Ghép ảnh "con nợ" vào các web khiêu dâm vu làm “gái gọi” bị xử lý ra sao?
Thời gian qua, không ít phụ nữ khi vay tiền của app “đen” đã bị bên cho vay gọi điện đe dọa, đòi nợ. Có đối tượng còn ghép ảnh của “con nợ” vào các web khiêu dâm, hình ảnh nhạy cảm, vu cho họ là “gái gọi”, đăng công khai số điện thoại để chào mời khách.
Không ít đối tượng vay tiền của app “đen” thường là nữ công nhân, người bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, nữ sinh... Do các app thường cho vay số tiền nhỏ, thời gian ngắn, nhưng tính phí rất cao, lãi suất từ 700-1.000% mỗi năm. Nạn nhân bị hấp dẫn bởi thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng và nghĩ có thể thanh toán trong thời dan ngắn nên đã nhanh chóng “sập bẫy”. Khi người vay không trả được hết nợ, khoản tiền còn lại dù nhỏ sẽ phát sinh lãi và tăng chóng mặt.
Thời điểm khoản vay đến hạn nếu chưa có khả năng thanh toán, người vay sẽ được giới thiệu thêm các app mới để vay trả nợ cũ. Với mức lãi suất lên tới 80% mỗi tuần, “con nợ” dù ban đầu chỉ vay vài triệu đồng, nhưng số nợ chẳng mấy chốc lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đến lúc rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ, “con nợ” sẽ bị đòi nợ, khủng bố tinh thần với nhiều hình thức khác nhau. Nghiêm trọng hơn, bên cho vay còn gắn hình ảnh "con nợ" vào các web khiêu dâm, ghép ảnh, đưa lên mạng xã hội với nội dung “gái gọi” đăng quảng cáo, chào mời khách.
Bẫy "tín dụng đen" bủa vây khắp nơi
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cá nhân khi thấy mình rơi vào hoàn cảnh trên cần nhanh chóng trình báo sự việc lên Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp huyện nơi mình cư trú. Khi trình báo cần cung cấp clip bị dàn dựng, hình ảnh bị cắt ghép, những người trong diện tình nghi để cơ quan điều tra làm rõ sự việc.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, ghép hình ảnh người khác vào clip sex, ảnh khiêu dâm là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Hành vi này xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, nên đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống.
Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%... thì bị phạt tù từ 1-3 năm.
Phạm tội vì động cơ đê hèn; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên78 hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm đối tượng thực hiện hành vi còn có thể bị xử lý hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Tội làm nhục người khác hoặc Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy -Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Thấy anh H. đến nhà mình chửi bới, Kiên đã gọi điện thách thức đánh nhau với chủ nợ.