Giãi bày của tử tù gây thảm sát 6 mạng người

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Giờ đây, khi đã có vài năm ngồi trong buồng biệt giam, có thời gian ngẫm nghĩ về những gì đã xảy ra, tội ác của bản thân, Nam “bang” đã hiểu được rằng, cái kết của những kẻ giang hồ máu lạnh chỉ là buồng biệt giam. Tuy nhiên, có thể nói, với Nam, mọi suy nghĩ ân hận giờ đã quá muộn dù gã có muốn thay đổi, chuộc lỗi.

Nổi đình, nổi đám sau vụ bắn chết 6 mạng người xảy ra vào cuối năm 2008 ở cảng than Làng Khánh (thuộc tỉnh Quảng Ninh), Phan Huy Nam, tên thường gọi là Nam “bang” đã điền tên mình vào danh sách nhưng đối tượng giang hồ cộm cán ở đất mỏ. Tuy nhiên, cái giá Nam “bang” phải trả cũng chẳng hề “rẻ” khi phải lĩnh bản án tử hình.Giờ đây, khi đã có vài năm ngồi trong buồng biệt giam, có thời gian ngẫm nghĩ về những gì đã xảy ra, tội ác của bản thân, Nam “bang” đã hiểu được rằng, cái kết của những kẻ giang hồ máu lạnh chỉ là buồng biệt giam. Tuy nhiên, có thể nói, với Nam, mọi suy nghĩ ân hận giờ đã quá muộn dù gã có muốn thay đổi, chuộc lỗi.

Bản thân Nam cũng không hy vọng mình sẽ được thoát tội chết nhưng trước giờ trả án, đại ca giang hồ chỉ mong muốn một điều là được “đáp nghĩa những người thân của mình trước giờ nhắm mắt xuôi tay…”.

Làm ông trùm ở mảnh đất chôn rau cắt rốn

Nam “bang” sinh ra và lớn lên tại xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Đây có được coi như là một trong những nơi khá tấp nập về việc thông thương. Nơi ở của Nam ở khá gần cảng than Làng Khánh nên từ nhỏ gã đã có sự am hiểu rất tận tường về khu vực mua bán này.

Tuổi trẻ của Nam không có quá nhiều điều đặc biệt, học hành bình thường, không có thành tích gì quá nổi bật. Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành, thay vì gây dựng cơ đồ thì Nam lại ùa theo đám bạn hư hỏng tụ tập chơi bời. Có lẽ việc sa đà vào con đường ăn chơi của Nam cũng là một điều dễ hiểu vì đó là hệ quả chung của những thanh niên sống không chí hướng, nghỉ học ở sớm ở khu vực Nam sống.

Tính cách của Nam hồ hởi, nói nhiều, dễ gần nên gây khá nhiều tình cảm đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, ẩn phía sau sự thiện cảm đó là một bản chất manh động, dám chơi tới cùng trong bất cứ sự vụ gì. Có lẽ đây chính là lý do tại sao mà Nam lại được nhiều bạn bè nể phục trong việc ăn chơi cũng như cuộc sống.

Bắt đầu dấn thân vào thế giới giang hồ từ độ tuổi của một cậu thanh niên choai choai mới lớn, nhưng Nam lại lọc lõi và tự ấn định cho mình một chừng mực vì nếu như ra oai quá rất dễ “dính đòn” của những đại ca khác. Rồi khi Nam “bang” lấy vợ, sinh còn, nhiều người đã nghĩ rằng, rất có thể đối tượng này sẽ quay đầu về bờ, từ bỏ con đường sống trong thế giới ngầm. Thực ra, cũng đã có lúc Nam đã nghĩ đến việc thay đổi, gã cũng đã cố tìm một công việc lương thiện để làm kiếm tiền nuôi vợ con nhưng cũng chẳng ra đâu vào đâu…

Cuộc sống của Nam “bang” cứ trôi đi một cách hết sức tẻ nhạt trong sự dè chừng của gã. Nhưng rồi, khi những đứa con lớn lên, những gánh nặng trong cuộc sống càng nhiều hơn thì cũng là lúc Nam phải nghĩ ra cách kiếm tiền. Chẳng nghề nghiệp, chẳng học thức, cũng chẳng có công việc nào thật sự cụ thể, ngẫm nghĩ nhiều, Nam quyết định sử dụng chính cái bản lĩnh giang hồ bấy lâu nay bị tiết chế để phục vụ nhiệm vụ mưu sinh.

Thừa hiểu được những nguồn thu quá lớn từ những cảng than trên địa bàn sinh sống, Nam cùng một số tay chân thân cận của mình tập hợp lại thành một băng nhóm để đi tranh chiếm địa bàn làm ăn. Mục tiêu mà nhóm của Nam hướng đến là được cai quản cảng Làng Khánh để mót những số than rơi vãi ở đây. Chỉ cần thực hiện được việc này thì lợi nhuận sẽ nhiều vô kể.

Với mối quan hệ khá rộng cộng với sự hỗ trợ của nhiều tay giang hồ máu mặt, Nam “bang” nhanh chóng lấy được vị thế ở khu vực cảng Làng Khánh. Khoảng thời gian ban đầu Nam chỉ thực hiện công việc của mình một cách chộp giật, được ngày nào hay ngày đó. Tuy nhiên, đến khoảng giai đoạn 2007, Nam đã gần như độc chiếm hoàn toàn khu cảng Làng Khánh. Điều đặc biệt là Nam còn lo liệu được một hợp đồng với Công ty quản lý cảng Làng Khánh để trên danh nghĩa gã và đồng bọn thực hiện công tác bảo vệ tại đây.

Dưới trướng của Nam “bang” còn có một người tên là Sơn, kẻ được coi là đại hộ pháp trong băng nhóm vì quyền lực chỉ đứng sau đại ca. Sơn với Nam vốn chơi với nhau được hơn chục năm, cùng thuộc diện dặt dẹo lông bông nên khi tính chuyện làm ăn tại cảng làng Khánh, cả hai đối tượng đã cùng nhất trí suy nghĩ, cùng làm cùng hưởng.

Được sự trợ thủ đắc lực của Sơn, công việc của Nam tiến triển khá thuận lợi. Hàng ngày, chỉ cần thu gom toàn bộ số than mót được ở khu vực cảng đã mang đến cho Nam số tiền bạc triệu. Hơn nữa, việc có nhiều tàu thuyền ra vào cũng vô hình trung giúp Nam kiếm được những khoản tiền đáng kể khác.

Kiếm được tiền và giàu lên trông thấy, cuộc sống của Nam “bang” và gia đình đã có những sự thay đổi rõ rệt. Nhiều người thấy làm lạ vì chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ chỗ một kẻ ăn chơi sa đà, Nam đã trở thành người kiếm tiền “nhiều như nước” nhưng cũng chẳng ai biết gì vì mọi thứ đều được giấu rất kỹ lưỡng.

Dĩ nhiên, với việc có được chỗ làm ăn tốt như vậy Nam là mục tiêu dòm ngó của rất nhiều băng nhóm giang hồ khác có ý định tranh chiếm. Ở đất Hoành Bồ, Nam được coi là có số má nhưng nếu như so sánh với những ông trùm đất Hạ Long hay Cẩm Phả thì cũng chẳng có “sao” gì. Tuy nhiên, không quá danh tiếng nhưng đổi lại Nam lại manh động và là một kẻ mang suy nghĩ “bất chấp tất cả” nên dù đã bị nhiều băng nhóm đánh tiếng cảnh cáo Nam cũng chẳng hề run sợ.

Cai quản cảng làng Khánh chừng 3 năm, Nam đã phải chống lại không biết bao nhiêu lần các đại ca giang hồ tìm đến mình để tranh chiếm. Không những giới giang hồ ở Quảng Ninh mà còn cả bên Hải Phòng cũng tìm cách chiếm nơi làm ăn của Nam.

Đã dự liệu được sự việc từ trước nên Nam cùng băng nhóm của mình trước khi án ngữ ở cảng Làng Khánh đã sắm vài chú “chó lửa” (súng bắn đạn hoa cải) để phòng thân. Chỉ cần các băng nhóm tìm đến cảng có ý định gây gổ này nọ Nam cùng tay chân của mình sẽ ngay lập tức mang “chó lửa” ra nghênh chiến. Cho dù các băng nhóm có tên tới vài chục tên thì Nam “bang” và vài đệ tử của mình cứ lăm lăm “chó lửa” thì cũng chẳng có kẻ nào dám nhảy vào.

Có lần, Nam “bang” bị hai nhóm giang hồ Hạ Long và Cầm Phả bao vây ép phải nhường cảng Làng Khánh. Một mình Nam đứng giữa hơn 30 đối tượng giang hồ nhưng gã vẫn chẳng hề cảm thấy e sợ vì lúc này trên tay có hai khẩu súng đã được lên đạn sẵn. Giữa đám đông nhung nhúc, Nam khẳng định, đứa nào muốn bước chân vào cảng Làng Khánh thì cứ bước qua xác mình và thoát được đạn. Miệng nói, tay giơ súng, đám đông kia dù có hùng hậu đến mấy thì cũng chẳng có ai liều mạng mà lao vào… Đàn em nhụt chí, mấy đại ca dẫn đầu cũng chỉ chửi đổng vài câu rồi quay đầu đi về.

Gần như sau mỗi lần chống đỡ được sự tranh chiếm của các băng nhóm giang hồ là một lần số má của Nam được tăng thêm một phần. Năm tháng ngự trị ở cảng Làng Khánh không những mang lại tiền bạc cho Nam mà còn giúp gã có được thêm số má trong giang hồ.

Từ một kẻ giang hồ vặt, Nam “bang” đã vươn lên hàng đại ca có tên tuổi ở vùng đất ngã ba Hoành Bồ-Cẩm Phả-Hạ Long của Quảng Ninh. Riêng ở nơi Nam sống, một đối tượng dặt dẹo thì luôn coi Nam là một ông trùm đáng nể phục… Có được khá nhiều từ cảng Làng Khánh nhưng khi Nam cảm thấy mọi thứ với mình vững chãi nhất thì cũng là lúc tất cả sụp đổ sau một đêm thảm sát ngay tại cảng than.

Đêm thảm sát kinh hoàng

Rất nhiều băng nhóm thất bại trong việc công khai tranh chiếm cảng than đã chuyển sang “ăn cắp vặt”. Dự liệu được trước tình huống này, Nam cùng băng nhóm của mình thường xuyên túc trực tại cảng để trông coi những đống than của mình. Tuy nhiên, do địa bàn cảng rộng lớn, số người thường trực của Nam tại cảng chỉ khoảng 2-3 nên cũng chẳng thể nào quán xuyến hết được. Thi thoảng vẫn xảy ra chuyện trộm vặt nhưng về cơ bản Nam vẫn giữ vững được địa bàn làm ăn của mình.

Mọi việc diễn ra một cách êm ấm cho đến đêm ngày 15/12/2008, một nhóm gần chục người đột nhập vào khu vực cảng Làng Khánh, nơi Nam đang tập kết số than mót được để ăn trộm. Nhóm người này công khai xúc than của Nam đổ xuống tàu để chở đi.

Trước tình huống đó, biết rằng nếu không sử dụng biện pháp mạnh sẽ chẳng thể nào xua đuổi được đám trộm than, Nam cùng với một số đàn em của mình vác súng bắn đạn ghém ra rồi chĩa thẳng vào số đối tượng trộm than rồi bóp cò. Sau những tiếng đạn chát chúa vang lên, có tới gần chục “mạng” nằm đổ gục xuống những đống than. Nam và đám tay chân của mình sau khi xem xét hiện trường biết rằng có án mạng xảy ra nên đã ngay lập tức bỏ trốn khỏi hiện trường và tìm cách trốn chạy.

Hệ quả của những phát đạn do Nam và đàn em bắn ra đã khiến cho 6 người thiệt mạng và 1 vài người bị thương. Vụ việc này đã gây chấn động không chỉ tỉnh Quảng Ninh và dư luận toàn quốc vào khoảng thời gian cuối năm 2008 vô cùng xôn xao. Dĩ nhiên, chỉ ít thời gian sau khi gây ra vụ đấu súng ghê rợn đó, Nam cùng những tên trong băng nhóm đều đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ. Từ lời khai của các đối tượng liên quan trong vụ án có thể nhận thấy đây là động cơ thực sự phía sau vụ đấu súng là để tranh giành địa phận làm ăn.

Trong số 6 người bị chết có 2 nạn nhân là quê ở Hải Phòng. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, hai người Hải Phòng này đều có tiền án và cũng có chút ít số má ở giới giang hồ nhưng không phải là những đại ca khét tiếng.

