Dùng ngân sách đền bù án oan: Vì khó bắt lỗi?

Đa phần những người bị án oan, đã nhận được tiền bồi thường bù từ các cơ quan tố tụng, đều cho rằng ai gây ra oan sai thì người đó phải bỏ tiền ra bồi thường. Không thể đổ do không cố ý, bắt ngân sách phải gánh thay.

LTS: Ngày 13.3, trả lời chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết hơn 6 tỷ đồng ngành tòa án đã bồi thường án oan trong 3 năm qua hoàn toàn là tiền ngân sách vì “chưa phát hiện trường hợp nào do lỗi cố ý, nên chưa xem xét trách nhiệm hoàn trả”.

Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi: Việc lấy tiền ngân sách, trong đó có tiền thuế của dân, để bồi thường cho người bị án oan liệu có hợp lý? Tại sao luật đã quy định rõ người nào làm oan người đó phải bồi thường, nhưng điều luật này vẫn chưa được áp dụng dù tỷ lệ án oan không ít?

Chuyên đề của Báo NTNN sẽ giải đáp những câu hỏi này.
Khó xác định lỗi do luật mông lung
 
Ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) là người bị kết án oan đã được nhà nước xin lỗi và bồi thường thiệt hại hơn 666 triệu đồng. Ông Phi cho biết toàn bộ số tiền mà ông nhận đền bù đều từ ngân sách nhà nước, không có cá nhân nào làm sai dẫn đến án oan cho ông bị truy thu bồi hoàn.

Theo Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên khoản 2 của điều luật quy định người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
 
"Để xác định lỗi do cố ý hay vô ý tôi thấy rất mông lung. Điển hình như vụ tôi bị kết án oan năm 1998. Bản chất vụ việc đó chỉ là quan hệ dân sự giữa tôi và ngân hàng, tại sao các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình lại hình sự hóa vụ việc lên, không quan tâm đến ý kiến của tôi? Tôi cho rằng đó là lỗi do cố ý chứ không phải vô ý. Bộ luật Dân sự thời điểm tôi bị bắt đã có hiệu lực được 2 năm tại sao những người có thẩm quyền không soi chiếu áp dụng mà cứ hình sự hóa để dẫn đến oan sai" - ông Phi bày tỏ.
 

Dùng ngân sách đền bù án oan: Vì khó bắt lỗi? - 1

Một năm rưỡi sau khi đồng loạt bị bắt với cáo buộc giết người và cướp tài sản, 7 thanh niên ở  huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được Viện KSND tỉnh Sóc Trăng bồi thường oan sai gần 500 triệu đồng vào sáng 14.1.2015.

Anh Trần Hol, 1 trong 7 người vừa được bồi thường, chia sẻ: “Sau khi nhận số tiền từ Viện KSND tỉnh Sóc Trăng tôi đã chi trả nợ cho gia đình gần hết, phần còn lại làm vốn mua bán nhỏ. Họ bồi thường được nhiêu đó là chúng tôi vui mừng rồi. Trong vụ án của chúng tôi, một số công an tỉnh cũng bị bắt, vậy phải xem xét kỹ họ có cố tình làm oan sai hay không và theo tôi họ cũng cần phải có một phần trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi".

Tại Cà Mau, thiếu niên bị bắt giam oan 358 ngày về tội hiếp dâm là Phạm Chí Nguyễn (16 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng đã được Viện KSND tỉnh này bồi thường hơn 64 triệu đồng vào ngày 12.11.2014.

Bình luận về việc con mình được Viện KSND tỉnh Cà Mau bồi thường bằng tiền ngân sách, ông Phạm Văn Hài (cha ruột Nguyễn) băn khoăn: “Tiền ngân sách thì trong đó cũng có tiền của nhà tôi đóng góp. Vậy là tiền bồi thường cho con tôi có cả tiền của nhà tôi thì phi lý quá. Trong khi những ông làm oan sai cho nó thì vô can?”.
 
Tòa sai, nhưng chưa chắc thẩm phán đã sai
 
Ngày 18.3, PV tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Trung (SN 1952, ngụ tại khu vực 2, phường 1, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) để tìm hiểu vụ việc của ông. Ngày 2.5.1988, khi đang là Phó phòng Nông nghiệp của huyện Vị Thanh (nay là TP.Vị Thanh), ông Trung bị Viện KSND huyện Vị Thanh khởi tố, bắt về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến tháng 7.1988, ông được tạm tha.
 
Trong thời gian được tạm tha, ông Trung đã làm đơn kêu cứu gửi đi nhiều cơ quan chức năng. Nhưng mãi đến 23 năm sau (tháng 4.2011), Viện KSND tỉnh Hậu Giang mới có kết luận không có cơ sở buộc tội ông Trung và việc Viện KSND huyện Vị Thanh khởi tố, bắt tạm giam ông Trung là không đúng quy định của pháp luật. Đến ngày 15.7.2013, Viện KSND TP.Vị Thanh đã tổ chức xin lỗi ông Trung, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 416 triệu đồng.
 
Về trường hợp của ông Trung, một cán bộ Viện KSND TP.Vị Thanh giải thích: “Số tiền bồi thường cho ông Trung là từ Viện KSND Tối cao chuyển về chứ Viện KSND TP.Vị Thanh không có kinh phí. Trường hợp của ông Trung gửi đơn kêu oan trước khi Nghị quyết 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực. Còn hiện nay thì cơ quan, cá nhân nào vi phạm mới trích ngân sách hoặc tiền cá nhân đó bồi thường”.

Theo ông Đặng Quang Phương - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, trong những trường hợp xảy ra án oan sai thì phải khẳng định là tòa sai nhưng người thẩm phán trong vụ án đó có sai hay không, mức độ đến đâu, vô ý hay cố ý thì phải xem xét. Sau khi bản án của thẩm phán mà sai thì có một hội đồng xem xét lỗi của thẩm phán trong vụ án đó như thế nào rồi mới xác định được.
 
“Về án oan sai, nếu là vụ án tái thẩm thì người thẩm phán không sai, tức là vụ án phát hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án mà trong quá trình giải quyết vụ án không thể phát hiện được. Còn trường hợp oan sai mà do giám đốc thẩm vụ án thì đó là lỗi chủ quan của thẩm phán” - ông Phương phân tích.
Luật sư Lê Thanh Thuận - Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau: Khó xác định người làm oan

Hệ thống pháp luật tố tụng cần phải được sửa đổi. Trong đó cần phải quy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng (điều tra viên hoặc kiểm sát viên) phải có trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra oan sai. Tuy nhiên, hiện nay tất cả hồ sơ như cáo trạng, kết luận điều tra… là do thủ trưởng các đơn vị ký, mang tính chất tập thể, mặc dù đã phân công rõ người nào phụ trách điều tra. Điều này cũng gây khó khăn cho quá trình xác định người nào trực tiếp làm oan sai.    
Hoàng Hạnh
(ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết – Hoàng Hạnh – Huỳnh Xây ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN