Éo le vụ TNGT chị chết, em đi tù: Chỉ mong một phán xét "có tình"
Những lá đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho chị Ngân dày đặc chữ ký của người dân thôn Đặng.
Ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh cụ Chãi hiền lành, nghèo khó, chỉ vì vụ tai nạn mà con gái mất, con dâu đi tù
Ngay cả cấp chính quyền địa phương, lực lượng công an xã cũng ngỡ ngàng trước việc chị Ngân bị tuyên án tù giam vì không may tự gây tai nạn khiến chị chồng của mình chết, bản thân chị Ngân bị thương.
“Ai sẽ nuôi tôi và các cháu?”
Trong ngôi nhà mới xây nhưng không khí u ám, ảm đạm bao trùm, cụ Trần Thị Chãi (SN 1933 ở thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) buồn rầu kể: “Tôi đang ở với vợ chồng con trai là Đỗ Đình Thi và con dâu là Phạm Thị Ngân (SN 1983, vừa bị TAND huyện Gia Lâm xử 13 tháng tù giam). Tôi có con gái là Đặng Thị Lạng, sinh năm 1966. Con gái và con dâu của tôi, chúng nó quý nhau lắm, những lúc nông nhàn hai chị em nó thường chở nhau bằng xe máy từ quê lên nội thành Hà Nội bán tăm tre cho các nhà hàng, quán ăn”.
Tai họa ập đến, gia đình nén nỗi đau tổ chức mai táng cho chị Lạng, chăm sóc và điều trị cho chị Ngân. Nỗi đau chưa vơi thì cuối tháng 4/2020, cả gia đình bàng hoàng khi chị Ngân bị đưa ra xét xử với tội danh “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ”, mức án tuyên là 13 tháng tù giam.
“Ngay tại tòa, tôi và con rể (chồng chị Lạng) đã năn nỉ xin toà nương tay tha cho con dâu tôi. Tôi đã khóc trước tòa rằng, tôi năm nay đã gần 90 tuổi, đã mất con gái, giờ có đứa con dâu hiếu thảo hằng ngày chăm sóc cho tôi, nuôi 3 cháu nội của tôi, cúi xin tòa cho con dâu tôi được hưởng lượng khoan hồng. Thế mà toà vẫn tuyên con dâu tôi 13 tháng tù giam”, cụ Chãi lo lắng kể.
Anh Dương Văn Vụ (chồng nạn nhân Lạng) chia sẻ: “Vợ tôi và cô Ngân hằng ngày đi làm cùng nhau. Tai nạn xảy ra cả đại gia đình tôi đã đau lắm rồi, vậy mà chẳng hiểu sao cơ quan công an vẫn quyết liệt điều tra dù tôi là đại diện bị hại không hề yêu cầu truy cứu trách nhiệm.
Bao nhiêu vụ TNGT, giữa nạn nhân và người gây tai nạn không hề quen biết nhưng họ vẫn có thể thỏa thuận dân sự. Tới khi tòa xử, tôi tha thiết xin tòa không xử lý em dâu để cô chú ấy nuôi con, chăm sóc mẹ đẻ của vợ tôi. Khi nghe tòa tuyên, gia đình tôi vừa là bị hại lẫn bị cáo đều bàng hoàng”.
Chỉ mong một phán xét “có tình”
Những ngày cuối tháng 5/2020, khi biết tin có PV tới tìm hiểu về vụ việc, nhiều người dân thôn Đặng đã bảo nhau kéo tới gia đình cụ Chãi để “chung tiếng nói xin giảm án” cho chị Ngân. Hiện lá đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho chị Ngân chật kín chữ ký của người dân thôn Đặng. Ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh cụ Chãi hiền lành, nghèo khó, chỉ vì vụ tai nạn mà con gái mất, con dâu đi tù, giờ lấy ai chăm cụ già, ba đứa con nhỏ của chị Ngân cũng như chăm lo cho những đứa cháu con của chị Lạng đã mất mẹ.
Anh Trần Văn Báu, hàng xóm nhà cụ Chãi bức xúc: “Nghe bản án tuyên cho chị Ngân, cả thôn đều xôn xao, thắc mắc. Mấy chục hộ dân trong thôn tôi đã ký vào đơn, chính quyền xã cũng xác nhận về nhân thân tốt của chị Ngân để đề nghị miễn giảm hình phạt. Chúng tôi là dân lao động nghèo chỉ mong những chữ ký dày đặc trên 2 trang giấy của chúng tôi - những người biết cả bị hại và bị cáo đến được chỗ các quan tòa, để rồi họ xem xét cho chị Ngân mức án nhẹ nhất có thể”.
Ngay cả cấp chính quyền địa phương, lực lượng công an xã cũng ngỡ ngàng trước việc chị Ngân bị tuyên án tù giam vì không may tự gây tai nạn khiến chị chồng của mình chết, bản thân chị Ngân bị thương. Ông Trần Văn Duy, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Phong xác nhận, chị Ngân ở địa phương luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, anh Dương Văn Vụ (người đại diện hợp pháp của nạn nhân Đặng Thị Lạng), bà Trần Thị Chãi (mẹ ruột nạn nhân Lạng) đều viết đơn kháng cáo và đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phạm Thị Ngân. Những lá đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho chị Ngân đã dày đặc chữ ký của người dân thôn Đặng, họ đều mong muốn có một phiên tòa có lý có tình hơn dành cho người phụ nữ nghèo chân chất.
“Có thể” và “xét thấy” tạo nên yếu tố tùy tiện trong xử lý
Theo luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong nhiều trường hợp TNGT dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ áp dụng Khoản 3, Điều 29, Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp phân tích, trong Điều 29, Bộ luật Hình sự quy định chưa rõ ràng với cụm từ “thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Tương tự trong Điều 65, Bộ luật Hình sự cũng quy định: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, với những từ ngữ như “có thể” hay “xét thấy” tạo nên một “khoảng trống” dễ dàng cho người thực thi pháp luật tùy tiện xử lý, áp dụng theo kiểu “xử lý cũng đúng, không xử lý cũng chẳng sai”.
“Trong xử lý các vụ việc, cơ quan bảo vệ pháp luật luôn cân nhắc tình và lý. Trong vụ TNGT khiến chị Lạng tử vong, chị Ngân hiện bị tuyên án 13 tháng tù giam này, các cơ quan tố tụng không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, không xét tới yếu tố “tình” trong xử lý dù bị cáo và nạn nhân là chị em”, luật sư Hiệp nhận định.
Vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, đại diện bị hại tha thiết xin miễn giảm tội cho bị cáo, nhưng tòa vẫn tuyên phạt người...
Nguồn: [Link nguồn]