượng hình sự có thể thông qua đường tiểu nghạch rồi chạy sang phía nước ngoài gây khó khăn cho lực lượng làm công vụ. Khi mà cửa khẩu Tân Thanh ngày một phát triển lên thì cũng là lúc mà dân lao động tứ xứ đổ về, trong đó hầu hết là làm lao động chân tay.
Nhu cầu về việc bốc vác, bảo kê, dẫn đường, tổ chức các chuyến vận chuyển hàng lậu luôn rất lớn ở các khu vực cửa khẩu mà muốn làm những việc này, để có thể quản lý được đội bốc vác ô hợp thì cần phải có những biện phải có những đối tượng nào đó thế lực đủ mạnh để quản lý. Và những tay giang hồ đã được lựa chọn để làm việc này.
Có thời ở Tân Thanh nổi lên hàng chục nhóm quản lý việc bốc vác, vận chuyển hàng bằng đường bộ, trong đó phải kể đến những cái tên như Mạnh “hà”, Tinh “phát”, Dân “xù”, Hợp “hấp”… (vì những yêu cầu đặc biệt nên tên của những người này đã được thay đổi).
Khu vực cửa khẩu luôn là miếng mồi ngon cho những đại ca giang hồ
Những băng nhóm này hoạt động chủ yếu ở các vùng giáp biên như Tân Thanh, Đồng Đăng, Hữu Nghị… và còn lan sang của những cửa khẩu nhỏ nằm ở các huyện.
Tuy nhiên, gần như tất cả các băng nhóm cộm cán nhất đều tập trung ở Tân Thanh nơi mà mỗi ngày có tới cả nghìn chuyến hàng qua lại. Khởi điểm ban đầu của những đối tượng cộm cán này chỉ là nhưng tay đao búa, có chút tiếng tăm sau đó cũng vì kế mưu sinh mà chúng đã tổ chức ra các đội bốc vác để quản lý sau đó ép các chủ hàng thuê mình với giá cao rồi tổ chức cửu vạn trả lương với giá thấp.
Cứ thế học đòi nhau, ở Tân Thanh dần dần nở rộ ra tới hơn 20 đội bốc xếp chuyên nghiệp. Có khi chỉ có một xe chở hoa quả hơn chục tấn cũng có cả chục nhóm ra nhăm nhe để giành việc. Tuy nhiên, thay bằng việc chúng cạnh tranh để giảm giá thì lại ép các chủ hàng phải chịu những mức giá rất cao.
Việc cạnh tranh sẽ được các băng nhóm tự dàn xếp với nhau, kẻ nào nào mạnh sẽ chiếm được, còn kẻ yếu chấp nhận ngậm cục tức mà chờ việc khác…
Tuy nhiên, chính từ việc có quá nhiều băng nhóm nổi lên đã tạo ra hệ quả về việc tình hình an ninh trật tự ở các vùng cửa khẩu xảy ra rất nhiều vấn đề phức tạp. Từ việc tranh dành lãnh địa, đến việc bắt ép, dọa nạt các tiểu thương diễn ra hàng ngày một cách âm thầm mà cơ quan chức năng rất khó có thể kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc các băng nhóm tổ chức vận chuyển hàng lậu qua các đường tiểu ngạch cũng khiến cho việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Biến cố Hang Dơi
Ai cũng có nhớ đến việc Bộ Công an đã đánh sập tụ điểm hàng lậu Hang Dơi nằm trên xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn diễn ra vào đầu những năm 2000.
Đây được coi như là một trong những “biến cố lớn” mà giới giang hồ, buôn bán hàng lậu ở Tân Thanh buộc phải thay đổi những phương thức hoạt động của mình.
Trước khi bị triệt phá, Hang Dơi được coi như là cái rốn của hàng lậu, nơi chung chuyển của rất nhiều chuyến hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam.
Một số đối tượng có tiền ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội… thông qua sự trợ giúp của các băng nhóm giang hồ ở Tân Thanh đã tiến hành vận chuyển hàng lậu về Hang Dơi tập kết sau đó đưa xuống xuôi bằng đường bộ.
Lẽ dĩ nhiên, những hoạt động này được tiếp tay bởi một số cán bộ trong cơ quan chức năng của nhà nước nên việc vận chuyển hàng lậu mới công khai trong khoảng thời gian dài đến như vậy.
Tuy nhiên, khi mà Hang Dơi đã bị kiểm soát, nơi đây bốc chốc trở thành mảnh đất dữ đối với giới buôn lậu và giang hồ. Gần như chẳng có bất kỳ băng nhóm hay đối tượng cộm cán nào có thể tìm đến đây để làm ăn được nữa buộc chúng phải tìm đi những nơi khác.
Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng đã lên danh sách một số đối tượng “cần quan tâm đặc biệt” vì lo lắng sẽ bị “sờ gáy” nên những tay anh chị không còn hênh hoang, yêng hùng như trước mà lui vào hoạt động bí mật.
Khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)
Dù vậy, các băng nhóm vẫn tồn tại ở các vùng giáp biên và các cuộc cạnh tranh vẫn diễn ra. Ở giai đoạn gần đây, ở Tân Thanh có khoảng 5-6 cái tên thật sự nổi danh.
Đây là những nhân vật được coi là cầm chịch đám phu bốc vác, vận chuyển. Giữa những ổ nhóm này đã xảy ra không ít những tranh danh và các cuộc huyết chiến đã diễn ra. Hầu hết những vụ đụng độ này đều được các băng nhóm tự giải quyết với nhau sau khi quyền lực, lãnh địa đã được phân chia rõ ràng. Tuy nhiên, có những cuộc tranh chấp đã diễn ra mà các băng nhóm không thể giải quyết được.
Hai trong số những cái tên đình đám này phải kể tới Thao “sang” và Thái “thuyết”. Đây là những kẻ được coi là đại ca có số má bậc nhất ở vùng cửa khẩu Tân Thanh.
Thao và Thái cũng như bao nhiêu ông trùm khác, quản lý một đội bốc vác rất đông đảo, đồng thời nắm bắt rất được rất nhiều cung đường vận chuyển hàng lậu. Vì cùng làm ăn trên cùng một mảnh đất nên giữa Thao “sang” và Thái “thuyết” đã xảy ra rất nhiều cuộc đụng độ.
Cuộc huyết chiến giữa hai phe Thao “sang” và Thái “thuyết” đã diễn ra đúng theo kịch bản của một cuộc thanh trừng đẫm máu trong giới giang hồ. Gần trăm đối tượng cùng nhiều hung khí đã hẹn nhau ra một bãi đất trống để rồi lao vào chém giết, chúng chỉ có thể nhận diện được nhau thông qua chiếc khăn vàng buộc trên tay.
Lần công tác tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn này, PV báo Người Đưa Tin khám phá ra nhiều sự thật bất ngờ...
(Còn tiếp)