Gặp lại mẹ già sau 13 năm trốn lệnh truy nã

Sự kiện: Tin pháp luật

Các trinh sát đã tác động tâm lý để Hoà về đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Gặp lại mẹ già sau 13 năm trốn lệnh truy nã - 1

Bà Song nghẹn ngào nhớ lại những ngày lo âu vì đứa con trốn trại

Sau khi bị TAND tỉnh Đắk Lắk xử 9 năm tù giam về tội “Giết người”, Nguyễn Công Hòa (SN 1970, trú xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), mới thi hành án 1/3 thời gian đã trốn trại sống chui lủi ở nước ngoài suốt 13 năm. Trải qua quá trình dài đấu tranh tư tưởng, cộng với sự tác động của cơ quan chức năng, Hòa quyết định về nước đầu thú để được gặp mẹ già, trả nợ đời và trả nợ người.

13 năm trốn lệnh truy nã

Đêm trung tuần tháng 9/2016, bà Nguyễn Thị Song (SN 1952, trú xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bất ngờ gặp lại đứa con trai Nguyễn Công Hòa sau 13 năm biệt tích. Sự trùng phùng đặc biệt trong bóng tối, khi người con trai xuất hiện trong tâm thế tù tội, xung quanh rất nhiều trinh sát theo dõi.

Đêm 13/9, nghe tiếng nói chuyện rì rầm ngoài cổng, bà Song bước ra thì nghe một giọng nam gọi to: “Mẹ ơi, con Hòa đây”. Bà Song chưa kịp định hình chuyện gì đang xảy ra thì người con trai đã ôm chầm lấy mẹ. Bà vỡ òa hạnh phúc khi gặp lại đứa con trai sau 13 năm biệt tích. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc mà không ai nói được với ai câu nào trọn vẹn. Sau khoảng thời gian trùng phùng ngắn ngủi, Hòa xin phép thắp nén nhang tạ lỗi với bố rồi theo chân cơ quan chức năng lên xe về trại tạm giam.

Được biết, Hòa sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên Hòa sớm chia tay bố mẹ vào huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Lắk (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) làm ăn sinh sống. Năm 1999, Hòa tham gia vào một vụ gây rối trật tự công cộng. Trong lúc hỗn chiến, Hòa đã vô tình dùng dao đâm chết một người cùng quê. Không lâu sau đó, Nguyễn Công Hoà bị TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt 9 năm tù về tội “Giết người” và thi hành án tại trại giam Đắk Trung (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an). Trong một lần đi lao động vào cuối năm 2003, lợi dụng sơ hở, Hoà đã lẩn trốn vào vùng rừng núi sâu. Sau một thời gian tìm kiếm và kêu gọi đầu thú bất thành, Nguyễn Công Hoà đã bị phát lệnh truy nã trong toàn quốc.

Hơn 10 năm tìm kiếm nhưng tung tích của đối tượng truy nã vẫn bặt vô âm tín. Nhận định đối tượng quê ở Nghệ An sẽ còn người thân tại quê và ít nhiều có liên lạc về, năm 2015, Ban giám thị Trại giam Đắk Trung đã có công văn gửi Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị phối hợp truy bắt Nguyễn Công Hòa. Sau khi nhận được yêu cầu, lãnh đạo Công an tỉnh đã lập chuyên án, xác minh truy tìm đối tượng.

Gần một năm ròng rã theo dõi, các trinh sát đã tìm ra nơi ẩn náu, tuy nhiên điều khó khăn chính là Hòa lẩn trốn ở nước ngoài và không ở nơi nào cố định. Mặt khác, do đối tượng ẩn danh với tên mới nên rất khó để trinh sát tiếp cận trực tiếp. Tuy nhiên, sử dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định được Trần Văn Hiệp chính là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Công Hoà. Qua nắm tình hình được biết, Hoà hiện còn bà và mẹ già sống ở quê, tuổi cao sức yếu. Vì vậy, các trinh sát đã tác động tâm lý để Hoà về đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Với sự ăn năn hối lỗi sau quá trình trốn truy nã, cộng với sự tác động, vận động của các trinh sát, Hoà đã quyết định quay trở về quê hương đầu thú. Ngày 12/7/2016, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tổ công tác trong Ban chuyên án tiếp nhận tin, kiểm tra lai lịch, nhân thân, xác định đúng Trần Văn Hiệp trong giấy tờ hộ chiếu và Nguyễn Công Hòa là một nên đã lập biên bản “tiếp nhận” đối tượng này. Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục, Nguyễn Công Hoà được bàn giao cho Ban giám thị Trại giam Đắk Trung, Tổng cục VIII, Bộ Công an theo quy định của pháp luật.

Theo lời khai ban đầu, sau khi trốn khỏi trại giam, Hoà vượt biên sang Cộng hoà Liên bang Nga. Tại đây, với tên giả Trần Văn Hiệp, Hoà đã bươn chải mưu sinh với nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, vì cộng đồng người Việt sinh sống tại đây rất đông, lo sợ bị phát hiện, một lần nữa Hòa quyết định lẩn trốn sang Ăng-gô-la. Sau đó, thông qua người quen Hòa biết được tâm nguyện của bố trước lâm chung là mong muốn con về đầu thú để làm lại cuộc đời. Đồng thời, khi biết bà và mẹ già ở quê cũng đau yếu thường xuyên, cộng với sự tác động của các trinh sát, Hòa đã quyết định quay trở về quê hương đầu thú với hy vọng làm lại cuộc đời, tạ tội với mẹ già.

Mong ngày mẹ con đoàn tụ

“Từ khi con trai bị bắt và giam giữ, gia đình tôi đã chuyển hẳn vào Đắk Lắk sinh sống để tiện bề thăm nuôi con. Lần nào lên thăm nuôi tôi cũng khuyên nó cải tạo tốt để được pháp luật khoan hồng, giảm án. Nào ngờ, nó lại bỏ trốn khỏi trại giam, sống biệt tích 13 năm nay”, bà Song ngậm ngùi.

Được biết, từ khi gia đình bà Song chuyển vào Đắk Lắk, cuộc sống nơi đất khách gặp muôn vàn khó khăn. Ruộng nương không có, cứ sáng sớm cả gia đình tản mát đi làm thuê, cuốc mướn. Mùa nắng còn có việc để làm, chứ mưa xuống cả nhà lại đói. Cuộc sống vốn đã túng thiếu lại thêm việc Hòa bị bắt về tội “Giết người” càng khiến gia đình rơi vào tình cảnh éo le hơn. Tích cóp được bao nhiêu tiền hai vợ chồng bà Song đều dồn hết làm lộ phí mua đồ thăm nuôi con. “Nhiều lần hai mẹ con gặp nhau, chẳng ai nói câu nào, chỉ biết nắm tay mà khóc. Thấy tôi giúi vào tay 50 nghìn đồng, nó càng khóc nhiều hơn, bảo có lỗi với bố mẹ, gia đình, là đứa con bất hiếu”, bà Song buồn rầu nhớ lại.

“Chỉ vì một phút thiếu kiềm chế, không làm chủ được bản thân, Hòa đã phải trả giá bằng cái án 9 năm tù giam. Để rồi suốt nhiều năm nó trốn trại, gia đình tôi phải sống trong lo âu, thấp thỏm. Riêng chồng tôi đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không được thanh thản. Đó là điều khiến tôi đau lòng nhất”, bà Song nghẹn ngào.

Sự ra đi đột ngột của ông càng khiến lòng bà thêm chồng chất nỗi đau. Vậy nên, bà tìm mọi cách để nhờ người quen thông báo với Hòa mong mỏi của cha trước lúc lâm chung. Thời điểm này, bà Song cũng tiến hành hai lần phẫu thuật liên quan đến đường ruột và tĩnh mạch nên sức khỏe ngày một yếu đi. Năm 2010, sợ bà không qua khỏi nên con cháu đã quyết định đưa về Nghệ An nuôi dưỡng, chăm sóc. Tại quê nhà, vì không có nơi sinh sống, trong khi con út đang đi xuất khẩu lao động bà Song đành tá túc tạm nhà người quen. Đến đầu năm 2016, khi con út về nước, cất được ngôi nhà khang trang thì bà mới có nơi để ở. Thông tin này được người quen thông báo cho Hòa, khi y đang lẩn trốn ở nước ngoài. Chính những trăn trở của người mẹ già thường xuyên đau ốm đã tác động đến suy nghĩ kẻ trốn nã. Trung tuần tháng 9/2016, Nguyễn Công Hòa đã quyết định về nước đầu thú, kết thúc hành trình 13 năm sống chui lủi.

Trước lúc quay lại Trại giam Đắk Trung thi hành án, Hòa được các trinh sát cho về gặp lại mẹ và ăn bữa cơm với gia đình. “Trước lúc đi, nó ôm lấy tôi khóc nức nở, hứa sẽ cải tạo tốt để sớm trở về phụng dưỡng, đáp đền công lao sinh thành của mẹ, và tạ lỗi cùng bố”, bà Song kể lại.

Với bà Song, ước nguyện gặp lại con trai đã tiếp thêm dũng khí để chiến đấu với bệnh tật. Tiếp tục sống chờ ngày Hòa trả hết nợ đời về đoàn tụ với gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thủy Tiên (Báo Giao thông)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN