Đường đến vòng lao lý của nữ đại gia Sáu Phấn

Dư luận không ít ồn ào về sự lũng đoạn, thao túng một thời đối với Ngân hàng Đại Tín của bà Phấn. Bởi thế, việc mới đây cơ quan điều tra khởi tố bà Phấn không làm ai ngạc nhiên.

Đường đến vòng lao lý của nữ đại gia Sáu Phấn - 1

Bà Hứa Thị Phấn

Bà Hứa Thị Phấn (còn được biết đến với tên gọi đại gia Sáu Phấn) là người được xác định có vai trò quan trọng trong vụ thất thoát 9.000 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng (trước đó là Ngân hàng Đại Tín) mà cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý hàng loạt lãnh đạo, cán bộ có liên quan. Đây được coi là bước tiếp theo của vụ đại án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng và hàng chục đồng phạm khác.

Thổi giá đất gấp 400 lần

Theo Nghị định 141/2006, các ngân hàng (NH) phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ buộc phải sáp nhập hoặc giải thể. Năm 2010, biết NH Đại Tín lúc này chỉ có 1.000 tỷ đồng, rất cần tăng vốn, bà Phấn đã nhờ 29 người thân, quen đứng tên vay hơn 3.581 tỷ đồng tại NH Đại Tín. Điều đáng nói, tài sản thế chấp cho khoản vay hàng nghìn tỷ đồng này chủ yếu chỉ có hai miếng đất chính: 9ha đất trồng cây lâu năm tại quận 2 và 24ha đất trồng lúa tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Đất tại đây có giá khoảng 80 nghìn đồng/m2 đã được NH Đại Tín định giá 8 triệu đồng/m2, thậm chí lên tới 32 triệu đồng/m2. Việc định giá tài sản từ thấp lên cao 300 - 400 lần với mục đích rút ruột NH thông qua khoản vay 3.581 tỷ đồng. Chưa kể với khoản vay này, NH Đại Tín đã cho vay gấp 3 lần vốn điều lệ.

Trong 29 hồ sơ bà Phấn nhờ đứng tên vay có các cựu lãnh đạo cao nhất của NH Đại Tín hoặc là người nhà, họ hàng… Cụ thể, những người đứng vay hộ bà Phấn là ông Trần Sơn Nam - nguyên Tổng giám đốc NH Đại Tín, ông Hoàng Văn Toàn - nguyên Chủ tịch HĐQT NH Đại Tín, bà Ngô Kim Huệ - cháu bà Phấn, ông Hứa Xường - người nhà bà Phấn.

Sau khi vay 3.581 tỷ đồng, bà Phấn dùng 2.000 tỷ đồng để góp vốn vào NH Đại Tín, nâng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 1.581 tỷ đồng được bà Phấn và các đồng phạm sử dụng với mục đích cá nhân. Như vậy, bằng sự cấu kết chặt chẽ với các đồng phạm, bà Phấn chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại NH Đại Tín.

Mua đi bán lại BĐS, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng

Theo cơ quan điều tra, năm 2011, bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT và ban điều hành của NH Đại Tín mua, nâng giá mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3 từ Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang với giá khoảng 1.260 tỉ đồng. Công ty Lam Giang cũng là một trong các công ty sân sau của bà Phấn. Điều đáng nói, cũng trong thời điểm này, chính NH Đại Tín trước đó đã định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch giá 290 tỷ đồng. Việc mua bán này cũng đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định của NH theo quy định. Chỉ với riêng phi vụ này, đại gia Sáu Phấn đã rút ruột NH hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 24/3, Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở của bà Hứa Thị Phấn tại quận Thủ Đức về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, mặc dù bị khởi tố nhưng bà Phấn được tại ngoại do tuổi cao, sức yếu. Nhưng theo luật bà Phấn bị cấm xuất cảnh, phải tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.

Theo lời khai của ông Trần Sơn Nam, ngoài căn nhà ở số 5 Phạm Ngọc Thạch, thời điểm này NH Đại Tín còn mua nhiều tài sản, bất động sản liên quan đến bà Phấn. Cụ thể, như nhà số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 với giá khoảng 1.000 tỷ đồng, nhà 426 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, số nhà 1 - 3 - 5 Cao Xuân Dục, quận 8… Việc quyết định mua bất động sản để làm chi nhánh, hội sở là do bà Phấn quyết định vì bà đại diện cho hơn 84% cổ phần NH Đại Tín.

Những lãnh đạo được cho là làm theo chỉ đạo của bà Phấn gây thất thoát số tiền hàng nghìn tỷ đồng tại NH Đại Tín là ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, bà Ngô Kim Huệ, nguyên Phó tổng giám đốc NH Đại Tín. Những người này đều đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố từ tháng 1/2017 cùng hành vi với bà Phấn nhưng với vai trò đồng phạm.

Vu khống nợ cho doanh nghiệp

Không chỉ rút ruột tiền từ NH bằng các thủ đoạn như mua đi bán lại tài sản bất động sản, thế chấp đất nông nghiệp cao gấp vài trăm lần giá trị thực tế…, đại gia Sáu Phấn cùng đồng phạm đã vu khống nợ cho Công ty Phương Trang bằng cách tạo hồ sơ giả, kê khống để chiếm đoạt tiền vay của nhiều cá nhân, tổ chức khác...

Chỉ riêng trường hợp của Công ty Phương Trang, đại gia Sáu Phấn cùng với Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ và một số cán bộ chủ chốt của Đại Tín đã dùng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán ngụy tạo hồ sơ và ghi thêm thành dư nợ khống lên cho Công ty Phương Trang thêm 4.900 tỷ đồng.

Kết quả điều tra, trong tổng số dư nợ tín dụng 9.434 tỷ đồng mà NH Đại Tín ghi nợ cho Công ty Phương Trang, bà Phấn đã chiếm đoạt và sử dụng trái phép số tiền hơn 4.900 tỷ đồng của NH Đại Tín. Bà Phấn cũng đã thừa nhận với cơ quan điều tra về số tiền này. Còn khoảng hơn 1.100 tỷ đồng mà nhóm bà Phấn sử dụng thế nào đang được cơ quan điều tra làm rõ. Vì vậy, Công ty Phương Trang cũng đã đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ các hành vi cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 4.900 tỷ đồng của bà Phấn, ông Toàn, ông Nam và các nhân viên của NH Đại Tín có liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Báo giao thông)
Xét xử 6 đại án tham nhũng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN