Đứa con nuôi tuyệt vời của bà mẹ tù tội
Con trai út của tôi thi đỗ đại học, cũng là nhờ công của nó. Ngày hai anh em nó lên trại thăm tôi, thông báo tin thằng út thi đỗ đại học, tôi thậm chí đã suýt quỳ xuống chân con trai nuôi của mình.
LTS: Khi chị Đào Mai Anh nhận cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ ấy làm con nuôi, nhiều người xung quanh đã nói chị dại dột khi đi "vác tù và hàng tổng". Nhưng chị vẫn tin giữa chị và đứa trẻ ấy là duyên số, là định mệnh. Và giờ đây, khi trải qua những vấp ngã của đời người, chị càng tin hơn rằng đó là món quà mà số phận dành cho chị, là niềm an ủi và hạnh phúc lớn lao của cuộc đời chị, vì đứa con ấy đã cho chị không chỉ tình yêu thương như máu mủ ruột rà, mà còn cho chị niềm tin để vượt qua những năm tháng khó khăn phía sau song sắt nhà tù. |
Định mệnh đã cho mẹ gặp con
19 tuổi, tôi đã bị cha mẹ đuổi khỏi nhà vì tội chửa hoang. Ngày đó, quan niệm xã hội còn nặng nề, cha mẹ tôi – những người vô cùng nghiêm khắc - đã không thể chấp nhận một đứa con không chồng mà chửa. Những ngày bước ra đời với 2 bàn tay trắng và cái bụng bầu 3 tháng, bị người yêu bỏ rơi, bị gia đình từ mặt là những ngày bi đát, cùng cực nhất trong cuộc đời tôi.
Ngày ấy, để kiếm tiền nuôi bản thân và đứa con đang mang trong bụng, tôi đã phải đi làm thuê hết việc này đến việc khác. Biết hoàn cảnh của tôi khó khăn, nên khi tôi mang bầu tháng thứ 5, có một người đàn bà ở gần nơi tôi làm thuê đã đến gặp tôi, đề nghị tôi đi xách hàng thuê và hứa sẽ trả một khoản thù lao đáng kể. Khi ấy tôi đã nghe phong thanh về việc bà ta là một kẻ buôn ma túy có số má ở trong vùng nên thừa hiểu thứ "hàng" mà bà ta thuê tôi vận chuyển là cái thứ chết người đó. Biết là thế, nhưng lúc ấy vì đường cùng, vì lo cho sự ra đời của đứa con trong bụng, tôi đã nhắm mắt đưa chân, nhận lời làm công việc tội lỗi đó.
Tôi xách hàng thuê cho bà ấy được đâu 10 chuyến, có được 1 số vốn nho nhỏ thì đến ngày chuyển dạ. Ngày con trai tôi chào đời cũng là ngày tôi đoạn tuyệt hẳn với công việc tội lỗi đó. Lúc ấy tôi tự nhủ rằng mình đã là mẹ, thì nhất định phải là một người mẹ tốt, đàng hoàng, để sau này mỗi khi dạy con một điều hay lẽ phải nào đó, tôi không cảm thấy hổ thẹn. Kể từ khi ấy, dù cuộc sống khó khăn đến mấy, tôi cũng không bao giờ quay trở lại làm công việc thất đức kia. Năm tháng qua đi, những ngày đen tối đó cũng dần khép lại. Có lẽ nhờ có duyên buôn bán, nên cuộc sống của tôi ngày càng khấn khá Tôi đã nghĩ rằng quá khứ của mình đã ngủ yên, và mình đã có thể sống những ngày hạnh phúc sắp tới mà không một chút lo lắng.
Là gái 1 con, tôi vẫn có nhiều người đàn ông theo đuổi. Nhưng sau những vấp ngã của mối tình đầu dại khờ, tôi đã không còn đủ niềm tin vào đàn ông. Những người đàn ông đến đặt vấn đề yêu đương với tôi, tôi đều tìm cách từ chối. Nhiều người xung quanh chứng kiến hoàn cảnh của tôi vẫn chép miệng tiếc cho tôi, nói tôi dại dột khi không chịu mở lòng ra đón nhận tình cảm của những người đàn ông đến với mình, để có thể có một chỗ dựa sau này. Chính vì thế, nên khi tôi nhận nuôi 1 đứa trẻ mồ côi 13 tuổi, rất nhiều người đã nói tôi ngu ngốc, điên rồ, khi thân mình không đi lo lại đi "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Nhưng khi nghe những ý kiến bất bình, phản đối đó, tôi chỉ mỉm cười. Bởi tôi là người hiểu hơn ai hết quyết định của mình.
Ngày đó, trong xã của tôi có một cậu bé mồ côi vì cha mẹ phạm tội buôn ma túy, phải chịu án tử hình. Cha chết, mẹ chết, đứa trẻ 13 tuổi đó bị họ hàng xua đuổi, không nơi nương tựa. Khi nghe kể về hoàn cảnh của cậu bé ấy, trong lòng tôi dấy lên một nỗi xót thương kỳ lạ. Tôi cứ nghĩ khôn dại, nếu ngày đó không may tôi bị bắt, có thể con trai tôi cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh đó, cũng bơ vơ không nơi nương tựa và bị mọi người xa lánh. Bản năng của một người mẹ đã khiến tôi quyết định đến gặp gia đình, họ hàng của cậu bé ấy và xin nhận cậu bé ấy làm con nuôi. Ngày tôi đón cậu bé mồ côi đó về nhà, tôi đã nói: "Từ bây giờ đây là nhà của con. Con hãy coi cô là mẹ của con, coi con trai cô là em trai của con. Mẹ và em trai từ bây giờ sẽ là gia đình của con".
Mang trong mình mặc cảm của một đứa trẻ có cha mẹ phạm tội, nên những ngày đầu về sống với tôi, con nuôi tôi tỏ ra rất tự ti và mặc cảm. Nó gần như không giao tiếp với ai, kể cả tôi, dù tôi rất cố gắng gần gũi cháu. Mỗi khi đến lớp, nó chỉ ngồi một góc, không bao giờ phát biểu bài hay chơi với bạn bè trong lớp. Hiểu được nỗi ám ảnh trong lòng con, tôi đã dùng tình yêu thương và sự dịu dàng của một người mẹ để gần gũi, yêu thương và trò chuyện với cậu bé. Tôi hỏi ý kiến nó mỗi khi gia đình có việc, tôi giao cho nó chuyện dạy dỗ em trai. Nếu thằng út có mắc lỗi, tôi để nó dạy em và phạt đòn nếu cần thiết. Có lẽ vì cảm nhận được tình cảm của tôi, mà thằng bé ngày càng cởi mở, vui tươi và hòa đồng. 2 năm sau ngày tôi chính thức nhận nuôi nó, tôi đã hạnh phúc đến nghẹn lại khi nghe nó gọi tôi là mẹ một cách đầy trìu mến.
Tình yêu dành cho mẹ của một người con nuôi
Những lúc nhìn 2 đứa con của mình, dù không phải 2 anh em ruột thịt, lại cách xa tuổi nhau, nhưng vô cùng thân thiết và khăng khít với nhau, tôi vẫn cảm ơn trời vì đã xui khiến tôi nhận nuôi cậu con trai lớn của mình. Có thêm cậu con trai lớn, gia đình tôi trở nên rộn rã, đông vui hơn. Những bữa ăn cũng trở nên đầm ấm hơn. Con trai út của tôi không được khỏe mạnh, có lẽ vì tôi mang thai và sinh nó trong trang thái mệt mỏi và trầm cảm nặng nề. Mỗi lần nó ốm đau là mỗi lần tôi mất ăn mất ngủ. Nhưng khi có đứa con lớn ở bên cạnh, tôi như được tiếp thêm sức manh. Có hôm thấy tôi ngồi chăm đứa em sốt li bì, thằng lớn nhà tôi nằng nặc bắt tôi đi ngủ để nó thay tôi chăm sóc em trai.
Bị nó ép quá, cuối cùng tôi cũng nằm lên giường đi ngủ. Đêm hôm đó vì lo cho con, tôi cũng trằn trọc, trở dậy mấy lần, lần nào dậy cũng thấy thằng lớn đang ngồi bên cạnh em, hết sức chăm chút và lo lắng cho em. Tôi lên giường nằm mà nước mắt cứ trào ra. Người ta nói khác máu thì tanh lòng, nhưng trong gia đình tôi điều đó chưa từng xảy ra. Chúng tôi đã luôn là một gia đình và luôn yêu thương nhau, còn hơn ruột thịt.
Tôi đã chọn cho mình một cuộc sống hi sinh vì con cái, nên đã ở vậy suốt đời mà không đi bước nữa. Ngày cậu con trai lớn đỗ đại học, tôi mừng rơi nước mắt, cứ nghĩ rằng cuộc đời mình đã thực sự bình yên, rằng mọi giông tố sẽ không bao giờ đến với cuộc đời mình nữa. Nhưng tôi đã nhầm. Khi con trai lớn của tôi đang học năm thứ 3 đại học, con trai bé của tôi mà đang học lớp 9, thì tôi bất ngờ bị bắt. Ngày công an đến khám nhà và còng tay tôi bằng chiếc còng số 8, đưa lên chiếc xe thùng, chính tôi cũng bàng hoàng, sững sờ.
Ngày tôi bị tuyên án 10 năm tù giam, đứng nhìn 2 đứa con còn dại dột, tôi đã gục xuống. Lúc đó tôi thấy cuộc đời mình hoàn toàn chìm trong tuyệt vọng. Nhưng hôm đó, lúc tôi bị đưa lên xe thùng về trại giam, con trai lớn của tôi đã chạy theo và nói: "Mẹ yên tâm đi cải tạo, con sẽ thay mẹ chăm sóc em trai. Anh em con sẽ không để mẹ buồn, và thất vọng".
Ơn trời, dù không có mẹ bên cạnh, nhưng hai đứa con của tôi mạnh mẽ và cứng cỏi đến bất ngờ. Con nuôi của tôi, đứa con mà nhiều người từng nói tôi dại dột khi nhận nuôi giờ thành trụ cột chính trong nhà. Những ngày tôi mới bị bắt, nó vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền để lo trang trải cuộc sống của hai anh em. Thấy thằng em sụt sùi khóc suốt ngày vì nhớ mẹ, chẳng chịu học hành, nó đã tỏ rõ cái uy của một người anh lớn, vừa khuyên nhủ, động viên em, vừa răn dạy em không được bê trễ học hành. Nhà ở cách Hà Nội mấy chục cây, nhưng ngày nào nó cũng về nhà để chăm sóc, bảo ban em. Nó nói với em trai là: "Hai anh em mình nhất định phải phấn đấu ngoan và học giỏi hơn cả khi mẹ còn ở nhà. Như vậy mẹ sẽ rất tự hào về chúng ta. Anh là anh lớn, anh sẽ nuôi em. Em là em nhỏ, nhiệm vụ của em là phải học hành tử tế, nên người. Nếu không anh sẽ không biết ăn nói sao khi gặp mẹ sau này".
Ở trong tù, chứng kiến sự tự lập của hai đứa con, tôi vẫn cảm ơn trời phật cho tôi hai đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo đến thế. Có lần 2 anh em nó đưa nhau lên trại giam thăm tôi, tôi đã ứa nước mắt khi nghe thằng lớn kể chuyện ra trường tự đi xin việc làm và tích cóp từng đồng tiền để nuôi em ăn học. Nó chăm em trai và lo lắng cho em trai đầy đủ không kém gì lúc tôi ở nhà. Nó mua quần áo mới cho em, mua xe đạp cho em, mua từng quyển sách, quyển vở, rồi lo cho em từng bữa cơm. Con trai út của tôi thi đỗ đại học, cũng là nhờ công của nó. Ngày hai anh em nó lên trại thăm tôi, thông báo tin thằng út thi đỗ đại học, tôi thậm chí đã suýt quỳ xuống chân con trai nuôi của mình. Tôi đã bảo với con tôi: "Mẹ không biết làm thế nào để cảm ơn con đã lo cho mẹ và em con có được ngày hôm nay". Lúc đó nó đã ôm tôi khóc và nói: "Mẹ đừng nói thế. Mẹ cũng đã cưu mang con khi con bị tất cả mọi người xua đuổi. Mẹ và em mãi mãi là gia đình của con".
Vì tôi, mà con trai nuôi của tôi đã gác lại hạnh phúc riêng của mình, để toàn tâm toàn ý lo cho em trai học đại học. Mỗi lần tôi giục con cưới vợ, nó đều cười bảo: "Con đợi mẹ về rồi mới cưới. Không có mẹ, lấy ai làm đại diện gia đình đi hỏi vợ cho con". Hơn 6 năm tôi ở tù là hơn 6 năm, tôi thấm thìa sự may mắn và hạnh phúc của mình khi có được một người con nuôi tuyệt vời như thế. Đó là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc đời đã dành cho tôi trong những năm tháng sống trên đời. Hạnh phúc đó trở nên trọn vẹn hơn, khi ngày hôm nay, tôi vừa ra nhà thăm gặp gặp hai người thân đặc biệt của mình, đó là cha mẹ tôi. 20 năm rồi không gặp, cuối cùng cha mẹ tôi đã tha thứ cho tôi và dang rộng vòng tay đón hai con tôi vào lòng...
Ghi theo lời kể của phạm nhân Đào Mai Anh - Trại giam Tân Lập