Giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh có thể bị phạt tù bao nhiêu năm?
Liên quan đến vụ giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội gây hoang mang, bức xúc trong dư luận diễn ra mới đây, điều được nhiều người quan tâm là đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, đối tượng giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh là Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989), trú tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Do túng quẫn về tiền bạc, khi biết được tâm nguyện của một đồng nghiệp muốn tìm trẻ sơ sinh nhận làm con nuôi, Tuyến đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ để tìm bắt 1 bé mới sinh.
Tại đây, đối tượng kiếm được áo đồng phục nhân viên bệnh viện rồi lẻn vào khoa Sản, giả làm nhân viên để tăm tia “con mồi”. Khi tìm “bắt” được 1 bé sơ sinh, Tuyến lập tức bế ra ngoài nhưng đã bị một bác sỹ phát hiện, giữ lại và trình báo đến cơ quan công an.
Hiện CQĐT Công an huyện Chương Mỹ đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Tuyến về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Cho ý kiến về vụ việc trên, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Do đó, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Việc đối tượng Nguyễn Thị Tuyến giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội rất nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại khu vực, gây phẫn nộ trong dư luận.
Lực lượng công an có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ xác minh vụ việc
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Điều 153 BLHS 2015 sửa đổi về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi nêu rõ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần của nạn nhân từ 31-60% thì bị phạt tù từ 5-10 năm…
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Về cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi dùng các thủ đoạn như lén lút, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha, mẹ hoặc người có trách nhiệm để đem bán, nuôi làm con nuôi hoặc để trả thù cha mẹ đứa trẻ.
Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm vào việc mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Nếu hậu quả chiếm đoạt trẻ em chưa xảy ra thì được cọi là phạm tội chưa đạt.
Hành vi trên xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Trường hợp có căn cứ cho rằng đối tượng chiếm đoạt trẻ em để bán hoặc để tống tiền cha mẹ của trẻ, thì còn có thể bị xử lý về tội mua bán người hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản...
Trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng, động cơ mục đích thực hiện, hậu quả của hành vi mà đối tượng đã gây ra.
Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, cha mẹ, những người giám hộ cần nâng cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc con em mình. Bên cạnh đó, các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện nhi, sản cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.
Tại cơ quan công an, Tuyến đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và nguyên nhân gây án.
Nguồn: [Link nguồn]