Đường vào tù của một thầy giáo
Lê Phương Nam (sinh năm 1982, trú xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế- là giáo viên tiểu học) do cần tiền để chơi xổ số điện toán nên “nổ” với nhiều người, trong đó phần lớn là đồng hương rằng: Có thể xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát đóng tại tỉnh Quảng Nam hoặc chuyển công tác trong ngành Công an hay xin vào Chi cục Kiểm ngư…
Với “cái mác” giáo viên tưởng rằng Nam uy tín nên nhiều người đã đưa cho Nam số tiền từ 200 đến 700 triệu đồng/trường hợp để rồi nhiều năm nay phải “ngậm đắng nuốt cay” khi việc cũng không có, tiền cũng không lấy lại được.
Nhiều người miền núi sập bẫy khi nhờ xin làm Kiểm ngư
Lê Phương Nam lớn lên, sinh sống cùng với gia đình và học lớp 12/12 tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Với ước mơ sau này con mình trở thành thầy giáo, bố mẹ Nam dù vất vả nhưng vẫn cố nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học thể dục thể thao Đà Nẵng và Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, Nam về dạy học tại trường Tiểu học Vinh Hưng 1 ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc vào năm 2009.
Bị cáo Lê Phương Nam.
Trong khoảng thời gian 2017, khi xổ số điện toán Vietlott phát triển, với số tiền thưởng cộng dồn đã tạo khác biệt và thu hút người chơi, trong đó có Nam. Không chỉ vui chơi, Nam đam mê và dường như ấp ủ mộng làm giàu từ trúng số điện toán. Theo một chuyên gia xã hội học, xổ số là trò chơi may rủi, tất cả vì người ta nhìn thấy vé số là cơ may, là tiền mà không cần dùng sức lao động của mình làm ra…
Trở lại vụ án Lê Phương Nam, theo hồ sơ vụ án, do muốn có tiền để chơi xổ số điện toán, Lê Phương Nam đã đưa ra thông tin gian dối về việc mình có quen biết với những người có khả năng xin việc làm vào Chi cục Kiểm Ngư tại Đà Nẵng, Chi cục Kiểm ngư tại Phú Quốc, xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát V tại Quảng Nam, xin chuyển công tác để chiếm đoạt tiền của nhiều người có nhu cầu xin việc cho người thân. Nam đã đưa ra các mức giá khác nhau cho tùy trường hợp như xin vào các Chi cục Kiểm ngư có giá 200-250 triệu đồng/trường hợp; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200-450 triệu đồng/trường hợp; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát dao động mức giá từ 450-700 triệu đồng/trường hợp…
Điều đáng nói, trong số các bị hại, có nhiều bị hại là đồng hương của Nam ở tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, thông qua mối quan hệ bạn bè, ông Hoàng Bá Kh. (sinh năm 1963, trú tại xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) nghe tin Nam có quen biết với những người có khả năng xin việc làm vào Cục Kiểm ngư và ngành Công an nên đã liên lạc với Nam để đặt vấn đề thì Nam đồng ý. Ngày 25/7/2017, tại nhà của Lê Phương Nam ở xã Vinh Hưng và ngày 10/1/2018 và tại Trạm thu phí Phú Bài, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế); ông Hoàng Bá Kh. đã đưa cho Nam số tiền lần lượt là 200 triệu đồng và 50 triệu đồng cùng 1 bộ hồ sơ xin việc để nhờ Nam xin cho con trai là H.T.Đ. vào làm việc tại Chi cục Kiểm ngư đóng tại Đà Nẵng.
Tiếp đó, đến đầu tháng 6/2018, tại phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy), anh H.N.K. - con trai ông Hoàng Bá Kh. tiếp tục đưa cho Nam số tiền 200 triệu đồng để nhờ Nam xin cho anh chuyển công tác từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bộ Công an (đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) về công tác tại Công an tỉnh Quảng Bình.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Phương Nam.
Tương tự, ông Mai Văn Ng. (sinh năm 1970, trú xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) khi nghe ông Hoàng Bá Kh. nhờ được người xin việc cho con nên ông cũng nhờ xin cho con gái mình là M. T. H. vào làm nhân viên y tế tại Chi cục Kiểm ngư đóng tại TP Đà Nẵng. Sau khi được Nam đồng ý và nói số tiền xin việc là 200 triệu đồng thì ông Mai Văn Ng. đồng ý và chuyển tiền. Chưa dừng lại ở đó, thông qua các mối quan hệ bạn bè, ông Hoàng Tấn V. (sinh năm 1964, trú phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) nghe nhiều người nói Nam có khả năng xin được việc làm nên đã liên lạc để nhờ Nam xin cho con trai là H.T.S. vào làm tại Chi cục Kiểm ngư Phú Quốc thì Nam đồng ý. Ngày hôm sau, tại quán cơm ở đường tránh thành phố Huế, ông Hoàng Tấn V. đã đưa cho Nam số tiền 200 triệu đồng đồng cùng 1 bộ hồ sơ xin việc.
Số tiền tỷ Nam nhận để lo xin việc của nhiều người đã nhanh chóng “đội nón” ra đi theo giấc mơ làm giàu từ trò chơi xổ số điện toán.Và trong một lần về quê ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; Lê Phương Nam gặp ông Phạm Hồng N. (Nam gọi ông N. bằng dượng - PV) và “tiếp thị” rằng, nếu có ai muốn vào làm ngành Công an hoặc Kiểm ngư thì báo cho Nam xin giúp. Do tin tưởng Nam là cháu gọi vợ ông N. bằng dì ruột, đồng thời là giáo viên nên ông N. nhờ Nam xin việc cho 4 trường hợp và đã chuyển trước một phần tiền là 430 triệu đồng của các bị hại. Sau đó, Nam đã chiếm đoat toàn bộ số tiền này.
Cụ thể, Nam đã chiếm đoạt của ông Phạm Văn Q. (sinh năm 1965; trú tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) số tiền 90 triệu đồng để xin cho con trai ông Q. vào học trường Trung cấp Cảnh sát giao thông ở Quảng Nam. Nam đã chiếm đoạt của ông Nguyễn Văn Ch. (sinh năm 1963, trú tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) 100 triệu đồng để xin cho con trai ông vào làm việc tại Chi cục Kiểm ngư ở tỉnh Kiên Giang. Tương tự, Nam chiếm đoạt của ông Nguyễn Thanh L. (sinh năm 1962, trú tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) 90 triệu đồng để nhờ xin cho con trai ông vào làm việc tại Cục Kiểm ngư tại Kiên Giang. Hay Nam chiếm đoạt của bà Phan Thị Th. (sinh năm 1974, trú tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) số tiền 180 triệu đồng để nhờ xin cho con trai bà vào làm tại Vùng 3 Hải quân đóng tại Đà Nẵng…
“Nổ” xin được suất đi học trường trung cấp
Không chỉ lấy tiền để chạy việc, Lê Phương Nam còn “nổ” với nhiều người rằng, xin được nhiều suất vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát V đóng tại Quảng Nam. Vào tháng 4/2018, Nam gặp và biết được bà Nguyễn Thị Thanh Th. (sinh năm 1969, trú tại phường Thuận Hòa, thành phố Huế) có con trai là Dương Văn H. thi vào trường Công an nhưng không đậu nên Nam đưa ra thông tin mình có quen biết với Hiệu trưởng trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V đóng tại Quảng Nam và đặt vấn đề sẽ xin cho H. vào học với giá 700 triệu đồng. Nghe vậy, bà Th. cùng người thân rất vui mừng và đã 2 lần đưa cho Nam số tiền lần lượt là 10.000 USD và 300 triệu đồng, tổng cộng là gần 527 triệu đồng. Số còn lại, bà Th hẹn sẽ đưa đủ khi con trai có giấy báo nhập học…
Vì cần tiền để chơi xổ số điện toán nên Lê Phương Nam đã chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại (ảnh minh họa).
Cũng với thủ đoạn tương tự, cuối tháng 5/2018, Lê Phương Nam gặp ông Lưu Văn H. (sinh năm 1971, trú huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và anh Chu Văn Hưng (ở phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy) tại quán ăn gần sân bay Phú Bài (Huế). Sau khi nói chuyện và biết được ông H có con trai là Lưu Văn Tr. đang đi nghĩa vụ Công an tại tỉnh Lâm Đồng, mới thi đại học chưa có kết quả, thì Nam đặt vấn đề sẽ xin cho đi học tại Trung cấp Cảnh sát Quảng Nam với giá 450 triệu đồng thì ông Lưu Văn H. đồng ý. Giữa tháng 6/2018, tại nhà anh Chu Văn Hưng; ông H. đã đưa cho Nam số tiền 220 triệu đồng. Lúc này, vợ Nam là chị Hoàng Thị Phước Anh cũng có mặt và cùng ký vào giấy ghi là giấy mượn tiền.
Tiếp đó, Nam nói với ông H. đang ở Hà Nội để lo việc cho con ông và yêu cầu ông H. đưa số tiền còn lại. Để tạo niềm tin cho ông H, Nam hẹn ông H. chồng số tiền còn lại tại Hà Nội. Ông H. đành đặt vé máy bay bay ra Hà Nội và tiếp tục đưa cho Nam số tiền 230 triệu đồng cùng 1 bộ hồ sơ tại một khách sạn trước sân bay Nội Bài. Lúc này, Nam tự ký và ghi tên vợ mình trong giấy mượn tiền.
Sau khi nhận tiền kèm hồ sơ xin việc, hồ sơ đi học của tất cả các trường hợp có nhu cầu, nhằm tạo niềm tin, Nam đều viết giấy mượn tiền hoặc giấy nhận tiền và thỏa thuận nếu không lo được việc như đã hứa thì sẽ trả lại tiền để tạo lòng tin. Nhiều người đưa tiền cho Nam gần cả năm trời nhưng con em họ vẫn không được đi học, đi làm nên nóng ruột nên không ít lần gọi điện hỏi thăm, hối thúc Nam. Lúc đó, Nam đưa ra nhiều lý do khác nhau nhằm kéo dài thời gian. Cho đến khi, một số người đưa tiền cho Nam để lo chạy việc kiên quyết đòi lấy lại tiền vì thời gian chờ đợi quá lâu, không như lời hứa ban đầu của Nam thì Nam không có tiền để trả lại. Khi nghe tin nhiều người đã gửi đơn tố cáo hành vi của Nam đến cơ quan chức năng và trường học nơi Nam đang công tác thì cuối năm 2018, Nam đã bất ngờ bỏ trốn sang Lào và nghỉ dạy học.
Lúc này, những người đưa tiền cho Nam điêu đứng bởi mọi liên lạc với Nam đã bị cắt đứt hoàn toàn. Nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Bởi 6-7 năm về trước, để có số tiền hàng trăm triệu đồng đưa cho Nam để nhờ xin việc, xin đi học; họ đành phải vay mượn, thậm chí có trường hợp đi “vay nóng” lãi suất cao với hy vọng tìm được cho con một công việc ổn định. “Sau khi đưa cho Nam số tiền 200 triệu đồng đến nay đã hơn 6 năm nhưng con tôi vẫn không thể đi làm. Tôi từng tìm về nhà Nam để xin vợ Nam gửi lại cho ít tiền trả nợ nhưng cũng không có kết quả. Để có số tiền 200 triệu đồng đưa cho Nam, vợ chồng tôi đã cầm sổ đỏ nhà đất thế chấp vay ngân hàng. Và không biết món nợ này đến khi nào mới trả được”, một nông dân đưa tiền nhờ Lê Phương Nam xin việc cho con ngậm ngùi cho biết.
Sau nhiều năm lẩn trốn ở đất nước bạn Lào, đến giữa tháng 8/2023, Nam đã bị Công an Thừa Thiên Huế bắt giữ theo quyết định truy nã. Tại đây, Nam thừa nhận, do cần tiền đam mê xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân nên đã đưa ra nhiều thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của các bị hại. Cơ quan Công an đã điều tra và xác định, sau khi nhận tiền của các bị hại, Nam không hề lo xin việc và xin đi học như những gì Nam nói với các bị hại. Thực tế, Nam cũng không thân quen với lãnh đạo để xin việc, xin đi học như Nam “nổ” với nhiều người. Cơ quan điều tra xác định, số tiền Nam chiếm đoạt của các bị hại (trong đó có bị hại đưa đủ, có bị hại chỉ đưa trước một phần - PV) tổng cộng là 2,286 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/5, Lê Phương Nam tỏ ra ăn năn hối hận, đã gửi lời xin lỗi đến các bị hại. Bị cáo khai có vợ bị ung thư, có hai con nhỏ và xin được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về lo cho gia đình. HĐXX tuyên phạt Lê Phương Nam 13 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Tòa còn buộc Lê Phương Nam phải trả lại số tiền 2,286 tỷ đồng cho các bị hại mà bị cáo đã chiếm đoạt.
Phiên tòa khép lại và nỗi đau mà bị cáo gây ra cho mọi người là quá lớn. Trong đó, bố mẹ bị cáo có lẽ là người đau xót nhất khi bao năm qua dù cuộc sống khó khăn họ vẫn cố gắng nuôi cho con ăn học đến nơi đến chốn và khi Nam trở thành thầy giáo cũng là niềm mơ ước của nhiều người làm bố làm mẹ ở vùng quê Quảng Bình. Thế nhưng, do sa đà vào xổ số để rồi hôm nay đứa con mà họ từng đặt bao hy vọng đã lầm đường lạc lối…
Nguồn: [Link nguồn]
Cụ bà mong thanh niên cướp vé số nhận ra sai lầm, đừng đi hại người khác, chứ không muốn để anh ta vướng tù tội