Đổi màu con dấu, "cò" đất lừa đảo 42 tỷ đồng

Từ bản hợp đồng góp vốn phô - tô đen trắng, qua vài thao tác của một họa sỹ thiết kế, Hương đã tạo ra bản hợp đồng góp vốn mới giống hệt nguyên mẫu, nhưng có dấu đỏ mực son.

Chính vì tin tưởng giấy tờ "gốc" này, nhiều nhà đầu tư mua đất hám rẻ đã trúng kế kẻ lừa đảo với số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Sử dụng tài năng không đúng chỗ

Từ nhiều năm nay, Đặng Thị Thiên Hương (SN 1975, trú tại ngõ 1, phố Khâm Thiên, Hà Nội) là họa sỹ thiết kế làm việc tại một tạp chí. Được trời phú cho vóc dáng cao ráo, khuôn mặt xinh xắn, cộng thêm chuyên môn tốt nên Thiên Hương được nhiều người trong cơ quan quý mến, trong đó có Đặng Thị Kim Dung (SN 1983, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngoài chuyện công việc ở cơ quan, hai người thường đến nhà nhau chơi, thân thiết như chị em trong gia đình. Tuy ít hơn 8 tuổi, nhưng khả năng ngoại giao và kiếm tiền của Dung vượt trội Hương.

Ngoài công việc tại Hiệp hội, Dung có thêm nghề tay trái là môi giới bất động sản. Tuy nhà đất có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nhìn chung cuộc sống của một người môi giới bất động sản như Dung vẫn "xuôi chèo mát mái", có của ăn, của để.

Vào một ngày tháng 4/2010, Dung đưa cho Hương một bản hợp đồng góp vốn (phô - tô) giữa Công ty cổ phần Tasco ký bán cho ông Vũ Quang Lâm (ở Phòng 1106 nhà CT5 -X2 khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) 19 lô đất tại khu liền kề 2 thuộc dự án Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) và 1 phiếu thu số tiền 14 tỷ đồng của Công ty Tasco.

Dung nhờ Hương tạo ra một bản hợp đồng góp vốn mới, phiếu thu mới có dấu đỏ, mực son thay dấu phô - tô đen trắng có nội dung y hệt bản phô - tô. Nếu làm đúng như lời Dung nói, Hương sẽ được thưởng hậu hĩnh.

Tin lời nói ngon ngọt của Dung, Hương đã thực hiện đúng ý đồ của bạn nhờ. Công sức tạo ra một bản hợp đồng góp vốn có dấu đỏ, mực son y hệt bản phô - tô nói trên của Hương được Dung trả thù lao 300 triệu đồng.

Lóa mắt trước số tiền lớn kiếm được một cách dễ dàng, Hương không biết rằng mình sẽ phải đối mặt với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Rơi lệ...

Sẵn có "lá bùa" do Thiên Hương tạo ra, Kim Dung đã tự ký mạo danh tên những người có liên quan trong bản hợp đồng góp vốn và mang ngay ra thị trường bất động sản để lừa đảo.

Sau khi xem những giấy tờ "gốc" của Dung đưa ra, nhiều nhà đầu tư đã lầm tưởng Dung là người có toàn quyền chuyển nhượng 19 lô đất nói trên và nhanh chóng xuống tiền đặt cọc mua đất.

Nạn nhân đầu tiên là chị Hà và chị Linh. Khi nghe Dung khoa môi, múa mép nói mình đang có nhu cầu chuyển nhượng 2 lô đất có diện tích 110m2 tại dự án khu đô thị mới Vân Canh với giá 1 tỷ 550 triệu đồng /lô (24 triệu đồng /m2). Hai chị Hà, Linh đã đưa ngay cho Dung 3, 1 tỷ đồng để mua 2 lô đất này.

Thực hiện trót lọt cú lừa đảo đầu tiên, Dung nhờ anh Tú (chồng chị Hà) tìm người mua 10 lô đất có diện tích 110 m2 tại dự án Vân Canh. Dung nói dối anh Tú rằng đây là các lô đất của Công ty Tasco đã bán cho ông Lâm, nay ông Lâm nhờ Dung bán hộ với giá 22 triệu đồng /m2.

Dung hứa nếu anh Tú tìm được người mua với giá 27 triệu đồng /m2, số tiền sẽ chia đôi, mỗi người một nửa. Nghe lời đề nghị làm ăn hấp dẫn này, anh Tú gật đầu đồng ý ngay.

Thông qua sự mối lái của anh Tú, chị Nguyễn Thị Là đã mua cả 10 lô đất, trả luôn 39 tỷ đồng cho Dung. Trong khi hoàn tất thủ tục mua bán, bên mua là chị Là phát hiện Dung sử dụng giấy tờ giả nên đã báo công an.

Quá trình điều tra vụ án, công an Hà Nội phát hiện Dung đã lừa đảo hơn 42 tỷ đồng từ những thương vụ mua bán đất giả mạo giấy tờ (không có thật).

Sáng ngày 4/5, TAND TP. Hà Nội đã đưa hai bị cáo Đặng Thị Kim Dung và Đặng Thị Thiên Hương ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại công đường, Dung khóc sướt mướt như một đứa trẻ bị cha mẹ đánh đòn oan. Dung khai lấy bộ hợp đồng góp vốn từ một người bạn cũ tên C (đang làm việc tại Công ty Tasco).

Tuy nhiên, anh C khẳng định không đưa cho Dung bất kỳ tài liệu nào. Vị chủ tọa hỏi: "Vì sao bị cáo không dùng bộ hợp đồng góp vốn phô - tô để giao dịch với khách hàng?" - Dung đáp: "Sử dụng hợp đồng có dấu đỏ mực son, khách hàng mới tin tưởng, xuống tiền đặt cọc". Bị cáo Dung vừa khóc vừa thừa nhận việc nhờ Hương quét bản hợp đồng góp vốn, "chuyển" dấu đen thành dấu đỏ. Và sau đó tự mình ký tên giả mạo lãnh đạo Công Tasco. Khi lừa lấy được tiền của khách hàng, bị cáo Dung gửi tiết kiệm tại ngân hàng 19 tỷ đồng.

"Bị cáo chỉ hám tiền chênh lệch bán đất. Giờ rất hối hận kiếm được nhiều tiền từ việc lừa đảo, nhưng không được tiêu đồng nào" - Dung vừa khóc vừa nói.

Trong bộ quần áo hoa văn lòe loẹt, bị cáo Thiên Hương mặt buồn rười rượi. Bị cáo này tỏ ra ân hận và khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình. Bị cáo này cho biết, Dung nhiều lần đến cơ quan nhờ vả "chuyển dấu đen thành dấu đỏ", nên bị cáo nể quá mới giúp. Bị cáo sử dụng máy quét của cơ quan để làm việc này. Bây giờ bị cáo rất xấu hổ vì việc làm trái với lương tâm.

Khi công an bắt Dung, bị cáo Hương mới biết việc làm vi phạm pháp luật của mình. Số tiền 300 triệu đồng tiền Dung bồi dưỡng, bị cáo Hương đã giao nộp đầy đủ cho công an. Khi chủ tọa hỏi về gia đình, con cái, hai bị cáo Hương và Dung đều rơi lệ...

Kết thúc phiên toà, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dung 15 năm tù, bị cáo Hương 7 năm tù về cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

*Tên người bị hại đã được thay đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Long ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN