Đường dây làm giả chứng chỉ nghề cực "khủng" từ Bắc vào Nam, bán hàng chục ngàn chứng chỉ
Ngày 28-12, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho hay quá trình mở rộng điều tra, đã khởi tố bị can 68 đối tương trong đường dây làm giả chứng chỉ nghề "khủng" chưa từng có, hoạt động từ Bắc vào Nam.
Cầm đầu đường dây làm giả chứng chỉ nghề là Mai Ngọc Vinh (SN 1990, trú tại khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH Trí tuệ Đất Việt.
Lê Văn Tưởng (một trong những cộng tác viên đắc lực của đường dây do Vinh cầm đầu) khai nhận tại cơ quan công an.
Trước đó, vào tháng 3-2022, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Hải Dương có thông tin về đường dây làm giả chứng chỉ nghề với quy mô lớn. Quá trình theo dõi, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ Lê Văn Tưởng (29 tuổi, trú tại phường Phả Lại, TP Chí Linh) đang bán các chứng chỉ đào tạo nghề không qua đào tạo.
Mở rộng đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương xác định nguồn cung cấp các chứng chỉ là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục ở các tỉnh phía Nam nên đã lập chuyên án đấu tranh.
Ngay sau đó, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với các phòng nghiệp vụ phát hiện, xác định một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục cấp bán hàng chục ngàn chứng chỉ nghề không qua đào tạo, sát hạch. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với quy mô rất lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến nay, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án và khởi tố 68 bị can về các tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các bị can quê ở các địa phương gồm: TP HCM, TP Hà Nội, các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Bến Tre, Gia Lai, Thanh Hóa…
Theo tài liệu điều tra, Mai Ngọc Vinh đã mở nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, phát triển hệ thống cộng tác viên rộng khắp từ Bắc vào Nam để thực hiện việc làm, mua bán chứng chỉ của mình. Đường dây của Vinh đã cấp bán hàng chục ngàn chứng chỉ nghề không qua đào tạo, sát hạch. Cơ quan công an đã thu giữ khoảng 1 triệu phôi chứng chỉ các loại.
Điển hình vào tháng 1-2018, Vinh thành lập Công ty TNHH Nhân lực Trường Sơn tại tỉnh Quảng Ngãi và làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Tháng 3-2020, Vinh vẫn là chủ sở hữu nhưng chuyển cho Nguyễn Văn Chung (SN 1992, trú tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Cùng vào tháng 1-2018, Vinh thành lập và là người đứng đầu Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn là chi nhánh của Công ty TNHH Nhân lực Trường Sơn tại TP HCM. Đến tháng 12-2018, trường chuyển địa chỉ về tỉnh Quảng Ngãi để hoạt động. Tháng 12-2021, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường do vi phạm nghiêm trọng quy định về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong thời gian hoạt động, Vinh giao cho Chung làm Phó hiệu trưởng của trường và tuyển dụng nhiều nhân viên giúp việc.
Từ sự chỉ đạo của Vinh, Chung chỉ đạo các nhân viên quản lý, sử dụng nhiều trang web, Zalo đăng bài quảng cáo, tìm kiếm khách hàng mua chứng chỉ không qua đào tạo, sát hạch. Chung ký sẵn các chứng chỉ, các nhân viên có nhiệm vụ nhập thông tin khách hàng đặt mua vào các trang web của trường, hoàn thiện chứng chỉ, theo dõi vận đơn... Mỗi chứng chỉ bán ra có giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp khách mua nhiều được giảm giá còn từ 300.000-450.000 đồng/chứng chỉ.
Vinh trả công cho Chung 15 triệu đồng/tháng, hưởng 10% doanh thu bán chứng chỉ của trường. Các nhân viên khác được nhận từ 5 - 6 triệu đồng/tháng và mỗi người hưởng 10% số tiền trực tiếp tư vấn bán chứng chỉ cho khách lẻ.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 5-2020 đến đầu tháng 4-2022, Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn đã cấp ra 14.268 chứng chỉ nghề.
Ngoài ra, vào tháng 5-2017, Vinh còn thành lập Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam, chi nhánh Công ty CP Giáo dục Việt RDC tại tỉnh Bình Dương do Vũ Thị Dung (SN 1991) là vợ của Vinh đứng đầu nhưng chưa được cấp phép hoạt động ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Vinh giao cho Nguyễn Văn Hậu (SN 1996, cùng quê với Chung) làm Phó Hiệu trưởng và tuyển dụng nhiều người làm nhân viên. Hậu có nhiệm vụ như Chung trong việc chỉ đạo, điều hành việc cấp chứng chỉ. Giá bán chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam tương tự như Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn. Tài liệu điều tra xác định, từ ngày thành lập, Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam đã cấp ra 8.351 chứng chỉ nghề.
Tháng 1-2019, Vinh tiếp tục thành lập Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, chi nhánh Công ty TNHH Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh và giao cho em họ là Trương Đức Thành (SN 1996, ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) làm chủ. Tháng 12-2021, trường bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thành sử dụng tài khoản Zalo để tư vấn cho khách hàng có nhu cầu mua chứng chỉ nghề không cần tham gia học, thi sát hạch với giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/chứng chỉ.
Ngoài các đầu mối trên, qua điều tra xác định, Vinh phát triển nhiều cộng tác viên rất đắc lực gồm: Lê Văn Tưởng, Lê Văn Thế (SN 1991, trú tại phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Đức Quyền (SN 1989, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội)…
Từ tháng 10-2021, Tưởng trở thành cộng tác viên của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn. Tưởng đã đặt mua 138 chứng chỉ của trường, với giá 400.000 đồng và bán ra giá 900.000 đồng/chứng chỉ. Từ tháng 5-2020 - 4-2022, Thế đã mua và bán 186 chứng chỉ đào tạo nghề của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn. Thế mua 400.000 đồng, bán lại cho khách đặt mua giá từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/chứng chỉ. Cũng thời gian trên, Quyền đặt mua 632 chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn, bán ra thu lãi từ 350.000 - 700.000 đồng/chứng chỉ.
Nguồn: [Link nguồn]
Một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vừa bị Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an và Công an tỉnh Nam Định triệt phá.