Đòi nợ thuê: Liên minh ma quỷ

Có tận mắt chứng kiến những âm mưu, thủ đoạn trong hoạt động đòi nợ thuê mới thấy: Để “dịch vụ đen” này hoạt động trơn tru, các đối tượng phạm tội đã lập nên những băng nhóm hoặc vỏ bọc nhằm ngụy trang cho hoạt động phạm pháp.

Côn đồ Bắc “chập” giang hồ Nam

Cuối năm 2011, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội nhận được đơn của chị Vũ Thị Kim Hồng, ở thành phố Bắc Ninh trình báo về việc chồng chị là anh Phạm Văn Đảm bị một số đối tượng bắt cóc, đòi gia đình phải giao nộp hơn 1 tỷ đồng. Qua điện thoại, nhóm đối tượng côn đồ yêu cầu chị Hồng phải mang tiền đến một quán cà phê trong ngõ 55, phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa. Nếu nhận thấy có sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát, bọn bắt cóc sẽ “xử lý” con tin.

Trước đó, ngày 25-9, trong vai người mua đi máy sản xuất bánh mỳ, một nam thanh niên tên Huân (ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng bạn gái đã đến gặp anh Đảm. Sau khi thỏa thuận giá cả, Huân hẹn người đàn ông này về nhà mình ở khu vực Cầu Giẽ, Phú Xuyên, Hà Nội để khảo sát, tư vấn việc lắp đặt máy móc. Đúng hẹn, chiều 28-9, anh Đảm thuê xe đến địa chỉ đã hẹn. Khi đang ngồi đợi trong quán cà phê, ông chủ cửa hàng kinh doanh máy sản xuất bánh mỳ bị một nhóm thanh niên mang theo dao kiếm khống chế, ép lên xe taxi quay trở lại trung tâm thành phố.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lực lượng cảnh sát hình sự đã bí mật bảo vệ chị Hồng đồng thời lên các phương án vây bắt nhóm đối tượng bắt giữ người trái pháp luật. Tại khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, lực lượng công an đã bắt quả tang Hà Tuấn Duyệt (SN 1990, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) đang nhận tiền của gia đình nạn nhân. Khai thác “nóng” đối tượng này, cơ quan công an làm rõ vị trí anh Đảm đang bị giam giữ là một nhà nghỉ trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát hình sự đã bao vây địa chỉ này, giải cứu anh Đảm và khống chế tại chỗ đối tượng Bùi Thế Tuệ (SN 1990, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và Lê An Lộc (SN 1991, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Từ lời khai của các đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ toàn bộ ổ nhóm côn đồ cũng như động cơ gây án của chúng. Theo đó, do Nguyên Đình Tứ (SN 1972, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho rằng anh Đảm nợ 400 triệu đồng nhưng không trả nên đã nhờ Nguyễn Công Huân (ở cùng quê) đứng ra đòi nợ. Thấy tỉ lệ ăn chia hấp dẫn, Huân huy động thêm 5 đối tượng lưu manh cùng có HKTT ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và một đàn em ở Thanh Hóa thực hiện “hợp đồng”. Tại khu vực Cầu Giẽ, nhóm côn đồ Bắc “chập” giang hồ Nam đã khống chế, đánh đập, bắt nạn nhân viết giấy ghi nợ.

Đội lốt doanh nhân

Đó là những gì mà người dân vẫn nói về Lê Bình Minh và đám “bộ sậu” trong Công ty TNHH thu hồi nợ Phương Đông (có trụ sở tại Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Công ty với hơn 30 thành viên trong đó có nhiều đối tượng thuộc diện cộm cán giang hồ này đăng ký hoạt động kinh doanh từ năm 2007. Sau hơn 2 năm chuyên thu hồi nợ, Giám đốc Lê Bình Minh đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù về các tội “Chiếm đoạt tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”, trong khi các nhân viên khác cũng lần lượt chấp hành án phạt từ 1 đến hơn 10 năm tù.

Nguyên nhân khiến công ty đòi nợ trước đó luôn rất đông khách hàng này dính vào vòng lao lý vì mỗi khi có “hợp đồng” đòi nợ, thay vì hoạt động theo lĩnh vực được cấp phép về tư vấn thu hồi nợ thì Lê Bình Minh lại cắt cử nhân viên theo dõi, đe dọa, khủng bố tinh thần người vay theo kiểu xã hội đen. Với tỷ lệ chia chác từ 10 - 40% tổng số tiền thu về, Minh đã chỉ đạo đàn em thực hiện 12 vụ bắt giữ người trái pháp luật, dùng vũ lực khống chế, đánh đập con nợ để chiếm đoạt trên 4,3 tỷ đồng. Ban đầu, Công ty TNHH Phương Đông tự tìm kiếm người có nhu cầu đòi nợ rồi đứng ra ký kết hợp đồng, phân công nhân viên xác minh mối quan hệ gia đình, cơ quan của người nợ... Sau đó, đàn em của Minh liên tục gọi điện đe dọa, nói xấu. Nhiều trường hợp, công ty này còn căng băng rôn đòi nợ tại nhà riêng hoặc nơi làm việc của “con nợ”. Khi không đạt được mục đích, đám côn đồ đột lốt nhân viên công ty không ngần ngại xông vào nhà riêng, cơ quan chửi bới, đánh đập người vay, sau đó bắt đưa về trụ sở của công ty ép phải trả nợ.

Cần hiểu rõ về dịch vụ đòi nợ thuê

Đó là khuyến cáo của Phòng Cảnh sát hình sự đối với người dân có nhu cầu ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Theo quy định bắt buộc thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phải có vốn pháp đình ít nhất là 2 tỷ đồng. Trong đó, giám đốc, quản lý cũng như người lao động làm việc trong doanh nghiệp phải là người không có tiền án. Người đứng ra thuê cũng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ chứng minh là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán. Mọi hành vi của chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền cho doanh nghiệp đòi nợ thuê vượt quá thẩm quyền được pháp luật công nhận đối với khách nợ và chủ nợ đều bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, Pháp luật cũng cấm không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp đòi nợ thuê…

Để tránh những rắc rối có thể đến từ hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật, người có tài sản cho vay nên khởi kiện đòi nợ ra tòa hoặc nếu sử dụng dịch vụ này cần tìm đến các doanh nghiệp đòi nợ thuê có uy tín, cần tìm hiểu rõ mô hình hoạt động của doanh nghiệp mà mình sẽ ủy quyền. Tuyệt đối không cậy nhờ đến đối tượng, băng nhóm xã hội đen đứng ra thu hồi nợ trái phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN