Đường cụt của kẻ cướp tiệm vàng

Tên cướp khai rằng số tiền nợ hàng trăm triệu đồng không có khả năng chi trả đã khiến hắn làm liều, đi cướp tiệm vàng. Hắn đã không lường trước được người chủ tiệm vàng dũng cảm, nhanh trí chống lại khiến hắn phải bỏ chạy. Và hắn cũng không lường trước được hành vi phạm tội đã đẩy gia đình của hắn vốn đã nghèo túng giờ càng thêm bất hạnh, khó khăn hơn…

Kẻ cướp táo tợn

Người bị hại trong vụ án, anh Phạm Văn Quân (34 tuổi), chủ tiệm vàng Quân Thủy, 502 Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, Đống Đa vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại giây phút bị tên cướp "viếng thăm". Lúc đó khoảng 13h ngày 17/4, buổi trưa tiệm vàng vắng khách, ngoài đường cũng thưa người qua lại. Chị Thủy vợ anh nằm nghỉ trên gác xép, chỉ một mình anh Quân trông hàng. Một thanh niên mặc bộ comple, đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang đi xe máy Wave màu trắng đỗ xe trước cửa tiệm.

Bất ngờ vị khách này lao vào, một tay giơ khẩu súng đen ngòm, tay kia giơ "quả mìn" có gắn chiếc điện thoại di động bên trên đe dọa: "Đây là mìn, im mồm không tao cho nổ tung chỗ này". Tên cướp chĩa súng nhằm thẳng vào anh Quân quát tiếp: "Lấy hết vàng ra đây".

Anh Quân vờ cúi xuống quầy hàng lấy vàng theo yêu cầu của tên cướp rồi bất ngờ rút thanh sắt vụt tên cướp. Bị phản công, tên cướp bỏ chạy ra ngoài đường, hướng về phía cầu vượt Ngã Tư Sở. Vợ chồng chủ tiệm vàng dũng cảm tiếp tục truy đuổi phía sau. Tên cướp liền ném lại chiếc túi nilon đựng quả mìn rồi chĩa súng dọa: "Chúng mày đuổi theo tao bắn chết".

Sợ tên cướp làm liều, hai vợ chồng anh Quân dừng lại rồi ném chiếc túi nilon ra khoảng trống, tri hô mọi người tránh xa. Rất may, quả mìn đã không nổ và được phát hiện đó chỉ là mìn giả được chế tạo từ một chiếc cốc thủy tinh chứa đầy đất cát và gắn một chiếc điện thoại di động cũ. Tên cướp đã chạy thoát, bỏ lại chiếc xe máy Wave trên vỉa hè.

Đường cụt của kẻ cướp tiệm vàng - 1

Tiệm vàng Quân Thủy - nơi xảy ra vụ cướp.

Chỉ 2 giờ đồng hồ sau khi nhận được tin báo, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội phối hợp Công an quận Đống Đa đã làm rõ tên cướp tiệm vàng là Trần Việt Dũng (23 tuổi), ở phố Trần Cung, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội.

Chiều muộn ngày 17/4, khi tới Cơ quan Công an đầu thú, thủ phạm Trần Việt Dũng khiến chúng tôi ngạc nhiên vì đi ăn cướp nhưng hắn ăn vận quá ư lịch sự. Bộ comple màu xám, áo sơ mi trắng, chỉ thiếu ca-vát là hắn có thể đóng vai… chú rể được. Gương mặt hắn nom cũng sáng sủa, hiền lành chứ không bặm trợn, lì lợm như những kẻ cướp có "số má". Thế nhưng hành vi cướp tiệm vàng mà hắn thực hiện thì khá hung hăng, manh động và được chuẩn bị khá chu đáo.

Bước đầu tên Dũng khai nhận do nợ nần nhiều người không có khả năng chi trả nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản tại các tiệm vàng bạc trên địa bàn Hà Nội lấy tiền thanh toán nợ. Mấy ngày trước khi gây án, Dũng đi “khảo sát” trên các tuyến phố tìm tiệm vàng nào sơ hở sẽ hành động. Ngày 16/4, Dũng đã chọn cửa hàng Quân Thủy làm nơi gây án.

Sáng 17/4, Dũng chuẩn bị "đồ nghề" đi cướp gồm 1 khẩu súng nhựa màu đen mua ở cổng công viên Thủ Lệ, 1 chiếc dùi cui điện, 1 con dao gọt hoa quả và 1 quả mìn giả do hắn tự chế bằng chiếc cốc thủy tinh nhồi đất gắn chiếc điện thoại di động cũ. Trưa 17/4, hắn mang theo số "đồ" trên đến tiệm vàng Quân Thủy, đi lại nhiều lần quan sát, chờ cơ hội. Đến 13 giờ, thấy vắng vẻ Dũng quyết định ra tay…

Với hành vi cướp tài sản trên, Trần Việt Dũng đã bị tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đường cụt của kẻ cướp tiệm vàng - 2

Tang vật vụ án

Gây án vì quẫn bách?

Bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ của Trần Việt Dũng đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi thoăn thoắt quấy nồi chè trên chiếc bếp than tổ ong ngoài vỉa hè. Đôi mắt sưng húp, bà bảo rằng thằng Dũng bị bắt, bà chẳng thiết đến ăn uống. Nhưng bà vẫn phải duy trì việc bán hàng, vì cuộc sống của cả gia đình mấy chục năm nay phụ thuộc vào một tay của bà. Hôm nào bà nghỉ bán hàng coi như treo niêu.

Quán hàng nước của bà Thủy tận dụng khoảng vỉa hè trước gian nhà chừng dăm thước vuông. Bên trong cũng lỉnh kỉnh đồ đạc. Ông Quảng, bố của Trần Việt Dũng run rẩy lần tường từng bước. Bà Thủy ứa nước mắt bảo ông ấy bị tai biến mạch máu não đã hơn 20 năm nay. Hôm qua nghe tin thằng Dũng bị bắt, ông ấy ngất lịm. Lẽ ra phải đưa ông Quảng vào viện, nhưng nằm viện thì phải có tiền. Nợ nần chồng chất, việc làm ăn thì cứ lụn bại dần nên bà Thủy đành để chồng ở nhà.

"Nói là nhà vậy thôi, chứ chỗ này cũng là nơi đi thuê chứ đâu phải nhà mình" - bà Thủy chua chát rồi lại sụt sịt: "Cái nghèo cứ bám riết nên làm ăn vất vả mà chẳng bao giờ có cơ ngẩng mặt lên được".

Bà Thủy kể rằng trước kia bà có nhà ở tổ 32 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Nhà của bố mẹ bà để lại cho 4 chị em. Thương hoàn cảnh bà Thủy vất vả nên mọi người nhượng lại. Hai vợ chồng buôn bán ngoài chợ, tích cóp trả nợ dần. Thế rồi trận tai biến làm ông Quảng không còn sức khỏe. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai của bà. Bà xoay sang bán hàng cơm.

Học hết cấp 2, thằng Dũng nghỉ học phụ giúp mẹ. Việc kinh doanh thua lỗ, nợ nần triền miên cộng thêm chi phí chữa bệnh cho chồng buộc bà phải bán nhà trả nợ một phần, phần còn lại mua một ngôi nhà nhỏ ở Cổ Nhuế. Thế nhưng ngôi nhà này cũng chẳng giữ được bao lâu. Việc bán đi chỗ trú ngụ cuối cùng, theo bà Thủy thì vẫn là lý do để trả nợ.

Cô con gái lớn lấy chồng. Còn thằng Dũng vẫn lông bông không nghề nghiệp. Năm 2010, nó đòi bà cưới vợ. Thôi thì hy vọng nó có vợ con sẽ tu chí làm ăn. Bà nghĩ thế nên cố lo cho nó một đám cưới tươm tất. Còn ít tiền bán nhà, bà cho hai vợ chồng thằng Dũng thuê nhà ở riêng và có chút vốn kinh doanh, mở quán ăn. Thế nhưng, theo bà Thủy thì việc làm ăn của vợ chồng thằng Dũng cũng lận đận, rơi vào thua lỗ nợ nần. Giữa năm ngoái, vợ thằng Dũng bế con bỏ đi, để lại một gánh nợ. Bà Thủy phải đứng ra trả nợ thay cho hai vợ chồng.

Kinh doanh thất bại, thằng Dũng quay sang lô đề. Bà Thủy bảo lúc đầu nó ghi đề và san bảng đề chung với một người bạn. Cách đây khoảng 6 tháng, có người đánh "con đề" rất to. Hôm ấy thằng Dũng mải chơi cờ tướng nên quên không "san" cho người khác. Buổi tối "con đề" khủng ấy trúng, số tiền phải trả lên đến mấy trăm triệu. Thằng Dũng buộc phải vay tiền của "đầu gấu" với lãi suất cao để trả cho người trúng đề.

"Từ ngày ấy, cả nhà lâm vào cảnh nợ chồng nợ. Nó mang xe máy của mẹ đi đặt. Xe của nó cũng đứt luôn. Quẫn bách khiến nó lại càng nghĩ quẩn. Nó quay sang chơi lô đề hi vọng sẽ gỡ được, có tiền để trả nợ và có tiền nuôi con. Vợ nó yêu cầu mỗi tháng phải trả 2,5 triệu đồng tiền gửi con ở nhà trẻ. Nó cũng tìm các cửa để vay tiền trả nợ nhưng chẳng còn cửa nào nữa. Còn tôi vẫn chèo chống với hàng quán, được đồng nào hay đồng ấy. Tôi đi vay ngân hàng cho nó được mấy chục triệu. Rồi quay sang chơi họ, trả dần cho nó. Ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc" - bà Thủy kể về lý do dẫn đến hành vi cướp tiệm vàng của thằng Dũng sau này.

"Tiền nó vay ban đầu không nhiều đến thế đâu. Nhưng lãi cao quá, lãi ngày nên mới lên đến mấy trăm triệu. Thời gian đầu không có tiền trả nợ, thằng Dũng đã phải đi trốn. Sau thấy không ổn, tôi bảo thôi con cứ về nhà, ở tạm trên gác. Bọn đầu gấu đến đòi tiền, tôi đứng ra trả thay, lần vài triệu, lần vài chục triệu. Nhưng có lúc tôi cũng không có sức trả nợ nữa, tôi cũng trách nó, dằn vặt nó. Nó bảo giờ mẹ có mắng thì con cũng chẳng biết làm thế nào nữa. Nợ nần triền miên, lại không có tiền nuôi con nên nó nghĩ quẩn, nghĩ ra cách đi cướp tiệm vàng. Chứ tính nó xưa nay nhát lắm, chưa gây gổ, đánh nhau với ai bao giờ". Kể đến đây, bà Thủy lại đưa tay lên chấm nước mắt.

Đường cụt của kẻ cướp tiệm vàng - 3

Gia cảnh nghèo khó của bố mẹ Dũng.

Bà Thủy kể mấy ngày trước khi gây án, thằng Dũng bảo ông bà rằng nó đã quyết định vào miền Nam làm ăn để có tiền trả nợ, đồng thời là cách tốt nhất để trốn bọn "đầu gấu" đang truy tìm nó mấy tháng nay. Chứ ở Hà Nội mà sống chui lủi để trốn nợ mãi cũng không ổn. Nó bảo đến ngày 17/4 thì lên đường. Nó nói thế thì cả nhà đều mừng. Bà Thủy động viên Dũng rằng thôi con chịu khó vào trước, ở ngoài này bà sẽ thu xếp rồi vào cùng cho có mẹ có con để dựa vào nhau.

"Khoảng 10 giờ sáng, nó lên gác thắp hương. Tôi cứ nghĩ nó "chào" các cụ để chiều vào miền Nam. Nào ngờ... Đêm qua tôi không thể nào ngủ được. Vợ chồng tôi già yếu bệnh tật, chỉ trông mong nó làm chỗ dựa. Giờ nó bị bắt thế này, không biết tôi có trụ được…". Khó khăn lắm, ông Quảng mới thốt ra được bằng ấy câu, hai bàn tay ông run rẩy cố nắm vào nhau mà không nắm nổi.

"Sáng thứ tư, thằng Dũng để cái túi ở dưới nhà để chuẩn bị đi miền Nam. Tôi mở cái túi xem nó mang những gì đi. Nó bảo đồ của con, mẹ tò mò làm gì. Tôi mà biết nó chuẩn bị đồ để đi ăn cướp thì tôi đã ngăn nó lại. Gần trưa, nó chở tôi đến nhà chị gái nó xong thì lấy xe máy đi. Đến chiều, nó nhắn cho chị là bị bắt xe. Hỏi thì nó nói thật là vừa đi cướp, vứt xe bỏ chạy. Nó bảo kiểu gì thì công an cũng tìm đến vì là xe của anh rể nên nó gọi về bảo tôi lên Cơ quan Công an để xin xe về trả cho anh.

Lúc tôi lên nhà con gái thì các anh công an cũng vừa tìm đến. Các anh ấy mời tôi và cậu con rể lên Cơ quan Công an làm việc. Lúc đầu tôi cũng định giấu nhưng nghĩ làm thế cũng không được, vì liên lụy đến con rể nên tôi nói thật hết mọi chuyện. Các anh công an khuyên tôi nên động viên thằng Dũng ra đầu thú ngay thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lúc đó thằng Dũng điện thoại cho tôi. Tôi làm theo các anh công an, bảo nó về đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật", bà Thủy kể lại.

"Cuộc sống vất vả, nghèo túng nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm ăn phi pháp. Bây giờ chỉ vì nợ nần, quẫn trí, nó đã gây ra việc tày trời, đi ăn cướp của người ta. Nó bảo bố mẹ không phải lo cho con, coi như con đã chết rồi. Nó đâu biết rằng vợ chồng tôi bây giờ đang sống dở chết dở vì nó…".

Không gian trong căn phòng chật hẹp như nặng nề hơn bởi tiếng khóc, tiếng thở dài não nề của bà Thủy. Ông Quảng nhìn ra khoảng trống trước sân như vô định, đôi vai gầy của ông rung lên từng chặp.

Đằng sau mỗi vụ án, đôi khi gánh chịu hậu quả chua xót nhất, không phải là kẻ gây ra hành vi phạm tội mà lại chính là những người thân của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Vũ (Công An Nhân Dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN