Đời cô độc của người bị oan giết hàng xóm 14 năm trước

Ngày ông được giải oan, trả tự do về nhà, vợ con nhìn ông bằng ánh mắt ghẻ lạnh. Ông muốn ôm lấy vợ con để tìm chút an ủi nhưng họ đều dửng dưng. Ông đã mất tất cả. Cuộc sống sau khi ra trại của ông cũng vô cùng đơn độc và khốn khổ.

Cách đây 14 năm khi vừa đi làm về, ông Nhàn bất ngờ bị Công an TP.HCM bắt giữ để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản. Mặc cho ông Nhàn một mực kêu oan, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.HCM vẫn truy tố ông về hành vi giết bà Hoàng Thị Kim Ái từ một dấu vân tay ở dưới hốc tủ. Sau bao năm hàm oan, ông Nhàn được trở về nhà. Tuy nhiên, trở về sau bao ngày tháng bị giam giữ, ông Nhàn đã mất tất cả.

Hàm oan từ dấu vân tay ở hốc tủ

VKSND TP.HCM cho biết, 9h sáng ngày 11/8, VKSND TP.HCM sẽ tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai cho ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ tại Bình Phước, tạm trú Q. Bình Thạnh, TP.HCM) theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Câu chuyện hàm oan của ông Nhàn xảy ra cách đây gần 14 năm trước. Vào trưa ngày 12/12/2001, con gái của bà Hoàng Thị Kim Ái phát hiện mẹ mình đã chết tại nhà riêng trên đường Lạc Long Quân (phường 11, Q. Tân Bình, TP.HCM). Qua khám nghiệm hiện trường, CQĐT xác định, tài sản của bà Ái bị mất khoảng 60-80 triệu đồng cùng với 4-5 lượng vàng SJC. Ngoài ra, cơ quan công an còn phát hiện dấu vân tay ở hốc tủ. Kết quả giám định cho thấy, dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Nhàn (người con bạn dì của chồng nạn nhân-PV). Ngoài dấu vân tay trùng khớp, số vàng mà CQĐT thu giữ tại nhà ông Nhàn gần bằng số vàng mà chồng nạn nhân khai bị mất.

Đời cô độc của người bị oan giết hàng xóm 14 năm trước - 1

Ông Nhàn dốc lòng tâm sự về nỗi hàm oan của mình.

Với kết quả điều tra ban đầu như vậy, ngày 3/1/2002, Công an TP.HCM tiến hành bắt ông Nhàn. Đến ngày 18/2/2003, ông này bị VKSND TP.HCM truy tố về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Ông Nhàn cũng liên tục kêu oan ngay từ khi bị bắt. Theo như lời ông Nhàn khai, trước ngày xảy ra chuyện, ông có đến nhà nạn nhân chơi và được nhờ kê lại cái tủ nên còn lưu dấu vân tay ở đó. Số vàng thu ở nhà ông là do mẹ vợ ông bán đất và gửi giữ. Trên miếng vàng vẫn còn chữ ký và giấy tờ của người mua đất. Do không đủ chứng cứ kết tội, tháng 9/2006, ông Nhàn được tại ngoại sau 1.346 ngày bị tạm giam. Một tháng sau, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

PV báo ĐS&PL đã có cuộc gặp gỡ với ông Nhàn để tìm hiểu về hành trình kêu oan của người đàn ông này. Được biết, suốt quá trình bị hàm oan, ông được luật sư Trịnh Thanh (Trưởng văn phòng Luật sư Người Nghèo hỗ trợ pháp lý miễn phí). Họ chính là người động viên tinh thần, giúp ông giấy tờ thủ tục trên hành trình đi đòi lại công lý. Nhớ lại những ngày tháng bị hàm oan, ông Nhàn chia sẻ: “Đó là những ngày tháng tôi không sao quên được. Mặc dù không được học hành nhiều nhưng tôi không nghĩ rằng mình lại phải chịu cảnh tù tội. Bởi, bản thân tôi chưa làm được gì cao sang nhưng chưa bao giờ nghĩ mình lại làm cái điều thất đức giết người cướp của. Nghĩ lại tôi thấy khoảng thời gian đó thật khủng khiếp”.

“Tôi nhớ, mình phải ngồi tù ba năm. Trong khoảng thời gian đó, mỗi lần có người của Viện Kiểm sát vào là mỗi lần tôi đều kêu oan. Ngoài ra, khi người thân vào thăm tôi, nhất là người chị gái (bà Trương Thị Hoàng Oanh, làm giáo viên, đang sống ở Quảng Ngãi-PV), tôi đều cầu xin chị đến VKSND TP.HCM làm đơn kêu oan giúp mình. Cuối cùng, tôi cũng được cơ quan chức năng thả ra vì không đủ chứng cứ buộc tội. Tuy nhiên, từng ấy năm ngồi tù, khi trở về, mọi người đều nghĩ tôi đi tù về chứ chẳng ai biết tôi bị oan sai”, ông Nhàn tâm sự.

Chính vì những lời dị nghị của dư luận cũng như sự trong sạch của mình chưa được làm sáng tỏ, ông Nhàn tiếp tục làm đơn lặn lội khắp nơi để minh oan cho mình. Sức cùng lực kiệt, khi mà tiền bạc, chi phí, thời gian chạy đi kêu oan đã hết sạch, ông bất ngờ gặp luật sư Trịnh Thanh. Tại đây, vị luật sư này đã hướng dẫn, giúp đỡ ông làm hồ sơ kêu oan. “Thực sự, dù sau này mọi chuyện như thế nào, tôi vẫn luôn ghi nhớ công ơn của luật sư đối với tôi. Nhiều lúc, từ Bình Phước đến TP.HCM làm hồ sơ, tôi không có tiền đi đường, ăn uống, cậu ấy cũng đều giúp tôi rất tận tình...”, ông Nhàn cho biết thêm.

Tâm sự của người khốn khổ

Mặc dù sự trong sạch của mình sắp được công khai nhưng hiện tại bản thân ông Nhàn đã mất hết tất cả. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi quê gốc ở Quảng Ngãi nhưng cùng ba mẹ vào Bình Phước lập nghiệp. Bao nhiêu tiền bạc tích góp, dành dụm, ba mẹ tôi mua được mảnh đất ở Bình Phước để làm nhà. Khi bị bắt oan, tôi đã lấy vợ và ở rể trên TP.HCM. Nghe tin tôi bị bắt, ba mẹ tôi sốc lắm. Nhưng vì tin tưởng con, ba mẹ đã bán hết đất đai, nhà cửa để có chi phí đi minh oan cho tôi. Vậy mà, ngày ba mất, tôi vẫn chưa thể lấy lại được sự trong sạch của mình. Cha tôi sẽ khó an lòng nơi chín suối”.

Đời cô độc của người bị oan giết hàng xóm 14 năm trước - 2

Căn lều nhỏ nơi ông Nhàn sống đơn độc kể từ khi bị hàm oan.

Được biết, ngày ông bị bắt, vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng mới được 6 tháng. Những ngày đầu, người vợ vẫn còn thăm ông, nhưng sau đó thì tình cảm lạnh nhạt dần. Ngày ông được trở về nhà, người phụ nữ này tỏ thái độ rất dửng dưng. “Thực sự, ở trong tù, phần bị oan, phần nhớ vợ, nhớ con, gia đình nên khi được trở về, tôi muốn ôm chầm lấy họ. Nhưng kết quả không giống như tôi nghĩ. Ba tôi đã chết vì buồn, nhà cửa đất đai đã bán hết sạch. Mẹ tôi phải chuyển lên Đồng Nai ở cùng những người bà con và làm thuê trên đó. Còn vợ con cũng không ai nói chuyện với tôi. Tôi muốn ôm con cũng bị nó sợ mà tránh xa...”, ông Nhàn vừa khóc vừa kể với PV.

Chính vì thế, cuộc sống sau khi ra trại của ông cũng vô cùng đơn độc và khốn khổ. Ngày trở về không còn gia đình, ông phải lang thang khắp nơi. Sau đó, sống thui thủi một mình trong cái lều tạm nhỏ ở thôn vắng thuộc xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú, Bình Phước). Đến cái tên để xin việc làm cũng không thể sử dụng được. Không ai chấp nhận cho ông làm việc với một lý lịch không rõ ràng. Sau này, qua một người bạn, ông xin vào làm bảo vệ tại một trường THCS ở huyện Đồng Phú (Bình Phước). Tuy nhiên, trường này không chấp nhận tên thật của ông. Chính vì vậy, ông phải mượn tên của một người anh em mới có thể đi làm được.

Thật may lúc đó, chính cách sống hiền lành, chất phác của ông khiến người dân nơi đây cảm kích. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh và chị Ngô Thị Duyên (ngụ cùng nơi - PV) thương cảm nên đã mời ông về ở chung. Nói chuyện với chúng tôi, chị Duyên bày tỏ: “Ngày đó, anh Nhàn hiền lành lại sống thui thủi một mình trong cái lều hẹp. Biết được hoàn cảnh oan sai của anh, vợ chồng tôi thương lắm. Sợ những lúc mưa nắng, trái gió trở trời không ai ở bên, nên vợ chồng tôi đã quyết định mời anh vào ở chung. Nhìn anh đi khắp nơi để minh oan, tôi thương anh lắm. Thật may bây giờ việc hàm oan của anh đã được làm sáng tỏ...”.   

VKSND TP.HCM sẽ chính thức xin lỗi công khai

Theo VKSND TP.HCM, 9h sáng ngày 11/8/2015, VKSND TP.HCM sẽ tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai cho ông Trương Bá Nhàn theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Buổi lễ sẽ diễn ra tại hội trường UBND phường 13 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) – nơi ông Nhàn từng cư trú khi bị bắt oan. Trước đó, ngày 3/8, sau khi ra quyết định bồi thường thiệt hại do làm án oan, VKSND TP.HCM cũng đã mời ông đến bàn về chuyện sẽ chuyển 295,6 triệu đồng tiền bồi thường. Ngoài ra, VKSND TP.HCM sẽ đăng báo công khai xin lỗi khôi phục danh dự cho ông. Được biết, ngày 21/1/2015 VKSND TP.HCM có quyết định số 34 về việc giải quyết bồi thường cho ông Trương Bá Nhàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN