Gã chồng trộm cắp và cái chết thảm của vợ
Vợ chồng nó chết rồi, nhưng rồi đứa con gái của chúng sẽ ra sao khi thiếu cha mẹ dạy dỗ. Sự việc sẽ tạo ra vết hằn trong đầu nó, rồi sau này ra đời liệu nó có vượt qua được mặc cảm và tiếng đời rằng cha nó đã xuống tay bóp chết một gia đình?
Không chịu sửa chữa lỗi lầm mà mình gây ra, tự nghĩ bị vợ cắm sừng rồi ruồng bỏ mình nên Trần Phước Đào đã ra tay sát hại chị Đinh Thị Hạnh, người vợ một thời đã hết lòng thương yêu và luôn thông cảm, động viên hắn hãy từ bỏ thói trộm cắp.
Sinh năm 1982 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cha đau ốm quanh năm, mẹ thường xuyên phải đi làm xa nên mới 6 tuổi, chị Hạnh đã phải một mình quán xuyến các công việc nhà như nấu cơm, chăn heo gà, trông em nhỏ. Năm 13 tuổi, khi vừa học hết lớp 7, thấy gia cảnh khó khăn nên một người hàng xóm tốt bụng đã nói với cha mẹ cho chị vào Đắk Lắk bán hàng tạp hóa.
Hơn hai năm phụ việc, những đồng tiền kiếm được chị gửi hết về nhà lo thuốc thang cho cha nhưng cũng không thấm tháp vào đâu. Để kiếm được nhiều tiền hơn lo cho gia đình đỡ khổ, năm 1997, chị xin phép vợ chồng ông bà chủ tiệm tạp hóa, theo chân những người đồng hương vào xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước tìm công việc mới. Không lâu sau, chị xin được việc làm cỏ thuê trong nương rẫy, nhặt điều, xịt thuốc, bón phân cho các vườn điều, cao su. Thấy cô gái nết na, chăm chỉ làm ăn, một phụ nữ đồng hương thương tình cho ở cùng nhà và giới thiệu cho chị một người cháu trai, chưa lập gia đình. Đó là Trần Phước Đào, gia đình vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1990. Sau một thời gian qua lại, hai người đem lòng yêu thương nhau. Và đến năm 1999, họ kết duyên vợ chồng và được cha mẹ Đào cho 1 héc-ta đất để làm ăn.
Những ngày đầu của cuộc sống vợ chồng, Đào để chị Hạnh lo việc trồng tỉa kiếm gạo, còn mình đi ra ngoài làm kiếm tiền. Thỉnh thoảng Đào mang về đưa cho chị vài trăm ngàn, có khi là một máy cắt cỏ đã qua sử dụng. Nghĩ chồng tu chí làm ăn chăm lo gia đình nên chị cảm thấy mãn nguyện lắm. Mọi sự bắt đầu vào cuối năm 2000 khi chị Hạnh sinh con đầu lòng. Hàng ngày ở nhà chăm con, chị phát hiện ra được bản chất thấp hèn trong con người chồng mình. Trông bề ngoài có vẻ bảnh trai, hiền lành, nào ngờ người chồng lại có một "thói quen" cực xấu: "bệnh tắt mắt". Láng giềng cứ hễ ai sơ ý, không cất đồ đạc cẩn thận, ngay lập tức trong đầu Đào nảy lòng tham, tìm cách "cuỗm" rồi đem bán kiếm tiền xài.
Biết tính chồng, Hạnh rất buồn, nhiều lần nhỏ nhẹ khuyên can, nhưng Đào chỉ gật đầu cho qua chuyện, rồi lại chứng nào tật nấy. Cũng vì vậy, cuộc sống vợ chồng luôn xảy ra cãi vã, không khí gia đình ngày càng nặng nề. Vợ khuyên thì bị chửi, hàng xóm can ngăn cũng mặc kệ, người chồng luôn tự làm theo ý mình. Tháng 2/2006, lựa lúc tối trời, Đào liền leo lên cắt trộm dây điện, không may bị bắt quả tang, bị tòa tuyên phạt 12 tháng án treo. Trong thời gian thụ án, chẳng những không tu tâm dưỡng tính, Đào tiếp tục trộm cắp đồ nhà hàng xóm, mà điển hình là vụ trộm cắp máy nổ trên rẫy của ông T đem bán lấy 1,5 triệu đồng tiêu xài. Sau vụ này, Đào phải ngồi "bóc lịch" trong trại giam 18 tháng.
Một người hàng xóm từng có thời gian làm công tác phụ nữ cho biết, lúc chồng ở tù, ngoài thời gian trồng tỉa, Hạnh còn thường xuyên làm thuê cho bà con lối xóm. Nhưng sự đời không chiều lòng người, lúc này trong làng thường có những lời đồn ác độc: Chồng đi tù, Hạnh ở nhà ngoại tình. Năm 2009, lúc ra tù, Đào "bán tín bán nghi" hỏi, nhưng Hạnh khẳng định không có chuyện đó. Nhưng mỗi lần ghen bóng ghen gió của Đào là một trận đòn đau trút lên người Hạnh. Khi thì dùng gậy đánh, lúc dùng cùi trỏ, khi bóp cổ vợ đến khi hàng xóm biết được, chạy sang can ngăn mới chịu thôi. Nhiều lần ủy ban và hội phụ nữ xã mời Đào lên khuyên giải, giáo dục nhưng hắn không nghe rồi về nhà lôi cha mẹ vợ ra để thoa mạ.
Tháng 6/2010, vì quá chán sống với người chồng tệ bạc nên Hạnh đã viết đơn ly hôn. Được TAND huyện Lộc Ninh gọi lên hòa giải, Đào luôn miệng rằng không muốn chia tay vợ và còn cam đoan sẽ làm người chồng tốt, yêu thương vợ con. Trước lời năn nỉ của chồng, cuối cùng Hạnh cũng tha thứ. Nhưng cũng chỉ được vài ngày, đâu rồi lại vào đó. Tình cảm vợ chồng vốn đã rạn nứt, thêm những cơn ghen tuông vô cớ, những trận đòn đau đớn khiến hạnh phúc đứng bên bờ vực thẳm. Trong vòng vài năm trở lại đây, hai vợ chồng họ luôn cãi nhau. Vợ kịch liệt lên án chồng tội trộm cắp phải ngồi tù, chồng lại cho rằng thời gian hắn ngồi tù, vợ chăng hoa với người đàn ông khác, không còn thủy chung, chăm lo cho gia đình như trước nữa. Cãi qua cãi lại rồi tiếp tục đem nhau ra tòa.
Hiện trường vụ án
Trong thời gian này, giữa hai bên thông gia cũng xảy ra mâu thuẫn rất quyết liệt, cuối cùng "chẳng thèm nhìn mặt nhau". Một người phụ hồ trong xóm thuật lại: "Bố chồng của Hạnh đào giếng sơ ý nên bị ngã, chi phí rất tốn kém. Để phụ giúp, bố mẹ đẻ của Hanh đã đưa một chiếc xe gắn máy cũ đi bán lấy tiền chạy chữa cho ông thông gia, đổi lại bố mẹ Đào phải cắt một phần đám đất vườn giáp ranh cho bố mẹ Hạnh. Hai bên đồng ý và tiến hành làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng. Tuy nhiên, cha của Đào nghe lời đồn những giấy tờ kí kết không minh bạch nên làm đơn tố cáo bố mẹ chị Hạnh lấn chiếm đất đai. Do không có chứng cớ buộc tội nên tòa đã xử cho bố mẹ chị Hạnh được quyền sử dụng phần đất đã được hai bên trao đổi trước đó. Cũng chính từ đây nảy sinh nhũng mâu thuẫn âm ỉ giữa hai gia đình, khiến họ thề "không thèm nhìn mặt nhau". Cay cú sau vụ việc này, Đào liên tục trút giận lên chị Hạnh bằng nhiều trận đòn không nương tay.
Không chịu nổi, tháng 11/2012, chị Hạnh tiếp tục đưa đơn ra TAND huyện Lộc Ninh yêu cầu được ly hôn. Trong thời gian chờ tòa xét xử, chị Hạnh chuyển về sống với cha mẹ, Đào gom tất cả các vật dụng còn giá trị trong nhà đem bán lấy tiền tiêu xài rồi đưa đứa con gái lên chùa nhờ sư cô chăm sóc. Qua 3 lần hòa giải không thành, tháng 3/2013, tòa xử ly hôn nhưng Đào không đến, nên tòa án buộc phải tuyên ly hôn vẳng mặt. Ngôi nhà là của cải chung của hai người, sau ngày "đường ai nấy đi", chị Hạnh đem bán được 55 triệu đồng, chia cho Đào 25 triệu, chị giữ lại 30 triệu. Nghĩ vợ ăn ở hai lòng nên quyết tâm ly hôn bằng được, Đào cho rằng mình bị phản bội, cùng với việc phân chia tài sản không đồng đều nên hắn chuyển sự tức giận thành hận thù và lên kế hoạch trả thù chị Hạnh.
Sự việc xảy ra vào lúc 6 giờ 30 ngày 2/5, chị Hạnh đi xe gắn máy từ nhà đến tiệm tóc làm việc thì bị Đào lái xe gắn máy đâm thẳng. Cú va chàm mạnh khiến chị Hạnh không kíp né, vội hốt hoảng nhảy ra khỏi xe, cùng lúc chiếc gắn máy đổ vật xuống lòng đường. Đang loạng choạng thì Đào tiến tới rút con dao rựa sáng loáng, lạnh lùng chém liên tiếp lên tay, bả vai và một cú chém vào cổ họng.
Nghe tiếng kêu la thất thanh, mọi người vội vàng chạy đến thì chị Hạnh đã nằm bất động ven đường, toàn thân máu bê bết. Bị phát hiện khi trên tay đang lăm lăm con dao còn dính đầy máu, Đào liễn vứt hung khí bỏ chạy vào một khu lẩn trốn. Chị Hạnh đã chết ngay bên vệ đường.
Sau khi giết chị Hạnh, Đào tự tử. Khoảng một giờ sau đó, cảnh sát phát hiện Đào đang nằm thoi thóp ở gốc cây cà phê tại vườn một người dân trong vùng, mặt mày tái nhợt, thân thể bốc mùi nồng nặc của thuốc trừ sâu. Công an xác định, Đào đã dùng thuốc trừ sâu để tự vẫn. Đào được chuyển đi viện cấp cứu, nhưng vì uống quá nhiều nên đã tử vong ngay trong đêm.
Ông Phan Thanh Chiến (SN 1956), ấp trưởng cho biết: "Lúc tôi cùng bà con lối xóm chạy ra đã thấy cô Hạnh nằm bất động, máu chảy lênh láng, thân thể lấm lem ngay sát lề đường. Còn Đào đứng bên cạnh, trông mặt mày dữ tợn, tay lăm lăm con dao rựa còn dính nhiều vết máu loang. Hai vợ chồng nó có nhiều mâu thuẫn, nhưng không ngờ Đào lại ra tay tàn ác đến thế, hại vợ cũ rồi tự kết liễu chính bản thân mình".
Sự việc xảy ra quá đỗi khủng khiếp làm ông Đinh Văn Tài (cha chị Hạnh) ngất xỉu khi biết hung tin, phải đưa vào bệnh xá xã cấp cứu. Nắm lấy tay người viết, ông thều thào nói, con Hạnh nó ngoan và hiếu thảo lắm. Từ nhỏ nó đã hy sinh để các em được ăn học tử tế. Lớn lên, một mình nó lặn lội vô đây gây dựng cuộc sống rồi đem cả gia đình vào làm ăn. Nó là trụ cột tinh thần của cả nhà tôi, nay nó bị chết túc tưởi thế này, không biết vợ chồng tôi có sống nổi không. Vợ chồng nó chết rồi, nhưng rồi đứa con gái của chúng sẽ ra sao khi thiếu cha mẹ dạy dỗ. Sự việc sẽ tạo ra vết hằn trong đầu nó, rồi sau này ra đời liệu nó có vượt qua được mặc cảm và tiếng đời rằng cha nó đã xuống tay bóp chết một gia đình?
Làm sao ngăn chặn được sớm tội ác tày đình như thế này? Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong chúng tôi khi buộc phải ghi lại những vụ án đau lòng như thế này.