Qua lời khai của Nam thì trước cuộc đấu súng chừng 3 ngày, đã có một số “đàn anh” ở Hải Phòng cưỡi ôtô đến Làng Khánh để đặt vấn đề phân chia địa phận làm ăn với Nam. Là một kẻ được coi là thổ địa, trên danh nghĩa là người cầm đầu bỗng nhiên lại bị mấy kẻ ở nơi khác đến đòi phân chia lãnh thổ điều dĩ nhiên là Nam chẳng bao giờ nhận lời. Không ngờ ra, 3 ngày sau đó, một đám người công khai vào xúc than do Nam mót được.

Biết rằng, nếu như không sử dụng biện pháp mạnh thì chắc chắn sẽ mất quyền làm ăn ở khu vực cảng Làng Khánh. Vậy là, Nam cùng với đàn em đã khiến cho gần 6 người mất mạng. Vụ nổ súng ở Làng Khánh xảy ra, cuộc chiến tranh giành địa phận làm ăn với Nam cũng coi như đã kết thúc vì lúc này lực lượng chức năng đã chính thức vào cuộc.

Nam sau vài ngày lẩn trốn biết rằng sẽ rất khó chạy thoát nên đã quay đầu tìm đến cơ quan chức năng để đầu thú khai báo toàn bộ sự việc. Cùng với Nam, Sơn cũng là một trong những đối tượng chính đóng vai trò then chốt trong vụ thảm sát tại cảng Làng Khánh. Cùng một số những tay chân khác trong nhóm, Nam và đám đệ tử của mình đều bị Công an Quảng Ninh bắt giữ vì liên quan đến vụ án này.

Sau này, Nam và Sơn bị tòa tuyên án tử hình với hành vi giết người, những đối tượng khác đều phải đón nhận những bản án rất đích đáng của pháp luật. Như vậy, toàn bộ băng nhóm của Nam “bang” đã bị hạ bệ hoàn toàn. Từ kẻ cầm đầu cho đến những tay chân xung quanh đều lần lượt xộ khám.

Nhiều người nhận định, cuộc chiến tranh giành cảng làng Khánh sẽ vẫn diễn ra thậm chí là quyết liệt hơn vì lúc này có cả tá băng nhóm muốn nhảy vào đây. Tuy nhiên, sau vụ án của Nam “bang” cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng nhập cuộc để nắm tình hình tại Làng Khánh và nhờ đó tình hình an ninh ở đây đã được thắt chặt lại.

Đối với giang hồ, việc Nam bị bắt cũng không hẳn là một cú sốc quá lớn nhưng nó phần nào đó cũng gây tiếng tăm vì một kẻ dám chống lại rất nhiều băng nhóm cộm cán, dám bắn chết tới 6 người trong một đêm thì cũng khiến nhiều kẻ phải cảm thấy khiếp sợ.

Lời thú tội muộn màng

Khoác lên mình bản án tử hình, cơ hội sống của Nam “bang” là rất mong manh khi chỉ còn một hy vọng duy nhất vào lá thư xin miễn tội chết từ Chủ tịch nước. Biết rằng, cuộc sống của mình có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, đôi lúc Nam có phần hoảng sợ. Tuy nhiên, khi nghĩ về những việc gì mình đã làm, nghĩ về 6 mạng người đã chết dưới tay mình, Nam thừa nhận bản án tử hình mà bản thân đang phải gánh là hợp lý.

Không trách cứ hay phàn nàn về điều gì, Nam tự dằn vặt bản thân mình, tự cắn xé lương tâm vì bàn tay đã dính quá nhiều máu. Trong thâm tâm Nam luôn mang một suy nghĩ nuối tiếc giá như trong đêm định mệnh đó, gã chỉ cần bắn một phát đạn chỉ thiên để đe dọa đám người trộm than thì đã không đến mức phải gây ra cả một vụ thảm sát đau đớn đến như vậy. Tuy nhiên, sự nuối tiếc của Nam chẳng thể nào đổi lại được mạng sống cho 6 con người kia, lời nói của gã lúc này đã quá muộn màng vì mọi việc đều đã an bài.

Trước kia, trong những ngày tháng lang bạt trên giang hồ, đã một lần Nam vào tù sau một trận chém giết. Tuy nhiên, đi trả án vài năm Nam lại được trở về với cuộc sống. Lúc mới ra tù, Nam đã nghĩ mình phải đổi cuộc sống và rồi gã đã lấy vợ, sinh con. Coi việc xây dựng gia đình là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, Nam “bang” cho rằng, khi gã đã trở thành người đàn ông của gia đình thì suy nghĩ sẽ khác, sẽ bớt chơi bời hơn, bớt hung hăng hơn.

Phần nào đó, Nam đã cố gắng làm ăn hơn, chịu khó lao động hơn. Tuy nhiên, định mệnh đã gắn Nam vào thế giới của những kẻ đao búa. Việc lập băng hội độc chiếm cảng Làng Khánh như một hệ quả tất yếu nhưng nó cũng là nguyên nhân dẫn lối Nam đến con đường tội lỗi một lần nữa. Và chỉ sau vài năm ở cảng, Nam lại một lần nữa phạm tội nhưng lần này là nghiêm trọng hơn gấp cả trăm, nghìn lần đợt trước…

Ngồi trong không gian bó hẹp của căn phòng biệt giam dành cho tử tù, Nam có thời gian để suy nghĩ, để cảm nhận. Sau một thời gian khá dài cắn xé bản thân, giờ đây trong suy nghĩ của Nam chỉ còn sự tiếc nuối. Gã tiếc rất nhiều thứ, tiếc cuộc sống, tiếc hạnh phúc, tiếc vì không còn cơ hội để làm chồng, làm cha. Nam chia sẻ rằng, gã rất thương vợ, thương lắm! Từ ngày lấy nhau, vợ của Nam dường như chỉ cảm nhận được hạnh phúc chừng tày gang. Gã đã cố gắng hết sức để làm sao vợ mình có thể biết được đến những điều gì đó là an nhàn dù là đơn giản nhất chính vì vậy mà Nam đã dấn thân vào việc bảo kê ở cảng Làng Khánh.

Nghĩ thương vợ mười thì Nam nhớ con cả trăm. Giờ đây, những đứa con của Nam bỗng nhiên rơi vào cảnh mồ côi khi cha vẫn còn đang sống. Nam bảo rằng, đây có lẽ là bi kịch gã phải gánh chịu vì đã gây ra quá nhiều tội lỗi.

Đau đớn khi nghĩ tới vợ con, tự cắn xé bản thân, dường như Nam đang dần phải trả giá cho những tội lỗi mình đã gây ra. Suy nghĩ của Nam lúc này cứ quẩn quanh lúc thì về gia đình, lúc thì tội lỗi, lúc thì lại về bản thân… tất cả đều rối bời, khó hiểu khiến tâm trạng của Nam luôn nặng trĩu rất khó giải thoát.

Nhớ về lúc từ biệt vợ trước khi chạy trốn, Nam bảo rằng, khi đó gã đã cảm nhận đây có thể lần gặp cuối cùng của hai vợ chồng vì nếu như bị bắt thì chắc chắn cơ hội gặp nhau sẽ rất khó khăn. Điều dự liệu của Nam đã đúng vì đúng là lần hai vợ chồng gặp mặt đó cũng là lần cuối cùng hai vợ chồng gã được nói chuyện với nhau ở đời thường. Lúc từ biệt vợ, trái tim của Nam như có cả trăm nghìn con dao đâm chém. Lúc này gã đã cảm nhận được sự đau đớn, sự cay nghiệt của việc từ biệt.

Mọi việc đang diễn với Nam lúc này là một kết quả tất yếu cho những kẻ nào muốn dùng sức mạnh của đao kiếm, súng đạn. Khi Nam “bang” hiểu rằng việc kiếm tiền rất quan trọng nhưng không phải mọi giá. Gã giang hồ này bảo rằng “giá như mình an phận với công việc bốc vác của một thằng cu li ở bãi than, hằng tháng có được vài đồng đưa vợ mua rau, mua dưa cho con thì cuộc sống có lẽ chẳng đến mức độ cay cực đến như thế nào. Lúc khó khăn thì làm giàu bằng mọi giá nhưng rồi khi gây ra đại họa thì có hối lỗi cũng chẳng kịp nữa. Tất cả mọi việc đều có cái giá của nó.

Tuy nhiên, khi mà mình mới được hưởng thành quả của sự dư giả chưa được bao nhiêu thì đã phải đánh đổi bằng tất cả mạng sống, hạnh phúc gia đình…”. Đây là sự hối lỗi của Nam nhưng ở thời điểm này dường như là đã quá muộn vì lúc này gã đã là một tử tội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Nguyệt - Nhật Nga (Công An Nhân Dân)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN