Gặp luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa
Khi tham gia bào chữa cho những kẻ giết người như Nguyễn Đức Nghĩa hay Đặng Trần Hoài, luật sư luôn hiểu tâm nguyện của họ cũng như những người thân trong gia đình.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy) nói rằng, ông biết, khi nhận lời bào chữa cho những bị cáo như Nguyễn Đức Nghĩa hay Đặng Trần Hoài, họ vẫn khó thoát khỏi án tử hình. Nhưng ông hiểu, tâm nguyện của bị cáo và thân nhân họ, đôi khi không hẳn là sự sống chết.
Luật sư là người phải cố gắng đưa ra bằng chứng, lý lẽ có lợi nhất cho thân chủ của mình. Kể cả với những người gây tội ác tày trời, bị truy tố tới khung tử hình. Ông đã bao nhiêu lần nhận lời bào chữa cho những người đối mặt mức án này?
Cần phân biệt 2 loại: người bị truy tố về tội danh theo khung án cao nhất là tử hình và người bị truy tố vào điểm đã ở mức tử hình.
Loại thứ nhất, người bị truy tố có thể chịu mức án 12, 15, 20 năm tù hoặc tử hình. Loại này, tôi đã tham gia bào chữa mấy trăm vụ, không nhớ hết. Còn loại thứ 2, nhãn tiền có thể biết người bị truy tố gần như chắc chắn bị tuyên án tử hình. Loại thứ 2, mỗi năm tôi tham gia bào chữa 5-7 vụ.
Tôi khẳng định hầu hết các vụ án mình tham gia, tôi đều đạt được những thành công nhất định.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy
Có thể nhiều người biết hoặc không biết đến những vụ án thành công của luật sư. Nhưng một số vụ án mà chính ông tham gia như Nguyễn Đức Nghĩa, Đặng Trần Hoài... , hay những vụ án nổi tiếng khác được dư luận quan tâm, ít khi thấy một kết quả tuyên án bất ngờ nào sau những lời bào chữa. Luật sư nghĩ sao?
Đó là loại thứ 2, pháp luật đã quy định, họ phải bị tử hình, chúng tôi không thể thay đổi được mức án tử hình dành cho họ. Kể cả khi nhận lời bào chữa, chúng tôi gần như biết chắc họ khó mà thoát khỏi án tử hình. Nhìn chung, tôi vẫn đưa ra được những tình tiết để tòa xem xét và giảm một phần nào tội cho họ. Như vậy, xét ở góc độ tham gia tố tụng, đó đã là thành công. Nhưng chiếu theo quy định của pháp luật, không thể có cách nào khác để tòa không tuyên án tử hình bị cáo.
Vậy ông có nói trước với gia đình thân chủ rằng, anh ta sẽ không thoát khỏi án tử?
Đương nhiên, tôi phải xác định với gia đình họ ngay từ đầu. Ví dụ như vụ Nguyễn Đức Nghĩa hay Đặng Trần Hoài, từ lúc sơ thẩm, gia đình đến mời bào chữa, tôi đã nói luôn, rõ ràng với tội danh như vậy khó mà thoát khỏi án tử. Tôi chỉ có thể đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ để tòa xem xét thôi bởi tội trạng đã rõ rành rành. Nhưng họ vẫn quyết định mời tôi bào chữa.
Luật sư Thủy trong phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa
Một bị cáo đối mặt với án tử hình, bản thân họ cũng như gia đình luôn hy vọng mời luật sư để giúp thoát tội chết. Nhưng nếu biết kết quả họ vẫn bị tử hình. Vậy họ mời luật sư cũng như không?
Điều này phải được nhìn nhận ở 2 khía cạnh. Trước hết là tính nhân đạo truyền thống trong gia đình của người Việt Nam. Cha mẹ, vợ chồng, con cái luôn có một sự gắn bó bền chặt. Dù con cái, anh chị em giàu sang hay nghèo khó, khi sa vào sai lầm, tội lỗi, người trong gia đình vẫn không bao giờ bỏ rơi.
Biết khó tránh khỏi tội chết, nhưng người Việt vẫn chấp nhận mất tiền của để con mình, em mình, chồng mình thấy rằng đến phút cuối họ vẫn có người thân bên cạnh, vẫn có ông bà, cha mẹ, có tình thương yêu gia đình.
Việc con em mình phạm tội ngoài xã hội, bị đưa lên cán cân công lý lại là chuyện khác. Nhưng trong gia đình, họ vẫn là người con, người cháu, xứng đáng nhận được tình yêu thương. Từ đó, người phạm tội cảm thấy được an ủi, nếu có chết họ cũng thanh thản hơn. Ít nhất, trước khi ra đi, người con tội lỗi vẫn cảm thấy được sống trong hơi ấm tình cảm của gia đình mình.
Mặt khác, gia đình thuê luật sư để nói thay họ trước tòa, trước công luận một vài điều mà họ muốn nói. Ở góc độ pháp luật, họ chấp nhận hình phạt của tòa. Nhưng ở góc độ xã hội khác, họ muốn nói rằng, bản chất con của họ, gia đình họ vẫn là những người dân lương thiện. Tội ác con họ gây ra có thể do môi trường, hoàn cảnh, tác động xấu của xã hội, hay sự bột phát, không kiểm soát được mình trong giây phút, khoảnh khắc đó mà thôi.
LS. Thủy bào chữa cho Đặng Trần Hoài
Khi nhận lời bào chữa cho những bị cáo, ông cũng biết, họ đang bị cả xã hội lên án? Ông có phẫn nộ với tội ác của thân chủ không?
Chắc chắn là không bao giờ. Dù bảo vệ cho bị cáo hay bị hại, tôi không bao giờ phẫn nộ với ai cả. Nghề luật sư chúng tôi chỉ nhìn nhận mọi thứ qua góc độ pháp luật. Tôi chỉ muốn tìm cách lý giải cho những hành vi phạm tội của thân chủ mình. Từ đó, tôi có thể nói thay họ những điều mà họ không thể nói và mọi người có thể có cái nhìn đầy đủ, khách quan hơn về họ.
Đơn cử như Đặng Trần Hoài, ai cũng biết anh ta phạm tội "hiếp chị, giết em". Nhưng tôi muốn nói rằng chính vào thời điểm phạm tội, anh ta hoàn toàn bị mất kiểm soát vì bia, rượu. Khi đó, thần kinh anh ta không bình thường. Ngoài lần phạm tội đó, anh ta vốn là con người khá nhút nhát, hiền lành.
Nhắc đến Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ giết người yêu rồi chặt xác phi tang. Đó là một vụ án quá chấn động. Dư luận vô cùng phẫn nộ trước tội ác man rợ. Nhưng theo tôi, trước đó, Nghĩa vẫn là đứa con ngoan trò giỏi. Tôi muốn thay gia đình Nghĩa để nói rằng, gia đình, bố mẹ Nghĩa vẫn là những người dân lương thiện, cần lao, chất phác. Họ không may mắn khi có đứa con tội lỗi.
Hơn nữa, chúng ta phải thấy rằng, tội ác mà Nghĩa gây ra còn bởi sự tác động xấu từ môi trường xã hội. Được biết, thời gian học đại học ở Hà Nội, Nghĩa bắt chước bạn bè, nghiện chơi điện tử, những trò chơi bạo lực. Chính những nguyên nhân đó, tác động không nhỏ tới tâm lý, khiến đôi khi con người có hành vi thiếu kiềm chế.
Đằng sau sự đền tội về mặt luật pháp, họ và người thân của họ vẫn muốn nói rằng, họ vốn là con người lương thiện và sống trong một gia đình lương thiện. Họ vẫn mong muốn xã hội có sự thông cảm và tha thứ.
Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Ngô Ngọc Thủy từng tham gia bảo vệ đương sự trong nhiều vụ án nổi tiếng được dư luận quan tâm, trong đó có vụ Nguyễn Đức Nghĩa (trong vụ án giết người yêu, chặt xác phi tang gần 3 năm trước) và Đặng Trần Hoài (vụ hiếp chị, giết em cách đây không lâu). Trong hai vụ án kể trên, LS. Thủy đã đưa ra nhiều tình tiết, lý lẽ xác đáng nhằm giảm tội cho thân chủ. Đơn cử phiên phúc thẩm vụ Đặng Trần Hoài, vị luật sư đã tạo khá nhiều tình tiết khiến phiên tòa phải hoãn tuyên án, kéo dài hơn dự kiến và HĐXX đã xem xét một vài tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tuy nhiên, 2 phiên xét xử này vẫn kết thúc với án tử dành cho thân chủ của ông. Luật sư Thủy cũng là người đã đào tạo ra nhiều học trò hiện đang hoạt động trong ngành luật khắp cả nước. |